THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:41

Thị trường ma túy tại Đông Nam Á không bị suy chuyển bởi đại dịch COVID-19

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam cho biết, thị trường ma túy tại khu vực Đông Nam Á không bị suy chuyển trước tác động của đại dịch COVID-19. Trong khi đại dịch làm chậm lại và tác động không nhỏ tới các hoạt động thương mại hợp pháp qua biên giới, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đã nhanh chóng thích nghi và mở rộng thị trường.

Theo báo cáo mới đây của UNODC về tình hình ma túy tổng hợp trong khu vực, lượng methamphetamine bị thu giữ trong khu vực là khoảng 170 tấn, tăng 19% so với 142 tấn bị thu giữ trong năm 2019. Xu hướng này cũng xảy ra tại Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có các biện pháp quản lý biên giới chặt chẽ. Số lượng người sử dụng methamphetamine có hồ sơ quản lý tăng 9 lần từ năm 2016 đến năm 2020.

Theo UNODC, những kẻ buôn ma túy ở Đông Á và Đông Nam Á đã tìm nhiều cách né tránh biện pháp hạn chế Covid-19 để thúc đẩy tiêu thụ và đa dạng hóa quy mô sản xuất. Từ năm 2019, để đối phó với lực lượng thực thi pháp luật tại các khu vực biên giới ở Myanmar và Thái Lan, các đối tượng tội phạm đã thay đổi tuyến đường vận chuyển. Các loại ma túy bất hợp pháp như methamphetamine, amphetamine và heroin vận chuyển qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Thời gian này có thể thấy sự thay đổi rõ ràng về các đường dây buôn bán ma túy bất hợp pháp. Một lượng lớn đột biến má túy đá được vận chuyển qua Lào đến Thái Lan và Việt Nam để tiêu thụ trong thị trường nội địa hoặc tiếp tục vận chuyển sang nước khác. Điều này cho thấy Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là điểm trung chuyển đến nước thứ ba. Điển hình như tháng 9/2020, Việt Nam đã thu giữ 237 kg ma túy ngụy trang trong các pho tượng gỗ được gắn định vị tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Thành phố Hồ Chí Minh. Số ma túy này được vận chuyển từ thủ đô Vientiane về Việt Nam để giao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

UNODC hiện đang phối hợp chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á thông qua Chương trình toàn cầu SMART và Cơ chế thỏa thuận hợp tác kiểm soát ma túy khu vực tiểu vùng sông Mekong (MOU), với mục tiêu giám sát tình hình ma túy; đề ra các khuyến nghị về hợp tác, phát hiện, kiểm soát tiền chất ma túy; các chiến lược y tế công cộng, và quan trọng hơn là hỗ trợ các quốc gia trong phối hợp tác chiến, kiểm soát biên giới.

Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy thông qua các cơ chế hợp tác đa phương về quản lý biên giới. Thông qua cơ chế hợp tác này, Việt Nam đã phá được nhiều chuyên án lớn. Việt Nam cũng thực hiện rất tích cực công tác giảm cầu và giảm hại. Chương trình điều trị thay thế dạng thuốc phiện và các can thiệp quy mô khác của Việt Nam ví dụ như chương trình bơm kim tiêm, bao cao su cho những người tiêm chích ma túy đã đạt được hiệu quả tích cực và được ghi nhận rộng rãi.

Công tác điều trị và giảm hại đối với người sử dụng ma túy tổng hợp đã có những bước tiến đầu tiên có triển vọng. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, Việt Nam đã tham vấn sửa đổi các điều luật cơ bản bao gồm Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng chống ma túy.

VH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh