CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:36

Thị trường bất động sản có nguy cơ "đóng băng"?

 

Sau thời gian “tăng nhiệt” với mức tăng giá mạnh mẽ tính theo… từng ngày, thậm chí là từng giờ tại nhiều khu vực ở TP. HCM, thị trường BĐS dần trở nên bình lặng kể từ cuối tháng 5 đến giờ. Anh Trần Văn An, nhân viên môi giới BĐS tại khu vực quận 2 cho biết, nếu giá đất nền tại những “điểm nóng” cách đây 3 - 4 tháng tăng 10 - 20% chỉ trong vòng 1 tháng, thì hiện giờ giá duy trì ở mức ngang bằng 2 tháng trước.

Đơn cử như tại khu đô thị An Phú An Khánh (phường An Phú, quận 2), giá đất nền ở những tuyến đường nhỏ tăng mạnh từ mức 80 triệu đồng/m2 hồi đầu năm lên 105 triệu đồng/m2 trong khoảng 2 tháng sau đó, nhưng từ cuối tháng 5 đến giờ không tăng, thậm chí, một số nơi đang rục rịch giảm giá nhẹ. Thế nhưng, lượng giao dịch so với hồi đầu năm lại giảm rất mạnh, khiến cho việc “xả hàng” của nhà đầu cơ gặp khó khăn.

 

Giá không còn "tăng nóng", lượng giao dịch giảm là những dấu hiệu đáng lo ngại cho thị trường BĐS TP. HCM.

 

“Hồi đầu năm, có ai rao bán nhà, đất ở khu An Phú An Khánh là chỉ vài ngày sau đã có người hỏi mua. Thậm chí, không ít người bán đã “hủy cọc”, chấp nhận mất cả trăm triệu đồng vì giá tăng quá nhanh, lượng người mua quá đông đảo. Nhưng đến giờ thì mặc dù giá ổn định, lượng người mua vẫn rất ít ỏi, nhiều nền đất rao bán cả tháng không ai hỏi mua”, anh An cho biết.

Tại “điểm nóng” quận 9 cũng vậy, suốt nhiều tháng từ giữa năm 2017 đến tháng 4/2018, giá đất nền tại nhiều khu vực liên tục tăng “phi mã”, có những lô đất “sang tay” qua 3 - 4 người chỉ trong 1 - 2 tuần, theo đó giá cũng tăng 15 - 30%, thì hiện giờ giá cũng đã “đi ngang” suốt hơn 1 tháng qua, lượng người mua chỉ bằng 1/10 so với trước.

Nhiều khu đất hồi đầu năm “sốt xình xịch” giờ đây cũng gần như nguội lạnh như khu: Phú Gia, Invesco, Kiến Á… giá giảm khá mạnh khoảng 3 - 8 triệu đồng/m2.

 

Triển vọng của thị trường hiện vẫn còn là một ẩn số.


Tại hội thảo “Cơn sốt BĐS - cơ hội và rủi ro” vừa được tổ chức tại TP. HCM, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược và Thương hiệu cạnh tranh cho rằng: Muốn nhìn nhận thị trường BĐS có ổn định hay bất ổn, chỉ cần nhìn vào 3 yếu tố: Tính thanh khoản, mức độ tăng hoặc giảm giá có mạnh không và giao dịch trầm lắng hay sôi động.

Nếu đối chiếu với những yếu tố trên, có thể thấy 2 trong 3 yếu tố có dấu hiệu bất ổn (tính thanh khoản và lượng giao dịch), yếu tố giá cũng không hẳn là tích cực. Từ đó, một số người dự báo về khả năng thị trường sẽ trầm lắng, thậm chí có nguy cơ “đóng băng” trong những tháng tới.

Theo một báo cáo của Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA), vào cuối tháng 6, thị trường BĐS hiện đã có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án, giảm 9,4% so với 32 dự án đã đưa ra thị trường cùng kỳ năm 2017.

 

Nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng vào khả năng thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm nay.


Mặc dù vậy, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc công ty DKRA cho biết: Dù diễn biến của thị trường chậm lại nhưng chưa xảy ra tình trạng bán đổ bán tháo. Hiện những người bán ra đa số là dân đầu cơ, muốn thoát hàng và nhóm thứ hai là những người kẹt vốn. Tuy nhiên, những dự án đã ra giấy đỏ hoặc giá rẻ thì khách hàng vẫn sẵn sàng mua.

Ở góc độ khác, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng với sự chao đảo của thị trường chứng khoán thời gian qua, sắp tới thị trường BĐS sẽ được hưởng lợi, bởi đây vẫn là kênh đầu tư hiệu quả hơn so với các kênh khác. Vì thế, tình trạng trầm lắng của thị trường hiện thời chỉ là thời gian “nghỉ mệt” sau chuỗi tháng ngày tăng “nóng”. Và sự sôi động có thể sẽ trở lại vào cuối năm, bắt đầu từ tháng 9 hoặc chậm nhất là tháng 10.

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh