THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:53

Phát huy tối đa mặt tích cực, hạn chế tác động tiêu cực khi gia nhập Công ước số 98

Thống nhất cao việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98

Thống nhất cao về chủ trương gia nhập Công ước số 98, Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, đây là Công ước rất quan trọng, quy định những điều kiện thiết yếu để Công đoàn có thể tiến hành thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả. “Tôi cơ bản nhất trí với kiến nghị của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số luật, trong đó có các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 để áp dụng tương thích và phát huy tối đa mặt tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực khi tham gia Công ước”- đại biểu Tô Ái Vang nói.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (đoàn Thanh Hóa), cho rằng, đến thời điểm này, việc gia nhập Công ước số 98 không chỉ là sự cần thiết mà chúng ta cần phải gia nhập sớm vì các lý do: Thứ nhất là đáp ứng vai trò thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của Việt Nam là thành viên của ILO. Thứ hai là bảo đảm thực thi, thực chất các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định CPTPP. Thứ ba, việc gia nhập Công ước đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để cho việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Thứ tư là Hiệp định CPTPP mà Việt Nam gia nhập đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ theo điều 2 của Công ước 98.

 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, tham gia Công ước số 98 để đáp ứng yêu cầu hội nhập khi chúng ta tham gia các Hiệp định, các điều ước quốc tế


Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình)- Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhấn mạnh, việc tham gia Công ước số 98 phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng và phù hợp với Hiến pháp. Tham gia Công ước chính là chúng ta tiếp tục xây dựng khung khổ pháp luật để đảm bảo cho thỏa ước lao động tập thể, cho quá trình thương lượng tập thể được công khai minh bạch và hiệu quả. Tham gia Công ước cũng phù hợp với lộ trình chủ động của Nhà nước khi tham gia vào các Hiệp định, các điều ước quốc tế. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời, đáp ứng các yêu cầu hội nhập khi chúng ta tham gia CPTTP và sắp tới là EVFTA. Đây chính là điều kiện để đảm bảo cạnh tranh công bằng, là điều kiện để thúc đẩy quá trình hội nhập của nước ta.

Khẩn trương nội luật hóa các quy định của Công ước số 98

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, về cơ bản hệ thống pháp luật hiện hành đã đảm bảo các yêu cầu của việc gia nhập Công ước số 98. Tuy nhiên, còn một số điểm chúng ta tiếp tục cần nội luật hóa cho phù hợp. Nội luật hóa cần chú ý đến bước đi phù hợp với thực tiễn và hệ thống chính trị như việc thành lập các tổ chức của người lao động không phải là tổ chức công đoàn sẽ có lộ trình thế nào.  Liên quan đến tổ chức của người sử dụng lao động, cần đảm bảo bình đẳng hệ thống pháp luật đối với hệ thống tổ chức của của người sử dụng lao động và người lao động bởi theo ông Lộc, hiện pháp luật quy định khá rõ về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức người lao động nhưng quy định về chức năng nhiệm vụ của các tổ chức của người sử dụng lao động lại chưa rõ, trên thực tế thì VCCI đang đảm nhiệm chức năng này.

“Tôi đề nghị phải nghiên cứu tái cấu trúc lại quỹ công đoàn. Hiện nay 2% kinh phí công đoàn là người sử dụng lao động đóng cho tổ chức công đoàn,  cơ chế quản lý và vận hành của hệ thống này trong tương lai như thế nào. Bây giờ có nhiều tổ chức của người lao động thì không thể là quỹ công đoàn được, bởi vì các tổ chức đại diện khác của người lao động cũng được hưởng điều này. Tôi đề nghị phải thành lập một quỹ lao động hay quỹ xây dựng quan hệ lao động hài hòa ở Việt Nam với sự tham gia của cả ba bên: nhà nước, tổ chức công đoàn và tổ chức của giới sử dụng lao động cùng bàn bạc với nhau xây dựng vận hành Quỹ này một cách tốt nhất”, ông Lộc nói.

Đề cập đến một số vấn đề cần làm rõ hơn và tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật để đảm bảo sự tương thích với Công ước số 98, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về quy định tại Khoản 2, điều 26 Luật Công đoàn quy định về tài chính của công đoàn có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn theo Quy định tại Điều 2 Công ước 98 hay không,

Thứ hai là quy định về quyền thành lập và gia nhập tổ hoạt động công đoàn theo quy định tại Khoản 1, điều 5 của Luật Công đoàn trong đó quy đinh “người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập vào hoạt động công đoàn. Điều này chúng ta hiểu là trong doanh nghiệp cả chủ sử dụng lao động và người động đều tham gia và là đoàn viên Công đoàn. Như vậy có bị coi là hành vi chi phối của người sử dụng lao động với tổ chức Công đoàn theo quy định điều 2, công ước 98 hay không

“Vói hai lý do trên, tuy công ước 98 không liên quan trực tiếp đến Luật Công đoàn nhưng Công ước này là cặp “song sinh” với Công ước 87 vì vậy nếu gia nhập Công ước 98 thì chúng ta  phải sửa luật Công đoàn. Bên cạnh đó, tại thời điểm này, Công ước 98  về cơ bản tương thích với Bộ Luật hình sự và Luật tố tụng dân sự… Tuy nhiên, khi Bộ luật lao động sửa đổi thì có thể có một số nội dung không còn tương thích hai luật trên như các  nội dung về giải quyết tranh chấp lao động tập thể, trình tự thủ tục đình công nên Chính phủ cũng cần có kế hoạch xem xét sửa đổi các Luật trên, tạo sự đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật. ”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Đề nghị Chính phủ sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Công ước số 98


Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch triển khai thực hiện Công ước với lộ trình cụ thể


Theo đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), bên cạnh những mặt tích cực do Công ước 98 mang lại thì chúng ta gia nhập Công ước trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn là nước đang phát triển, kinh tế còn khó khăn, đời sống và việc làm của người lao động còn nhiều vấn đề cần giải quyết.  Do vậy, để thực hiện hiệu quả Công ước thì vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi Việt Nam  phải quan tâm giải quyết. Đó là nguy cơ đối mặt với khiếu nại liên quan tới thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế khi CPTPP và Công ước số 98 là hai hiệp định thế hệ mới đòi hỏi cơ chế thực thi mạnh hơn đồng nghĩa với việc nước ta phải sửa đổi pháp luật và xây dựng bộ máy thực thi đầy đủ, sẵn sàng.  Việt Nam cũng sẽ đối mặt với sự liên kết giữa các nhóm xuyên quốc gia, trong các khiếu nại các tổ chức phi Chính phủ sẽ lên tiếng mạnh hơn khi có các vi phạm liên quan đến thực thi điều khoản trong FTA.

Một thách thức nữa là cam kết trong CPTPP và Công ước số 98 cho phép các tổ chức của người lao động nhận hỗ trợ từ các tổ chức trong nước và nước ngoài, do đó, việc quản lý các hoạt động hỗ trợ thế nào cần có hành lang pháp lý rõ ràng, hiệu quả.  

Bên cạnh đó, những cam kết về thương lượng tập thể và mở rộng phạm vi đình công trong CPTPP và Công ước số 98 cũng dự báo tình hình quan hệ lao động và đình công sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, các xung đột trong và ngoài phạm vi doanh nghiệp cũng sẽ diễn biến phức tạp.

“Để tăng cường hội nhập và hội nhập hiệu quả, giảm bớt các tác động tiêu cực, chúng ta phải tích cực đổi mới thế chế, điều chỉnh luật pháp cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng các cam kết trong Công ước trong đó có các tiêu chuẩn về lao động. Để làm được điều đó, chúng ta cần có những bước đi vững chắc, cụ thể”, ông Bình nói và đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá  kỹ lưỡng những mặt không thuận lợi khi gia nhập Công ước để chủ động phương án xử lý, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người lao động. Đồng thời, xây dựng đề án hoặc kế hoạch triển khai có lộ trình, có sự phân công phối hợp trong triển khai từng công việc cụ thể.  

"Chính phủ cần quan tâm đến công tác tăng cường phổ biến các nội dung của Công ước đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân nhất là những người trực tiếp chịu tác động khi gia nhập Công ước. Các Bộ ngành cần có nghiên cứu sâu về tác động của công ước,đặc biệt là tác động của việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế,  trên cơ sở đó xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn phù hợp đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động."

Điều kiện, thời cơ để tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường


Việc một số đại biểu băn khoăn về sự liên quan của nội dung Công ước số 98 với quy định của Luật Công đoàn về 2% kinh phí liệu có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn theo Quy định tại Điều 2 Công ước 98 hay không, đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (đoàn Hà Nội) cho rằng, can thiệp ở đây là xung quanh mối quan hệ giữa tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp với giới chủ, không liên quan đến 2% kinh phí vì số kinh phí này hiện nay chúng ta thu theo cơ chế thu về cả hệ thống sau đó hệ thống mới chuyển, không trực tiếp nên chúng ta hoàn toàn yên tâm khi gia nhập Công ước.

Liên quan đến việc sửa đổi Luật Công đoàn, đại biểu Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (đoàn Gia Lai) cho biết , hiện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ để sửa đổi Luật Công đoàn, Uỷ ban Các vấn đề xã hội và Uỷ ban Pháp luật đã tiến hành cho ý kiến và hiện đang hoàn thiện lạị để lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.

“Về vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam. Chúng tôi thấy đây là điều kiện, thời cơ và cũng là thách thức buộc tổ chức công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thực tốt nhiệm vụ của mình do Đảng và Nhà nước giao. Chúng tôi đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.” Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Bài: CHÂUGIANG; Ảnh: MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh