Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Lai: Luôn nhớ lời Bác dặn
- Y học 360
- 07:37 - 03/09/2022
Vinh dự lớn nhất cuộc đời
Vào một sớm mùa thu Hà Nội, nắng vàng ruộm đều các con phố rợp lá cờ đỏ sao vàng, tôi tìm đến nhà Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Lai tại Khu tập thể Công an, phố Hoàng Cầu. Khoác trên mình bộ đồ quân phục được là phẳng phiu, trông ông trẻ hơn nhiều so với tuổi 93. Căn phòng của ông khá gọn gàng, ngăn nắp với rất nhiều các loại sách, báo. Hai bên bức tường các khung ảnh và bằng khen được ông sắp xếp và treo theo hàng thẳng tắp.
Sau khi giới thiệu về những tấm ảnh, bên tách trà xanh đặc sánh, ông chầm chậm kể: Những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ XX, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp; Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng miền Bắc hết sức thâm độc bằng phương thức gián điệp biệt kích, gián điệp ẩn nấp hòng tìm cách móc nối, câu kết với bọn phản động gây cơ sở, thu thập tình báo, chiến tranh tâm lý, kích động bạo loạn hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn cản sự chi viện cho cách mạng miền Nam.
Nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác công an và cải tiến lề lối làm việc, tác phong công tác của lực lượng Công an trong tình hình mới, từ ngày 26 - 29/4/1963, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị cán bộ ngành Công an tại Trường Công an Trung ương (Thanh Xuân, Hà Nội, nay thuộc phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) bàn về các vấn đề: Công tác bảo vệ trị an; công tác tập trung cải tạo; công tác cải tạo những người trước kia là tề, ngụy, phỉ, đảng phái phản động… Do được báo cáo về hội nghị quan trọng này nên sau khi dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II, Bác Hồ đã đến thăm trường và nói chuyện với đại biểu dự hội nghị.
Đang chăm chú nghe ông kể, bất giác thấy giọng ông trở nên xúc động hơn, mắt rơm rớm, dường như ký ức về lần vinh dự được gặp Bác còn vẹn nguyên trong tâm trí. Ông cho biết, từ tháng 12/1962, lớp học của ông ở Trường Công an Trung ương với gần 300 người tập trung học và huấn luyện để chuẩn bị đi B.
Thế rồi, buổi sáng ngày 29/4/1963 khiến ông nhớ mãi, đó là lớp học của ông được nhà trường gọi lên tập trung tại hội trường, trong khi cả ông và lớp học đều không biết rằng lại vinh dự được gặp và tận mắt nhìn thấy Bác Hồ.
Sau khi cán bộ nhà trường, các đại biểu về dự hội nghị cùng với lớp học chờ khoảng nửa tiếng thì Bác Hồ bước vào hội trường với bộ đồ kaki màu bạc, giơ tay chào mọi người và tiến thẳng lên sân khấu. Ở dưới, ông và cả lớp sững sờ vì quá bất ngờ khi thấy Bác đến. Không ai bảo ai, tất cả mọi người cùng đứng lên đồng thanh kính cẩn chào Bác.
“Lâu nay, mọi người đều nhìn thấy Bác qua tranh ảnh, chứ chưa ai được vinh dự gặp Bác trực tiếp. Khi ấy, trong tôi cảm thấy rất tự hào, thật sự xúc động và thấy đây chính là phần thưởng cao quý trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Vì không thể nghĩ lại có ngày được gặp Bác trực tiếp như thế này. Cứ như một giấc mơ chứ không phải sự thật. Càng vinh dự hơn nữa, đó là tôi được gặp Bác trước khi chuẩn bị đi chi viện cho chiến trường miền Nam”, ông nhớ lại trong sự xúc động.
Được biết, trước khi vào hội trường, Bác đã đi thăm khu bếp ăn của trường, Bác muốn xem đời sống của cán bộ, chiến sĩ và học viên ở trường như thế nào, chứ không phải mục đích đến thăm trường của Bác chỉ là làm chính trị.
“Phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang”
Ngừng giây lát, nơi cửa sổ nắng thu vàng ngấp nghé, một cơn gió nhẹ lay lay cành khế, rót thêm chén nước, ông tiếp tục kể: Trong bài nói chuyện của buổi gặp hôm đó tuy thời gian không nhiều, nhưng Bác Hồ đã khẳng định rõ vị trí, tính chất rất quan trọng của công an là một vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản, nhiệm vụ của công an là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, Bác nhấn mạnh rằng, các cấp ủy đảng phải thật sự giúp đỡ công an và lãnh đạo chặt chẽ công an. Người bày tỏ lòng tin tưởng của Đảng, Chính phủ và nhân dân vào lòng trung thành tuyệt đối và ý chí kiên cường phấn đấu của công an cách mạng và động viên toàn bộ cán bộ, chiến sĩ xứng đáng với niềm tin yêu đó. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của công an cách mạng, xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân, của Đảng và Chính phủ.
Bác nói: Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm các đại biểu. Nhân dịp này, Bác nêu mấy ý kiến để Hội nghị tham khảo. Ở nước ta hiện nay, phong trào cách mạng càng phát triển, càng thắng lợi, thì bọn phản cách mạng càng lồng lộn, càng điên cuồng.
Công an cách mạng là một vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản. Cho nên nhiệm vụ công an là cực kỳ quan trọng, phải giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ cho nhân dân ta an cư lạc nghiệp, để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
Mỹ - Diệm là kẻ thù hung ác của nhân dân ta. Bọn phản động, bọn gián điệp biệt kích là chó săn của Mỹ - Diệm. Chúng tìm mọi cách thâm độc để hòng phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Nhiệm vụ của công an là phải kiên quyết chống lại chúng, phá tan mọi âm mưu của chúng. Để đánh thắng chúng, công an ta phải thực hiện tốt những điều sau đây: Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác; công tác phải tích cực, phải khẩn trương, phải bền bỉ.
Phải kiên quyết làm thật tốt việc giáo dục cải tạo những người trước kia là tề, ngụy và phỉ, những người trước đã tham gia các tổ chức phản động. Việc này phải làm kiên quyết, nhưng phải hết sức cẩn thận và khôn khéo, nghiêm khắc với kẻ ngoan cố, đối với người thực sự cải tạo thì khoan hồng.
Phải củng cố thật tốt công an khu phố, huyện và xã. Đó là những cơ sở của công an. Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ. Làm mọi việc phải đi sâu, đi sát, phải tránh chủ quan, phải có kế hoạch chu đáo, phải có quyết tâm bền bỉ. Các cấp ủy đảng phải thật sự giúp đỡ và lãnh đạo chặt chẽ công an.
Làm tốt những việc đó, thì chúng ta nhất định thắng được địch. Đảng và Chính phủ tin vào lòng tuyệt đối trung thành và chí kiên cường phấn đấu của các đồng chí. Toàn thể cán bộ và chiến sĩ công an phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của công an cách mạng, xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân, của Đảng và Chính phủ đối với các đồng chí.
Ngoài ra, Bác Hồ đặc biệt coi trọng biện pháp vận động quần chúng. Bác khẳng định: Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.
Bác phân tích: “Địch không phải tài tình gì đâu. Nó phá hoại được vì ta sơ hở, chủ quan. Nếu công an ta biết giữ gìn và biết dựa vào nhân dân, làm cho nhân dân cũng biết cách giữ gìn, không để sơ hở thì nhất định địch không làm gì được. Cho nên chúng ta phải dựa vào dân để hoạt động. Khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được. Một điều rất quan trọng là phải biết dựa vào lực lượng của nhân dân, có quyết tâm khắc phục mọi khó khăn thì nhất định làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó cho công an”.
Để vận động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, Bác đã chỉ cho công an nhân dân biện pháp, cách thức vận động quần chúng nhân dân hết sức hiệu quả. Trước hết, theo Bác, công an phải thật sự nêu gương, gần gũi với nhân dân, yêu thương con người, thu phục được nhân tâm của nhân dân, làm cho dân quý, dân tin, dân sẽ ủng hộ công an hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bác yêu cầu: “Làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được…”.
Câu chuyện về buổi gặp Bác Hồ đã được Thiếu tướng Phan Văn Lai kể lại, nhưng ký ức của lần gặp Bác Hồ ngày đó của ông như muốn còn nấn ná. Giọng ông trầm lại: “Những lời căn dặn của Bác đã giúp tôi trong quá trình học tập, nâng cao lòng yêu nước, sự nhiệt tình với cách mạng, củng cố một niềm tin và như một động lực để giúp tôi xác định được trách nhiệm lớn lao khi vào chi viện cho chiến trường miền Nam từ năm 1966 - 1975”.
Cho đến bây giờ, dù đã trải qua mấy chục năm, nhưng từng lời Bác nói, Bác căn dặn luôn được Thiếu tướng Phan Văn Lai xem đó là bài học lớn, là kim chỉ nam định hướng tư tưởng và hành động của ông. Ông chưa bao giờ quên đi những thời khắc ấy. Ngồi nhớ và kể lại câu chuyện, ông vẫn nghẹn ngào, không nói nên lời.