Thơ trẻ mới, lạ ...nhưng chưa hay
- Văn hóa - Giải trí
- 13:36 - 25/08/2016
Trong sự phát triển của thi ca thời nào cũng vậy, sự cách tân về nghệ thuật thi pháp cũng như ngôn từ diễn đạt cảm xúc thẩm mỹ để theo kịp với khuynh hướng, trào lưu thơ trên thi đàn thế giới là điều cần thiết, đáng khích lệ. Nói đến sự cách tân thơ theo trường phái siêu thực hay tượng trưng thì hai cố thi sĩ danh tiếng: Hàn Mặc Tử và Bích Khê đã đạt tới đỉnh cao từ thời Thơ mới. Các cây bút trẻ hôm nay nhiều người ngay từ khi xuất hiện tác phẩm đầu tay đã có những tìm tòi sáng tạo rất đáng trân trọng theo nhiều xu hướng, trường phái thơ khác nhau. Tập trung nhiều nhất vẫn là theo xu hướng siêu thực và hậu hiện đại. Ngay những năm đầu của thế kỷ 21, trên thi đàn đã xuất hiện nhiều cậy bút trẻ được dư luận quan tâm. Đó là Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải, Nguyễn Vĩnh Tiến… Họ tìm tòi sáng tạo với tràn đầy khát vọng hướng sự rung động cảm xúc thẩm mỹ của mình tới những vùng thẩm mỹ mới lạ, để hy vọng đem đến cho thơ một sinh khí mới lạ, một vẻ đẹp mới lạ.
Có thể nói trong xu hướng cách tân này cái tôi của các cây bút trẻ được bộc lộ, được đẩy tới tận cùng mọi cung bậc cảm xúc thẩm mỹ. Trong số họ, Vi Thùy Linh được dư luận tranh cãi khá sôi động, bởi những bài thơ, câu thơ bộc lộ tính bạo liệt về sex. Có thể thấy Vi Thùy Linh nói về sex trong thơ một cách thật tự nhiên không cần kìm chế, giấu giếm: “ Đẹp biết bao phút giây Anh ôm em nghẹn ngào, cả hai cùng im lặng/ Im lặng mọc mầm trên da niềm trinh bạch/ Im lặng cho tình yêu sâu thẳm dồn dập xuyên mùa/ Chiếc gường là dải thiên hà trắng”… (Thơ trên ngực anh).
Một tiết mục trình diễn thơ ở sân thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ VI tại Quốc Tử Giám, Hà Nội (Ảnh chi mang tính minh họa)
Cũng trong dòng chảy cách tân ấy, một số ít cây bút trẻ đã có những khám phá sáng tạo gây được sự chú ý và sự đồng cảm của độc giả bởi những câu thơ, bài thơ vừa mới lạ, vừa lấp lánh tính nhân văn. “Khúc nam ai những cung phi góa bụa/ Chèo thuyền vớt xác mình trên sông” (Phan Huyền Thư). “Hà Nội sen mình tràn phố/Tung tẩy đương thì/ Sắc hồng/ Sắc trắng/ Chơm chớp nụ sen/ Khép nỗi thầm/ Vồi vội mùa đi/ Sen thơm lòng gốm rạn…” (Nguyễn Bảo Chân). Trong khi một số cây bút trẻ hăm hở tìm tòi cách tân làm sao cho thơ đạt tới những giá trị lâu bền cả về nghệ thuật thi pháp và nội dung tư tưởng, thì cũng có một số cây bút trẻ lại có xu hướng tìm tòi cách tân tạo ra những tác phẩm xa lạ đến bí hiểm. Điển hình cho xu hướng thơ “quái lạ” này là nhóm Mở Miệng của Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy… Họ “sáng tạo” ra những câu thơ nửa ký tự, nửa con số như thách đố độc giả: “AA’ BB’ AA’ BA’/ 1234567 (Hít thở - Nguyễn Anh). Và trong thơ họ nhan nhản những câu thơ dung tục phản cảm: “Xuyên làn da/ Tôi hỗn độn chảy sâu/ Rừng lông dựng đứng mỏ rận” (Khúc Duy).
Nhiều người nhận xét về phong cách thơ của nhóm “quái lạ” này là “tự do về ngôn từ, lộn xộn về câu chữ và tắc tị về ý nghĩa”. Trong xu hướng thơ theo trường phái hậu hiện đại có những cây bút nữ còn táo bạo đưa vào thơ cả những điều vốn rất tế nhị, thật khó nói. “Tiếng nước đái/ Nhỏ giọt/ Trong bồn cầu tí tách/ Thứ nước ấm sóng sánh vàng hổ phách/ Trong người tôi tuôn ra/ Phải rồi tôi là đàn bà/ Hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ/ Bây giờ ngồi rồi trên bàn cầu chễm chệ” (Nguyễn Thị Hoàng Bắc). Lạ thay những câu thơ dung tục, phảm cảm như thế lại được nhà thơ đàn anh luôn cổ vũ cho trường phái thơ hậu hiện đại Inrasara khen là “rất tuyệt”!?
Một chương trình biểu diễn ở sân thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại Quốc Tử Giám, Hà Nội (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Bao giờ thơ trẻ có thành tựu ? Đó là câu hỏi và cũng là những trăn trở của nhiều nhà lý luận phê bình văn học hiện nay đang đặt ra với thơ trẻ. Thực tế hiện nay mặc dù thơ trẻ đã và đang phát triển ngày một đông hơn về số lượng, nhưng về chất lượng thì chưa có tác giả, tác phẩm đạt được thành tựu đáng kể. Theo nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương, những năm qua thơ trẻ được quảng bá khá rầm rộ, có hẳn một tờ Văn nghệ Trẻ để giới thiệu những gương mặt mới, nhưng gần như đều chìm vào quên lãng. Đó là một thực tế đáng buồn của thơ trẻ hiện nay. Thơ dù tìm tòi cách tân theo xu hướng này hay xu hướng khác, hướng ra phương Tây hay hướng về phương Đông thì đích cuối cùng đạt tới vẫn phải là cái sự HAY. Đó chính là một trong những phẩm chất của thi ca đích thực, vì chỉ có thơ HAY mới có đủ sức sống bền vững trong lòng độc giả. Đọc lại những thi phẩm của phong trào Thơ mới, có thể thấy thi pháp, ngôn từ đã cũ, nhưng hồn thơ thì vẫn đủ sức lay động tâm can người đọc hôm nay và chắc còn lâu hơn nữa. Thơ trẻ hôm nay có thể mới về thi pháp, ngôn từ, hình ảnh nhưng cũng chỉ dừng ở cấp độ ngôn thi và ảnh thi chứ chưa đạt tới cấp độ tâm thi như thế.
Có người cho rằng cái được, cái đáng ghi nhận ở thơ trẻ hiện nay là sự cách tân táo bạo trong cấu trúc, ngôn từ và sự thể hiện tới tận cùng cái tôi bản thể. Có thể nói thơ trẻ đang cố gắng vươn lên trong sự tìm tòi sáng tạo và thể nghiệm để tìm một giọng điệu mới cho thế hệ của mình. Tuy nhiên, nhiều nhà lý luận, phê bình văn học còn băn khoăn lúng túng chưa biết xếp hiện tượng thơ thời chuyển tiếp hai thiên niên kỷ này vào dòng nào trong lịch sử văn học Việt Nam. Nhà thơ Ba Lan Cyprian Norwid nói: “ Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái”. Thơ luôn được sánh ngang với lòng nhân ái. Sự tìm tòi cách tân sáng tạo thơ vì thế càng không thể đứng ngoài lề của sự vận động đời sống xã hội. Thơ trẻ hôm nay vẫn thiếu cái hồn cốt của đời sống xã hội đương đại, vì thế chưa thực sự rung động tâm can người đọc hôm nay. Sau hơn 10 năm vẫy vùng tìm tòi cách tân, thơ trẻ hôm nay dường như đang đuối sức trong cuộc chạy marathon trên con đường sáng tạo thi ca vốn rất nghiệt ngã và cô đơn./.