THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:04

Kon Tum: Thiếu chế độ dinh dưỡng và chăm sóc y tế cho phụ nữ mang thai miền núi

 

Nhiều người phụ nữ ở Kon Tum trong suốt cả thời kỳ mang thai và sinh nở không nhận được một sự chăm sóc về y tế. Thực tế này cần phải được thay đổi để những thế hệ trẻ em sinh ra được phát triển khỏe mạnh và toàn diện.

Tảo hôn, nghèo đói là nguyên nhân những phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ ở miền núi không được quan tâm đúng mức về sinh dưỡng, y tế 

Chờ cơn mưa tạnh, Y Râu ở xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum sẽ lên rẫy. Y Râu phải chuẩn bị những đồ dùng cần thiết để cho con gái mới sinh tròn 1 tháng của mình đi cùng. Làm mẹ ở độ tuổi 17 là công việc quá sức đối với Y Râu. Trải qua cuộc vượt cạn không mấy dễ dàng nên khuôn mặt Y Râu vẫn còn xanh xao.  Chưa kịp lại sức em đã phải bắt tay ngay vào công việc nương rẫy. Vợ chồng Y Râu lấy nhau khi tuổi còn rất trẻ. Hai vợ chồng chỉ có căn nhà sàn chật hẹp và một thửa ruộng trồng sắn. Vừa làm lụng vất vả vừa lo bữa ăn qua ngày nên khi mang thai, Y Râu chẳng có điều kiện bồi dưỡng và nghỉ ngơi dưỡng thai. Những ngày mới sinh Y Râu còn phải tự mình chăm con vì chồng em phải đi làm xa.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh vì thế bà mẹ cần được tăng cường dinh dưỡng trước và sau thai kỳ. Nhưng đối với Y Râu những bữa cơm trắng ăn với măng xào đã là tốt rồi. Có hôm em vẫn phải ăn cháo với muối. Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh là những điều còn khá xa lạ đối với nhiều người dân ở đây.  Đời bà, đời mẹ của Y Râu vẫn thế nên Y Râu cũng tin “Trời sinh voi, trời ắt sẽ sinh cỏ”.

2 tuần cho đến một tháng là khoảng thời gian nghỉ thai sản của các bà mẹ miền núi. Họ tự quy định khoảng thời gian này tùy theo sức khỏe và điều kiện gia đình cho phép. Sau khoảng thời gian ấy, họ quay trở lại với công việc đồng áng cùng với con, địu con lên rẫy. Nắng, mưa, bão, gió, thậm chí có những ngày hai mẹ con phải trú tạm trên nương, trong những căn nhà chòi trên rẫy. Chị Hoàng Thanh Lan, cán bộ y tế Trạm y tế xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết: “Do cũng nghèo khổ, khó khăn nên dù có bầu người phụ nữ vẫn phải đi làm miết. Chỉ khi nào sắp sinh họ mới nghỉ ở nhà, sinh xong chỉ ít ngày lại tiếp tục công việc nương rẫy, không được nghỉ ngơi bồi dưỡng đầy đủ nên nên trẻ suy dinh dưỡng nhiều hơn”.

Chị Y Nghiên từng trải qua nỗi đau xé lòng vì sinh 6 đứa con nhưng chỉ còn lại 3 đứa. Các con của chị mất do bị nhiễm trùng lúc mới sinh. Không ý thức được sự cần thiết phải thăm khám, chăm sóc sức khỏe khi mang thai, nên lần nào mang thai chị Y Nghiên cũng hoàn toàn phó mặc cho số mệnh các con cho các thầy mo trong làng… “Ngày trước là tin tưởng thầy bói, thầy bảo đập 1 con heo thì đẻ dễ. Tôi cũng tin thầy, cứ tưởng là đẻ dễ nên ở nhà mà đẻ. Mang bầu vẫn ở ruộng, thấy đau tưởng sắp đẻ thì chị mới chạy về. Bao giờ con tôi sinh thì tôi sẽ bảo con không được tự đẻ, nguy hiểm quá”, Y Nghiên chia sẻ.

Câu chuyện về những người phụ nữ phải làm việc nặng nhọc lúc mang thai, không được chăm sóc và đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng khi sinh nở chẳng hề xa lạ với đồng bào dân tộc ít người ở tỉnh Kon Tum. Theo báo cáo đầu năm 2016 của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới một tuổi tại Kon Tum cao gấp gần 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước. Trong đó có tới 121 trẻ tử vong ngay trong tuần đầu tiên sau khi chào đời. Trẻ tử vong chủ yếu do đẻ non, nhiễm trùng sơ sinh và suy hô hấp.

Theo lãnh đạo Sở Y Tế Kon Tum, sở dĩ phụ nữ mang thai chưa được quan tâm đúng mức về dinh dưỡng, y tế vì trình độ của các bà mẹ ở vùng xâu vùng xa. Do phong tục tập quán, họ sống trong điều kiện như thế, đồng bào khó khăn, họ cũng nghĩ không sao vì bao đời nay vẫn thế. Thứ hai nữa do địa lý xa họ cũng ngại đi lại thăm khám trong thời kỳ mang thai.

Nhằm làm giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, Tỉnh Kon Tum đã tăng cường vận động, tuyên truyền về kiến thức chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tới tận thôn, bản và tại hộ gia đình. Sở Y Tế và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn “Người đỡ đẻ có kỹ năng và chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh thiết yếu trong và ngay sau đẻ cho cán bộ y tế làm công tác Chăm sóc sức khỏe sinh sản tuyến xã”; đào tạo 143 cô đỡ thôn bản để hỗ trợ cơ động cho các bà mẹ mang thai. Đặc biệt tuyên truyền xóa bỏ tập tục bà mẹ mang thai vẫn phải làm việc nặng nhọc, vận động gia đình tạo điều kiện cho các bà mẹ mang thai được nghỉ ngơi  trong thời kỳ thai sản. Từ đó xây dựng thói quen chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh  của cộng đồng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe bà mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi và trẻ sơ sinh. Trẻ dễ mắc các bệnh lý như nhiễm trùng hô hấp, dị tật bẩm sinh, xuất huyết não – màng não, suy dinh dưỡng… nếu trong quá trình mang thai và sau sinh người mẹ không được đảm bảo các yếu tố về dinh dưỡng và nghỉ ngơi phục hồi.

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau khi sinh là một trong những yêu cầu quan trọng của “Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ thơ trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2017 -2025”  sẽ được Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đối với những tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, để có những thế hệ tương lai phát triển toàn diện thì trước hết phải giảm được tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, phụ nữ mang thai cần được quan tâm nhiều hơn.

VI THANH - VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh