THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:43

Thiếu nhân lực ngành kinh doanh bất động sản

 

Nhân lực vừa thiếu, vừa yếu

Nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu trong khi thị trường bất động sản đang rất nóng bỏng và hấp dẫn - đó là đánh giá chung của các chuyên gia nước ngoài về thị trường nhân lực cho lĩnh vực bất động sản trong nước. Tình trạng thiếu hụt diễn ra ở tất cả các khâu, từ các chuyên gia kỹ thuật, các chuyên gia kinh doanh, định giá, môi giới...

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt là do thị trường bất động sản đã phát triển quá nhanh so với sự phát triển của công tác đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này. Có thể thấy đầu tư vào bất động sản đang là một kênh đầu tư hấp dẫn. Chính vì vậy, sự ra đời và lớn mạnh của hàng loạt các công ty bất động sản trong nước, cùng với những đơn vị từ lĩnh vực khác mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực này, tạo nên một mức “cầu” nhân lực quá lớn, dẫn đến sự thiếu hụt.

Một chuyên gia ở Khoa Bất động sản và Địa chính, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho biết vào năm 2000 với khoảng 350 triệu dân tại khối thị trường chung châu Âu (gồm 12 nước), ước tính cứ khoảng 2.333 người dân thì có 1 nhà chuyên môn về dịch vụ bất động sản. Hay tại Singapore, mỗi năm 20.000 người được đào tạo chính quy với các kỹ năng tổng hợp tham gia vào thị trường bất động sản.

Trong khi đó, tại Việt Nam, mỗi năm chỉ có 40 sinh viên chính quy được đào tạo chuyên sâu từ Khoa Bất động sản và Địa chính của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ duy nhất tại Hà Nội có trung tâm đào tạo đại học và trên đại học về hai chuyên ngành Thẩm định giá và Quản trị kinh doanh bất động sản. Còn lại, một số trường đại học khác mới chỉ dừng lại ở các lớp ngắn hạn về thẩm định giá bất động sản.

Theo ông Vũ Quốc Thái, Công ty Nghiên cứu và Tư vấn bất động sản Vietrees, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt là do thị trường bất động sản đã phát triển quá nhanh so với sự phát triển của công tác đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này. Mặc dù, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay còn non trẻ so với thị trường của các ngành nghề khác, nhưng tốc độ phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Không kể những doanh nghiệp đã hoạt động và tạo dựng được tên tuổi trong thị trường này thì từ nhiều năm nay, không ít tập đoàn bất động sản lớn của nước ngoài đã quan tâm và đầu tư vào các dự án bất động sản tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phải kể đến sự ra đời và lớn mạnh của hàng loạt các công ty bất động sản trong nước khác, bao gồm cả những đơn vị từ lĩnh vực khác mở rộng sang hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Những yếu tố này đã dẫn đến sự thiếu hụt khá nhiều về nhân lực vì nguồn “cung” không đáp ứng nổi “cầu”.

Nhân viên kinh doanh bất động sản tư vấn cho khách hàng về dự án Thang Long Home (Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai).   

 

Nhân tố thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Thống kê từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho thấy, năm 2015 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản tăng vọt, tới 78,7% so với năm 2014. Cùng đó, lượng nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch cũng tăng gấp từ 2 – 3 lần.

Tuy nhiên, hiện nhân sự bất động sản hiện chất lượng không cao do các cơ sở đào tạo ngành nghề này còn thiếu, yếu. Giáo trình đào tạo còn mang nặng tính sách vở, xa rời thực tiễn. Chưa kể, nhiều cơ sở đào tạo không thực chất, học viên chỉ ghi danh, đóng tiền nhận bằng. Góc độ khác, lượng nhân sự được đào tạo chính quy hàng năm ra trường rất ít, không đủ cung cấp nhu cầu trong khi nhân sự từ các ngành khác chuyển ngang nhiều.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây vai trò và tầm ảnh hưởng của lực lượng môi giới ngày càng thể hiện rõ nét trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, hoạt động môi giới bất động sản thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề phải xem xét. Tính đến giữa năm 2015, cả nước có hơn 26.000 nhà môi giới; trong đó Hà Nội có 10.000 nhà môi giới, Tp. Hồ Chí Minh là 13.000 và 3.000 người là ở các tỉnh, thành khác. Môi giới bất động sản là một ngành đặc thù, đòi hỏi người làm phải có vốn kiến thức tổng hợp về ngành nghề, lĩnh vực, luật pháp, kiến thức xã hội và các kỹ năng mềm. Ngoài kiến thức được học, các môi giới viên còn phải thường xuyên trau dồi bản thân. Tuy nhiên, sự trở lại ồ ạt của các văn phòng môi giới bất động sản như một phong trào và đi kèm là sự thiếu chuyên nghiệp.

Là đơn vị chuyên đào tạo nghề môi giới bất động sản, ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Gia Group cho hay: “Đào tạo ở các sàn phần lớn hiện nay mới dừng lại ở góc độ “cầm tay chỉ việc”, nói cách khác nhân viên chỉ mới là những người bán sản phẩm chứ không phải chuyên viên tư vấn, môi giới bất động sản. Chất lượng đội ngũ môi giới ra thị trường thực sự đang có rất nhiều vấn đề. Thậm chí, nhân viên môi giới không thuộc sản phẩm, không có kỹ năng, kiến thức để tư vấn, giải đáp thắc mắc cho khách hàng. Từ câu chuyện đầu vào kém, dẫn đến thiếu kỹ năng, thiếu tôn trọng chính nghề nghiệp của mình, môi giới chạy theo lợi nhuận, làm ăn chộp giật, vi phạm lòng tin khách hàng. Hơn thế ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thị trường, lũng loạn thông tin. Hình ảnh, vị thế của người môi giới nói riêng và ngành nghề môi giới nói chung với xã hội dễ lặp lại những cái nhìn thiếu thiện cảm”.

Ông Cao Tuấn, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, cho rằng: “Để thị trường nhà đất không bị biến động và phát triển lệch lạc thì những người làm dịch vụ phải rất chuyên nghiệp; từ việc có những am hiểu sâu sắc những vấn đề kinh tế, xã hội, luật pháp liên quan tới bất động sản, thị trường cho đến các giao dịch về bất động sản. Mà tất cả những điều này đều phải qua đào tạo thì mới có được”.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh