THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:05

Phê chuẩn Công ước 98 của ILO: Cam kết đúng thời gian và tiến độ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Mục tiêu đặt ra là sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 của ILO tại kỳ họp tháng 5/2019 

Tại buổi tiếp, ông Chang Hee Lee trao đổi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập tổ chức ILO, trong đó đề cập đến một số hoạt động đáng chú ý, như: Mời lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng tham dự Cuộc họp kỷ niệm 100 năm tại Giơ  ne  vơ; Tổ chức Diễn đàn Lao động Việt Nam hội nhập quốc tế; Hội thảo lớn kỷ niệm 100 năm ILO

Đồng thời, ông Chang Hee Lee cho biết trong khuôn khổ Hội thảo quan trọng này, sẽ gắn với bức thư của Hồ Chủ tịch viết năm 1919 gửi Liên Hợp Quốc đề cập vấn đề lao động cho Việt Nam, thể hiện tầm nhìn của Người từ thế kỷ trước. Việc công bố bức thư tại sự kiện này, theo vị Giám đốc ILO tại Việt Nam cũng sẽ đầy ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ILO, kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong bối cảnh Việt Nam về lao động, an sinh xã hội có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận hiện nay.

Đánh giá cao việc sửa đổi Bộ luật Lao động và phê chuẩn CPTTP sẽ giúp Việt Nam nâng tầm trên trường quốc tế, tuy nhiên vị giám đốc ILO tại Việt Nam lưu ý, việc đánh giá thực hiện cam kết ILO là một tham chiếu quan trọng để Việt Nam tham gia CPTTP cũng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA. Do đó ông đặc biệt quan tâm đến lộ trình phê chuẩn 3 công ước của ILO và thể hiện mong muốn phía Việt Nam đảm bảo đúng thời gian.

“ILO có Công ước 98 về Quyền được tổ chức và thương lượng tập thể. Điều làm tôi hy vọng là Việt Nam, một thành viên của ILO, đang nghiêm túc xem xét phê chuẩn công ước này, cũng như đảm bảo Bộ Luật Lao động sửa đổi được xây dựng trên những nguyên tắc đó”, ông Chang Hee Lee bày tỏ quan điểm. 

Về những mối quan tâm này của giám đốc ILO tại Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Cam kết đúng thời gian và tiến độ. Nhất là những vấn đề liên quan đến các cam kết quốc tế”.

Ông Chang Hee Lee tin tưởng, việc tiến tới phê chuẩn Công ước 98 của ILO cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ quyền của người lao động

 

Cùng với đó, Bộ trưởng nêu 3 ưu tiên của Việt Nam trong hợp tác với ILO gồm: Sửa đổi Bộ luật Lao động; Nghiên cứu trình phê chuẩn các công ước của ILO, nhất là các công ước cơ bản; Đề nghị ILO hỗ trợ để thể chế hóa Nghị quyết số 27 và 28 của Trung ương về về tiền lương và Bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của ILO trong suốt quá trình soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, đặc biệt là những nội dung mới được đưa vào Bộ luật lần này liên quan tới tổ chức của người lao động, quan hệ lao động để phù hợp với công ước ILO và cam kết quốc tế của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới. 

“Đây là một nội dung mới nên Việt Nam phải vừa làm vừa điều chỉnh cho thích hợp, sao cho đưa được những nội dung mới, tân tiến, phù hợp với xu hướng của thế giới nhưng vẫn phải đảm bảo được ổn định an ninh chính trị, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và trước hết là đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và doanh nghiệp...”, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề cập việc sau khi Dự thảo chính thức được công bố, Bộ cũng sẽ chính thức đề nghị ILO có ý kiến bình luận kỹ thuật đối với Dự thảo.

Về việc nghiên cứu trình phê chuẩn các công ước của ILO, đặc biệt là các công ước cơ bản, Bộ trưởng cho biết, mục tiêu đặt ra là sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 về Thương lượng tập thể tại kỳ họp tháng 5/2019.

“Đến nay, ý kiến của các cơ quan, ban ngành có liên quan đều ủng hộ việc phê chuẩn công ước này”, Bộ trưởng nhấn mạnh, và cho biết thêm, cách đây 2 hôm, Bộ Tư pháp cũng vừa tổ chức cuộc họp thẩm định và ý kiến chung đưa ra là rất ủng hộ việc phê chuẩn Công ước này.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH khẳng định, Công ước 98 cũng phù hợp với định hướng của Nghị quyết Trung ương 27 là tiền lương, sẽ được xác định theo cơ chế thị trường thông qua thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu và các nguyên tắc chung của thương lượng. 

Tiếp theo, trong năm 2020 dự kiến sẽ trình tiếp công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, Bộ trưởng cho biết thêm.

Toàn cảnh buổi tiếp

 

Liên quan đến các các hoạt động kỷ niệm 100 năm thành lập ILO, Bộ trưởng hoan nghênh các đề xuất từ phía ILO, đồng thời giao cho các đơn vị đầu mối liên quan thuộc Bộ phối hợp với ILO để có được hỗ trợ và chuẩn bị sự kiện trên. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng không quên nhắc lại lời mời Tổng Giám đốc ILO thăm Việt Nam và đề nghị ILO sớm cho biết kế hoạch để chuẩn bị cao nhất, đón tiếp một cách chu đáo nhất.

Kết thúc buổi tiếp, ông Chang Hee Lee tin tưởng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ đúng tiến độ, cũng như phê chuẩn Công ước 98 của ILO cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ quyền của người lao động, đồng thời thể hiện cam kết với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong việc tuân thủ nghĩa vụ liên quan đến lao động trong khuôn khổ CPTTP, và EVFTA. 

Vị Giám đốc ILO tại Việt Nam nhấn mạnh, ILO sẽ tiếp tục hỗ trợ cải cách pháp luật và quan hệ lao động, không chỉ để Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về lao động của CPTPP, FTA mà còn nhằm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống quan hệ lao động, phục vụ nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp và xã hội.

Bài: Thanh Nhung - Ảnh: Quý Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh