Thời điểm chín muồi để phê chuẩn Công ước số 98
- Tây Y
- 00:27 - 08/06/2019
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình thêm về việc gia nhập Công ước số 98 tại Quốc hội sáng 7/6
Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh, việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 thứ nhất là để tiến tới xây dựng kinh tế thị trường hội nhập quốc tế; Thứ hai, thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất; Thứ ba là xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Trong quá trình chuẩn bị trình Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH đã đánh giá và rà soát đầy đủ những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải vượt qua. Trong đó có 2 vấn đề rất lớn, đó là làm sao để thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất, nhưng phải giữ vững được sự ổn định chính trị và xã hội, nhất là khi chúng ta cho ra đời các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bên cạnh tổ chức Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
“Với yêu cầu cao như vậy, một số đại biểu đề nghị Chính phủ phải có chương trình hành động, kế hoạch hoạt động sau khi chúng ta gia nhập. Hiện nay chúng tôi đã thiết kế kèm theo bản hồ sơ đã có một kế hoạch hoạt động, ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn thì kế hoạch hoạt động kèm theo là 9 nội dung cho đến khi chúng ta gia nhập”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình thêm về việc gia nhập Công ước số 98 tại Quốc hội sáng 7/6
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, để nội luật hóa các quy định của Công ước số 98, chúng ta đã thiết kế lại đồng bộ Chương XIII về tổ chức đại diện người lao động trong dự thảo Bộ luật Lao động. “Hiện nay nhiều đại biểu cũng lo lắng khi có nhiều tổ chức của người lao động như vậy thì quản lý thế nào. Để bảo đảm cho các tổ chức người lao động hoạt động thực chất, bảo đảm quyền lợi người lao động và doanh nghiệp thì trong thiết kế Chương XIII có 5 vấn đề lớn, trong đó có 3 vấn đề có tính chất nguyên tắc mà buộc chúng ta phải đưa vào luật. Những vấn đề này liên quan đến quyền công dân và quyền của tổ chức. Theo quy định Hiến pháp, đó là quyền được tham gia Luật Tổ chức người đại diện, người lao động. Điều kiện, tiêu chuẩn về số lượng thành viên cũng như ban lãnh đạo của các tổ chức người đại diện của người lao động tại cơ sở.”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Còn hai vấn đề lớn khác là trình tự, thủ tục gia nhập, thu hồi, đình chỉ hoạt động thế nào và quyền liên kết của các tổ chức đại diện, Bộ trưởng cho biết sẽ giao cho Chính phủ quy định bằng các văn bản dưới luật để bảo đảm sự linh hoạt nhất, chặt chẽ nhất, phù hợp với từng giai đoạn.
Liên quan đến việc một số đại biểu đề nghị cần làm rõ vai trò của Tổng liên đoàn cũng như các tổ chức chức đại diện của người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tổ chức Tổng liên đoàn là tổ chức chính trị, xã hội hoạt động trên cơ sở quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn cũng như hệ thống pháp luật Việt Nam. Còn các tổ chức đại diện của người lao động bên cạnh Tổng liên đoàn chỉ là tổ chức xã hội, hoạt động đơn thuần về mục đích là quan hệ lao động chứ không hoạt động ngoài phạm vi về mục tiêu quan hệ lao động.
Toàn cảnh phiên thảo luận
Về ý kiến của các đại biểu đề nghị đẩy nhanh việc gia nhập Công ước 87 và Công ước 105, Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đang tiếp tục rà soát nội dung còn lại. Chúng ta sẽ sớm đẩy nhanh việc phê chuẩn Công ước 105 về chống lao động cưỡng bức, dự kiến trình vào Kỳ họp thứ nhất năm 2020, Công ước số 87 về việc thành lập tổ chức cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu nhanh thì năm 2023 phê chuẩn.
Về vấn đề sửa Luật Công đoàn, mặc dù Công ước 98 không đặt vấn đề trực tiếp sửa Luật Công đoàn nhưng theo Bộ trưởng việc sửa Luật Công đoàn là cần thiết để đảm bảo sự đồng bộ với hệ thống pháp luật.
“Về việc sửa như thế nào, chúng tôi cùng Tổng liên đoàn sẽ trình Quốc hội ở thời điểm thích hợp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.