Thông điệp đầu Xuân của các Bộ trưởng
- Huyệt vị
- 07:06 - 19/02/2015
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh: Một nền kinh tế mạnh, tự chủ phải có doanh nghiệp mạnh mẽ
Năm 2015, theo nhiệm vụ mà Chính phủ và Quốc hội đã phân công cho Bộ KH&ĐT phải trình ra Quốc hội hai luật mới mà tôi cho rằng cũng rất quan trọng. Thứ nhất, đó là Luật Quy hoạch, đây là luật mà có lẽ rất nhiều người đang mong đợi. Luật này dự kiến sẽ giải quyết được tình trạng quy hoạch tràn lan, kém hiệu quả. Thực tế cho thấy, quy hoạch không tốt sẽ gây ra đầu tư không hiệu quả. Hiện tại, lĩnh vực nào cũng quy hoạch, ngành nghề nào cũng quy hoạch, những quy hoạch đó không có sự thống nhất và không đem lại hiệu quả, thậm chí tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau, làm giảm hiệu quả của nền kinh tế. Thứ hai là Luật Thống kê sửa đổi. Ngoài ra, sắp tới chúng ta sẽ có thêm các luật về đặc khu kinh tế, hành chính kinh tế... Theo tôi, những luật này cũng rất quan trọng. Nó góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế của chúng ta và tạo ra những động lực, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, riêng đối với năm 2015, tôi nghĩ rằng, chúng ta có nhiều việc phải làm hơn. Năm 2015 là năm khá đặc biệt, đây là thời điểm mà chúng ta bước vào hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn.
Năm 2015, chúng ta sẽ chính thức tham gia sâu rộng hơn vào cộng đồng kinh tế ASEAN và thực thi rất nhiều Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Việt Nam sẽ đứng trước thách thức giữa cơ hội phát triển và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà. Nếu chúng ta không làm tốt điều này, Việt Nam không những không tạo ra thêm được các lợi thế về mở rộng thị trường, mà chúng ta còn bị thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà. Đây là điều mà tôi rất lo lắng.
Một điều nữa mà chúng tôi rất quan tâm và sẽ tích cực cải thiện trong năm 2015, đó là vấn đề sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta đã nhận thấy rằng, một nền kinh tế mạnh, một nền kinh tế tự chủ là một nền kinh tế phải có doanh nghiệp sở tại (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp tư nhân) phát triển. Các doanh nghiệp này đều phải rất mạnh mẽ thì chúng ta mới có được một nền kinh tế mạnh.
Đó mới thực sự đem lại lợi ích cho dân tộc, cho mỗi người dân, cho đất nước. Điều này đang thách thức chúng ta. Tôi nghĩ đây là hai vấn đề thách thức rất lớn. Ở đây, tôi chưa nói đến những thách thức còn lớn hơn của ảnh hưởng quốc tế, của khu vực, vấn đề Biển Đông... nhưng theo quan điểm của tôi, đây thực sự là hai thách thức quan trọng trong kinh tế và chúng ta cần phải giải quyết trong năm 2015. Từ đó sẽ tạo ra những đột phá chuyển biến cho nền kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử: Tập trung thực hiện tốt 12 nhiệm vụ
Năm 2014, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, huyện lần thứ 2, ở 363 huyện, 50 tỉnh, thành phố; phối hợp tổ chức Lễ tuyên dương học sinh DTTS học giỏi năm 2014... Có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020. Tuy nhiên, năm 2014 cũng như nhiều năm trước, vốn thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đối với vùng dân tộc và miền núi còn chậm và rất thấp so với nhu cầu, kế hoạch.
Do đó, kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi phát triển chậm, khoảng cách chênh lệch lớn so với các vùng miền khác trong cả nước; kết cấu hạ tầng nhiều bất cập, nhất là hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, y tế; đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao, chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực còn thấp; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ người DTTS ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu...
Năm 2015, UBDT sẽ tập trung thực hiện tốt 12 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ - CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ; xây dựng đề án cơ cấu tổ chức, bộ máy của UBDT nhiệm kỳ 2016 - 2020 theo hướng đề nghị chuyển thành Bộ Dân tộc cho phù hợp với tình hình mới; tổ chức tổng kết các chính sách dân tộc nhiệm kỳ 2011 - 2015 và đề xuất xây dựng đề án, chính sách thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung quản lý, chỉ đạo thực hiện 09 chính sách, chương trình, dự án đăng ký năm 2015 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; thành lập Ban Chỉ đạo chuẩn bị nội dung tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Học viện Dân tộc; tham gia ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương về việc bố trí cán bộ là người DTTS có đủ năng lực, trình độ giữ cương vị lãnh đạo trong cơ cấu hệ thống chính tri; chỉ đạo xây dựng đề án trình Bộ Chính trị và BCH TW Đảng về việc xin chủ trương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 (khóa IX) về công tác dân tộc và xây dựng đề án phát triển toàn diện, bền vững các DTTS Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng giai đoạn 2016 - 2020; chủ trì, phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức rà soát kết quả và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ về Công tác dân tộc và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020; tăng cường quản lý nhà nước về công tác dân tộc; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở UBDT, Khách sạn Dân tộc và hạ tầng Cổng thông tin điện tử nâng cao năng lực phục vụ.
Đối với các địa phương vùng dân tộc miền núi, tập trung rà soát, tổng kết, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu của từng chính sách dân tộc nói riêng và công tác dân tộc nói chung; xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020...
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Mục tiêu lớn nhất là sự hài lòng của người dân
Năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành GTVT vì là năm kỷ niệm lần thứ 70 năm ngày truyền thống vẻ vang. Mục tiêu của ngành là phải tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp để hoàn thành những nhiệm vụ then chốt, không thể thoái thác, dưới giám sát chặt chẽ của toàn xã hội.
Năm 2015 tiếp tục những nhiệm vụ của năm 2014 nhưng ở mức độ đòi hỏi cao hơn về quy mô và ý thức trách nhiệm. Ngành GTVT sẽ tiếp tục cải cách sâu rộng về thủ tục, cơ chế để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bởi vì phục vụ họ một cách tốt nhất, vừa là mục đích, vừa là cách thức tạo ra nguồn lực bền vững cho bất cứ một công trình giao thông nào.
Hoàn thành nhiệm vụ này, đòi hỏi mỗi người trong toàn ngành phải hành động trong danh dự, chủ động sáng tạo, nâng cao hiệu quả lao động, thực hành tiết kiệm và có trách nhiệm với tài sản quốc gia... Với cá nhân tôi, ý nghĩ đầu tiên của tôi trong năm 2015 là trách nhiệm của tôi sẽ nặng nề hơn sẽ phải nỗ lực hơn. Vì vậy, tôi cùng với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ sẽ phải tập trung giải quyết những nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho một cách hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: 2015 là năm “An toàn vệ sinh thực phẩm”
Hiện nay, chúng ta đã đảm bảo cung cấp đủ số lượng, chủng loại lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, vấn đề quan tâm nhất hiện nay đối với người tiêu dùng là chất lượng, an toàn thực phẩm. Đây cũng là điều trăn trở nhất của tôi đối với ngành nông nghiệp trong năm 2015.
Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã cùng với các bộ, ngành, địa phương nỗ lực để cải thiện tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng tình hình nói chung chưa có nhiều cải thiện. Do đó, chúng tôi quyết tâm, trong năm 2015 sẽ điều chỉnh cách làm, thực hiện quyết liệt để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Chúng tôi sẽ lấy năm 2015 là năm “An toàn vệ sinh thực phẩm” trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính phủ và các địa phương cũng ủng hộ chúng tôi thực hiện việc này trong năm 2015.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang: Tập trung vào công tác thanh, kiểm tra
Trong năm 2015, trên cơ sở các văn bản pháp luật đã xây dựng, Bộ TN&MT sẽ tập trung vào hoạt động thanh, kiểm tra kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong trong quá trình thực hiện để có những điều chỉnh văn bản cho phù hợp với thực tế. Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực: Môi trường, đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học...
Bộ cũng tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sở dụng đất; hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản và công tác hậu kiểm... Các địa phương căn cứ nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm 2015 của Bộ để cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của địa phương mình.
Cùng với đó, Bộ tập trung đẩy mạnh hơn nữa vấn đề cải cách hành chính. Thực hiện cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển quốc tế, từ tháng 6/2015 kết nối chính thức hệ thống công nghệ thông tin của Bộ với Cổng thông tin một cửa của quốc gia; hoàn thiện hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất, các bộ phận chuyên môn định giá đất, môi trường, khoáng sản... tại các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Năm 2015, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2015, ngành công thương phấn đấu tăng trưởng sản xuất công nghiệp từ 7,8 - 7,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt khoảng 165 tỷ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 171 tỷ USD.
Trong năm tới, cần tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó, chú trọng nhất là nâng cao năng lực sản xuất; tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cả thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: nông, lâm, thủy sản, dệt may, đồ gỗ...
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, gắn tái cơ cấu với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng; kiên quyết thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, điện, than... Tiếp tục các biện pháp đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào cuộc sống. Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa nạn hàng nhái hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất của doanh nghiệp trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ chú trọng đến việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đã hoàn tất đàm phán về kỹ thuật trong năm 2014 và thực hiện các hiệp định đã ký, chủ động thực hiện những cam kết trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế ASEAN. Các hiệp định kinh tế, thương mại đã ký từng bước đi vào thực thi đã tạo ra cơ hội và điều kiện thuận lợi cho khai thác để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, cho thu hút đầu tư...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,5%
Năm 2015, ngành xây dựng phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,5%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 21,5 m2 sàn/người và giá trị sản xuất xây dựng toàn ngành tăng khoảng 10% so với năm 2014. Để thực hiện những mục tiêu này, ngành xây dựng sẽ tập trung vào hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng mà Bộ Xây dựng chủ trì cũng như tham gia với các bộ, ngành để đề xuất, tham mưu với Chính phủ báo cáo Quốc hội và cụ thể hóa những luật đã được Quốc hội thông qua bằng các nghị định, thông tư.
Ngành sẽ đổi mới và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và các luật có liên quan như: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công... Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, đặc biệt nâng cao tính đồng bộ, khả thi, khoa học và đầy đủ của quy hoạch.
Tăng cường quản lý và kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, tích cực thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ - CP, trong đó phải thành lập các ban quản lý khu vực phát triển đô thị, phân ra các khu vực phát triển đô thị để kiểm soát theo quy hoạch và kế hoạch nhằm đảm bảo tính đồng bộ của đô thị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Quản lý chi chặt chẽ để hoàn thành dự toán ngân sách
Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 thông qua với tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 911,1 nghìn tỷ đồng, nếu tính cả 10 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) là 921,1 nghìn tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.147,1 nghìn tỷ đồng.
Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP. Để thực hiện mục tiêu dự toán NSNN năm 2015 đã được Quốc hội thông qua, cần thiết phải tiếp tục quản lý chi NSNN chặt chẽ và tiết kiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, góp phần hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển; từng bước cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, ngành tài chính sẽ tập trung triển khai những giải pháp trọng tâm đã được đề ra; trong đó, tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật thuế sửa đổi; quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, kiểm soát, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, giảm nợ đọng thuế, quản lý thu thuế khoán quyết liệt, hiệu quả hơn; thúc đẩy cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, phấn đấu giảm số giờ nộp thuế xuống mức trung bình trong khu vực ASEAN; không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế. Trong năm 2014, kết quả thu NSNN vượt 10,6% (63,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 12,3% so với năm 2013.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục
Năm 2015, toàn ngành tập trung triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau: Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, ban hành đồng bộ hệ thống văn bản về quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương; triển khai công tác dự báo, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội; tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục theo quy định của Chính phủ; thực hiện giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, thực hiện xóa mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập.
Ngành cũng sẽ tăng cường công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ thông; đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, đặc biệt là đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn...
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tập trung chỉ đạo và triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2016.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền: Tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động
Với lực lượng lao động đông 53,7 triệu người; phân bố không đều ở các lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó, lao động ở khu vực có quan hệ lao động chỉ chiếm khoảng 30%, số còn lại là tự tạo việc làm. Lao động khu vực nông thôn chiếm trên 70%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp chỉ xấp xỉ 20%. Trong điều kiện kinh tế hiện nay thì vấn đề việc làm cho người lao động là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Năm 2015 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2011 - 2015. Cả nước phấn đấu với cố gắng cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2015 cũng như chỉ tiêu của nhiệm kỳ.
Trong đó có chỉ tiêu quan trọng là tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động. Để đạt được chỉ tiêu trên, ngành lao động sẽ thực hiện các giải pháp sau: Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về việc làm, xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Lao động, Luật Việc làm (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015) với nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao chất lượng lao động như: Tín dụng hỗ trợ tạo việc làm; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Thứ hai, thực hiện Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với việc làm; gắn kết các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp.
Thứ ba, thực hiện các chính sách ổn định việc làm để bảo đảm việc làm, việc làm bền vững cho người lao động. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tạo thêm việc làm có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động làm việc ở nước ngoài.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động (cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động) và nâng cao năng lực của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong việc phổ biến thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp, nâng tần suất hoạt động của các sàn giao dịch việc làm; khai thác có hiệu quả các trung tâm dịch vụ việc làm khu vực đã được đầu tư.