Thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hướng ổn định, thuận lợi
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:55 - 20/09/2023
Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ kỳ thi 2024 sáng 20/9, thông tin về phương án tổ chức kỳ thi các năm tiếp theo, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến tổ chức thi theo môn, gồm 11 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong số này, có một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12 nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Phương án thi cụ thể sẽ được công bố vào quý IV năm nay.
Trước mắt, kỳ thi năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh vẫn là kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, kỳ thi này sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế, bất cập của kỳ thi năm 2023, trong đó có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để ngăn chặn gian lận, đồng thời tiếp tục nâng cao sự tự chủ của địa phương trong việc tổ chức kỳ thi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng thông tin, Kỳ thi năm 2024 tinh thần là giữ ổn định như năm 2023 và tiếp tục tạo thêm nhiều thuận lợi cho thí sinh. Đây là năm cuối cùng thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhưng không vì thế mà chủ quan. Bộ yêu cầu các địa phương tránh tâm lý chủ quan, đại khái mà phải chuẩn bị, tổ chức kỳ thi thật tốt. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tập trung nghiên cứu, chuẩn bị tốt nhất cho đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Dự kiến định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có sự kế thừa với định dạng đề thi, việc dạy và học hiện hành; đồng thời, có sự phát triển để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực, nghiên cứu thêm dạng trắc nghiệm 4 phương án đúng, sai, câu hỏi mở trả lời ngắn… Việc xây dựng đề đảm bảo tính khả thi, thuận tiện cho soạn thảo đề thi; chấm được bằng máy (với môn thi trắc nghiệm); hạn chế làm tăng số tờ giấy thi.