CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:47

Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao: Rào cản để nâng tính cạnh tranh

 

Cần tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia cho biết, trong các quốc gia tại khu vực ASEAN, Việt Nam có nhiều ưu thế để có thể trở thành một trong những quốc gia ưu tiên hàng đầu, điểm đến lý tưởng trong chiến lược gia tăng đầu tư giai đoạn tới. Song để có thể gia tăng tính cạnh tranh mạnh hơn so với các nước khác trong cuộc đua thu hút vốn FDI, Việt Nam cần tập trung và thay đổi chiến lược đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không nhanh chóng cải thiện vấn đề này, Việt Nam sẽ mất dần vị thế thu hút đầu tư.

Cùng với đó, khối doanh nghiệp FDI cũng nhận định, sự thiếu hụt về nhân lực trình độ cao hiện tại của Việt Nam có thể sẽ bớt căng thẳng hơn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu mở cửa thị trường lao động. 

Đồng thời, sự cạnh tranh giữa nguồn lao động trong nước và nước ngoài cũng sẽ được kích hoạt, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc lao động trong nước có thể sẽ thua thiệt ngay cả trên chính sân nhà...

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan lần lượt đạt 5,76, 5,59 và 4,94 điểm... Điều này cho thấy sự yếu kém về chất lượng lao động, cũng như năng suất lao động và nhiều yếu tố khác của nguồn nhân lực nước ta.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cải cách, thay đổi, nhất là về quy định luật pháp, cơ chế chính sách đầu tư… nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực nước ngoài. Theo Bộ KH&ĐT, riêng tại TP. Hồ Chí Minh, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận là 457 dự án, với tổng vốn đăng ký 2,88 tỷ USD.

Hiện nay, số người làm việc trong các DN FDI đạt con số khoảng 550.000 lao động. Như vậy, các DN FDI đã tạo ra khoảng 22,5% chỗ làm cho lực lượng lao động tại thành phố, góp phần không nhỏ vào việc tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống của người dân. Tuy nhiên, số lượng lao động trong các doanh nghiệp FDI có thể sẽ cao hơn rất nhiều nếu chất lượng lao động trong nước đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. 

Đại diện nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến như vậy và cho biết, hiện phần lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không tuyển đủ lao động do chất lượng quá thấp.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, Việt Nam vẫn cần phải có chiến lược riêng nhằm nâng cao nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng cho mục tiêu này bởi nhiều tập đoàn nước ngoài trong quá trình tìm hiểu, “ngấp nghé” đầu tư vào Việt Nam nhưng việc phải bỏ ra một nguồn vốn đáng kể đầu tư các trung tâm nghiên cứu và đào tạo dạy nghề đạt chuẩn quốc tế nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu vẫn là mối băn khoăn đáng kể.
Về vấn đề này, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam cho rằng, nguồn nhân lực có tay nghề của Việt Nam hiện nay chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển của các nhà đầu tư cả về số lượng và chất lượng. 

Nâng cao nguồn nhân lực để cải thiện năng lực cạnh tranh từ bên trong

Chính vì vậy, bản thân công ty cũng như không ít nhà đầu tư nước ngoài khi mở rộng, xây dựng nhà máy tại Việt Nam phải đưa các kỹ sư có tay nghề cao từ chính quốc qua, hoặc phải nhanh chóng mở các trung tâm đào tạo nghề cho công nhân bản địa với chi phí khá lớn.
Bày tỏ sự đồng thuận, ông Lê Quang Minh, đại diện Công ty CP Việt Nhật cũng thừa nhận, nhà tuyển dụng rất khó tìm kiếm nhân sự phù hợp. 

Với một thị trường lao động còn lệch pha cung và cầu với các nhân sự chất lượng cao như hiện nay thì việc cạnh tranh thu hút giữa các DN đã đẩy các chính sách đãi ngộ đối với đối tượng lao động này ngày càng lên cao. 

Tuy nhiên, nhiều DN vẫn buộc phải tuyển dụng lao động “non” về trình độ so với yêu cầu của vị trí tuyển dụng, hoặc mất rất nhiều chi phí để đào tạo lại. 

Đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh về tuyển dụng khó khăn hơn các DN lớn thì việc tuyển dụng cán bộ “non” và phải đào tạo lại là khó tránh khỏi. 

Để nguồn nhân lực được đào tạo vừa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa có thể cạnh tranh trong thị trường lao động hội nhập, các chủ sử dụng lao động “hiến kế”, cần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề cho các trường dạy nghề, nhất là các nghề đào tạo về công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... 

Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động tự nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình để cải thiện năng lực cạnh tranh từ bên trong.

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có số người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số chiếm tỷ lệ 75,2%. Là nước đang ở giai đoạn dân số vàng, nhưng số lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm tỷ lệ 17,9% (nông thôn 11,2%). Điều này cho thấy chất lượng nhân lực ở nước ta vẫn còn thấp. Tuy số lượng người qua đào tạo không ngừng tăng lên, nhưng chủ yếu là lao động được đào tạo ngắn hạn nên rất thiếu lao động có trình độ tay nghề giỏi, công nhân kỹ thuật bậc cao.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh