CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:15

Phụ nữ khuyết tật khó tìm việc vì quá nhiều rào cản

 

Theo một nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thu Hoài (Học viện Phụ nữ Việt Nam) về vấn đề việc làm cho phụ nữ khuyết tật cho thấy, khảo sát tại 3 tỉnh: Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh thì có chưa tới 1/3 số phụ nữ khuyết tật có việc làm. “Chúng tôi đi tìm nguyên nhân, tại sao chỉ có 1/3 đi làm việc. Trong số những phụ nữ khuyết tật đang không có việc làm, có những người đã từng đi làm nhưng bỏ việc vì rất nhiều lí do, và có người chưa từng đi làm. Họ bị từ chối do hiệu quả công việc không được bằng so với người bình thường. Họ bị kỳ thị, bị cho rằng yếu hơn, lương thấp so với mặt bằng công việc. Có những người thì gia đình không đồng ý cho đi làm…”, bà Hoài cho biết.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Thu Hoài, phụ nữ khuyết tật hiện đang chủ yếu làm những công việc tự phát không có tổ chức. Phần đa họ nói không được hướng dẫn, giới thiệu, gia đình tạo điều kiện đến đâu thì làm đến đó, không được đầu tư tốt hơn. Chủ yếu các lao động giản đơn. Phụ nữ trên 40 tuổi thường tự bán hàng, phụ nữ trẻ có thể học nghề nhưng các nghề đào tạo không được bài bản nên chỉ làm rất đơn giản. Theo điều tra, hiện có tới 64,1% phụ nữ khuyết tật đang làm việc tại nhà, 5,9% làm tại các cơ sở sản xuất tư nhân, 13,2% làm tại Hội NKT. Chỉ 1,2% làm tại các cơ sở nhà nước.

 

Phụ nữ khuyết tật còn gặp nhiều rào cản trong quá trình tiếp cận việc làm.

 

Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam, Việt Nam là nước đang phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều. Trong đó phụ nữ nghèo và phụ nữ khuyết tật nghèo chiếm tỷ lệ cao, chiếm khoảng 3,6 triệu người; phụ nữ khuyết tật sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Phần lớn họ thuộc hộ nghèo và sống ở nhà tạm. Trong nhóm khuyết tật, chị em phụ nữ có thiệt thòi hơn, từ việc đi hạn chế nên cơ hội tiếp cận công việc cũng hạn chế. Tuy nhiên ngày nay nhận thức xã hội đã khác hơn, chị em cũng có cơ hội tham gia vào các đoàn thể, tham gia kinh doanh, đi làm… Cũng đã có rất nhiều phụ nữ khuyết tật trở thành bà chủ, nhà kinh doanh với số vốn hàng tỷ đồng. Đó là tín hiệu mừng cho sự vươn lên của phụ nữ khuyết tật.

Theo các chuyên gia, phụ nữ khuyết tật thường gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng lao động và tình dục hơn so với những phụ nữ bình thường, các quyền về sức khỏe sinh sản của họ ít được quan tâm và đảm bảo… phụ nữ khuyết tật cũng chịu nhiều tác động của nghèo đói do các rào cản về giới. Những khó khăn mà phụ nữ khuyết tật gặp phải cao hơn ít nhất 3 lần so với nam giới và là đối tượng yếu thế cần được bảo vệ. Mặc dù gặp phải những rào cản trong cuộc sống, nhưng NKT, phụ nữ khuyết tật luôn có nhu cầu, mong muốn được nâng cao kiến thức, năng lực, hiểu biết để vươn lên khẳng định mình trong xã hội.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Đào tạo - Trung tâm dạy nghề cho NKT và trẻ mồ côi TP.Hồ Chí Minh, nếu phụ nữ khuyết tật muốn có được việc làm, có chỗ đứng bình đẳng trong xã hội thì phải giáo dục và đào tạo cho NKT nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng có một nghề nghiệp mà xã hội đang cần, càng tinh xảo càng tốt, và một sự hiểu biết nhất định để có thể tự tin hòa nhập, tự tin làm việc, từ đó mới nói đến việc tạo sự bình đẳng cho họ trong xã hội và trong môi trường mà họ đang sống.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh