THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:10

“Thắt lưng buộc bụng” 2 năm đủ tiền giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

 

“Tiền đền bù không rơi vào hộ trực tiếp sản xuất mà rơi vào hộ có đất”

Hôm nay 27/10, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra tại hội trường, Quốc hội thảo luận tại tổ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Thảo luận tại tổ về nội dung này, nhiều ý kiến nhận định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nêu trong Báo cáo chưa bao quát hết phạm vi, đối tượng bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án, đặc biệt là cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với tổ chức kinh tế (nông trường, doanh nghiệp), cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư.

 

 Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính “Thắt lưng buộc bụng” 2 năm đủ tiền giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

 

Báo cáo cần phân biệt rõ sự khác biệt về cơ chế bồi thường với cơ chế hỗ trợ; làm rõ phương án phục hồi sản xuất và thu nhập cho người dân tái định cư, đặc biệt là phương án bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ tái định cư nông nghiệp. Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng khu tái định cư phải chia ra nhiều nhóm dân cư, như nhóm hình thành dân cư đô thị, nhóm không thích nghi được bởi sinh hoạt, sản xuất truyền thống. 

Có khu dân cư chỉ có đất sản xuất, đất vườn, trong khi họ đang là nông dân, đưa vào tái định cư khu vực có tính chất đô thị hoặc trở thành đô thị sẽ khó thích nghi trong sản xuất và đời sống. 

Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh (Hà Giang) nêu thực tế từ tỉnh Hà Giang, khi làm dự án, đi vào đo đếm cụ thể, danh sách cụ thể, hộ trực tiếp sản xuất lại là hộ khác.

“Tôi sợ ở Long Thành, cán bộ các cấp mua nhà ở đấy, còn người trực tiếp sản xuất ở đấy thì không phải là chủ đất”, ông Triệu Tài Vinh bày tỏ và đề nghị, làm rõ nội hàm hộ trực tiếp sản xuất với chủ đất nếu không thì sau này khi thực hiện dự án lại vướng. “Tiền đền bù không rơi vào hộ trực tiếp sản xuất mà rơi vào hộ có đất”, Bí thư tỉnh Hà Giang lưu ý.

Một vấn đề nữa, Bí thư Triệu Tài Vinh băn khoăn là ý kiến cử tri khu vực này thế nào? “Đây là dự án rất án rất lớn. Vậy ý kiến cử tri ở khu vực này nên được Quốc hội biết. Chứ, chúng ta bàn như thế này, nhưng thực tế cử tri ở có tâm tư gì, chúng ta giải quyết được như thế nào?”, ông Vinh nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng điều quan trọng nhất là làm sao để cuộc sống người dân ổn định, nếu làm không tốt việc đền bù, thiệt thòi nhất vẫn là người dân. Bên cạnh đó, phương án phục hồi sản xuất và thu nhập của người dân đã được nêu rất ''suôn sẻ'' trong báo cáo, nhưng tình hình thực tế cho thấy điều đáng lo ngại là diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi và số lao động làm nông nghiệp là rất lớn. Việc bố trí khu vực tái định cư chưa tính đến đất nông nghiệp, vậy việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ như thế nào? Nếu không giải quyết tốt có thể dẫn đến thiệt hại ''kép''.

Lấy ví dụ thực tế việc thu hồi đất tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu nêu ý kiến: Ngân sách bỏ ra để đào tạo nghề cho người dân rất lớn nhưng sau khi được đào tạo, người dân có tiếp tục sống bằng nghề đó hay thất nghiệp và các vấn đề nảy sinh khác là điều cần tính đến. 

Đại biểu Tâm đề nghị Chính phủ cần giải trình, làm rõ thêm nội dung người dân sẽ chuyển đổi nghề như thế nào. Chính phủ, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ mục tiêu xây dựng khu tái định cư là đô thị hiện đại như mục tiêu quy hoạch đã thể hiện: đô thị kiểu mẫu, thích ứng với điều kiện sống của người dân. Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình thu hồi đất, bảo đảm lắng nghe ý kiến của người dân...

ĐBQH Lại Xuân Môn (Bạc Liêu) đặt vấn đề, dự án Long Thành thu hồi đất rất lớn, đền bù khoảng hơn 23 nghìn tỷ, trong khi ngân sách mới bố trí được 5 nghìn, không biết còn phát sinh nữa không?

Cũng băn khoăn về nguồn vốn, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu, “còn thiếu từ 15.000 đến 18.000 tỷ đồng mà giải pháp thì chưa rõ".

Để có số tiền còn thiếu, ông Chính đề nghị tiết kiệm chi thường xuyên mỗi năm 1%, trong vòng 2 năm. “Tiết kiệm trong vòng 2 năm là có 20.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Tôi nghĩ, chúng ta có thể làm được bởi dư địa cho phép chúng ta làm”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho hay.

Theo ông Phạm Minh Chính hiện nay, chúng ta chi thường xuyên lên đến 65% tổng chi ngân sách Nhà nước. Còn số này tăng 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2011 mà tăng tập trung chủ yếu vào chi lương và các khoản phụ cấp.

Cơ sở để ông Phạm Minh Chính tin là có thể tiết kiệm được hàng chục ngàn tỷ đồng để dành tiền thực hiện dự án giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành là bởi trong những năm qua nhiều tỉnh, thành đã tiết kiệm được khoản chi ngân sách.

Theo ông Phạm Minh Chính, trong 20.000 tỷ đồng cần tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, mỗi tỉnh, thành chỉ cần “góp gió sẽ thành bão”. “Tôi nghĩ chúng ta cũng phải quyết tâm thực hiện tiết kiệm thôi, cũng có lúc phải thắt lưng buộc bụng, mà thặt lưng buộc bụng không nhiều chỉ cần 1% trong vòng 2 năm là có thể làm được”, ông Phạm Minh Chính phân tích.

 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): cần vấn đề đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất

 

Tạo công ăn việc làm cho người dân nên gắn liền luôn tại địa phương

Cũng liên quan đến vấn đề đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặc biệt lưu ý: “Trong đề án này chúng ta nhắc đến việc chú trọng tiền cho người ta sinh sống trong vòng thời gian 4 tháng, gọi là hỗ trợ về nhà, hỗ trợ cuộc sống từ 10- 30 triệu. Thế nhưng hết 10- 30 triệu rồi thì người dân làm cái gì thì chúng ta chưa bàn đến?", ông nói

"Đành rằng có các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề, nhưng có đảm bảo chắc chắn rằng người dân học xong sẽ có việc làm và có thu nhập không? Những người dân từ 40 tuổi trở lên, khó đảm bảo sau khi đào tạo nghề, họ có thể kiếm được việc để lo liệu cuộc sống, và gần như không có phương án gì giúp họ tìm kiếm sinh kế sau tái định cư”, ông Cường nhấn mạnh thêm. 

Vì thế, vị đại biểu này đề nghị, trong đề án này phải có phương án về sinh kế cho các gia đình thuộc diện di dời, và phải chia ra cụ thể 2 độ tuổi lao động phù hợp dưới và trên 40 tuổi để đào tạo nghề gán với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. “Thậm chí có thể hỗ trợ cho chính các doanh nghiệp sau đào tạo thì nhận người dân vào làm. Chứ không phải chúng ta đào tạo nghề cho họ, cấp chứng nhận đào nghề cho họ là coi như xong”, ông Cường lưu ý. 

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) khẳng đính, tạo công ăn việc làm cho người dân thu hồi đất phải hết sức lưu ý sao cho phù hợp với khả năng, sở trường, để họ ổn định lại cuộc sống. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy là khi tái định cứ, nên tạo công ăn việc làm cho người dân gắn liền luôn tại địa phương đó, gắn với đặc thù cũng như lợi thế của người dân vùng đó để họ sinh kế ổn định, lâu dài. 

Song song, nhiều đại biểu cũng cho rằng, giải phóng mặt bằng, tái định cư sân bay Long Thành sẽ rất phức tạp, vì thế phải có cam kết rõ ràng, cả hệ thống phải vào cuộc, tránh tình trạng dân khiếu kiện, mất trật tự an toàn xã hội. Đây là dự án di dân lớn nhất từ trước đến nay, tác động rất lớn, vì vậy phải làm thận trọng, tránh mất ổn định, xáo trộn cuộc sống của người dân.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh