CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:28

Thí sinh được hưởng lợi từ những đổi mới trong thi cử

Từ đổi mới đề thi

Bộ GD & ĐT cho biết, việc đổi mới thi, tuyển sinh nằm trong kế hoạch của việc đổi mới căn bản và toàn diện GD& ĐT theo tinh thần nghị quyết 29. Với mục tiêu giảng dạy tập trung theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học, không chỉ nhằm cung cấp kiến thức là chính như trước đây.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD& ĐT khẳng định: “Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được điều chỉnh dần, phù hợp theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất người học. Những năm gần đây đề thi cũng đổi mới để thí sinh quen dần, ví dụ đề thi mở, khuyến khích vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, không bắt thí sinh học thuộc lòng một cách máy móc... Cách làm đề thi này đã tác động đến cách dạy và cách học ở phổ thông. Về lâu dài đề thi sẽ hướng theo việc kiểm tra năng lực của thí sinh. 

 

So với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014, kỳ thi năm nay sẽ có rất nhiều điểm mới.Ảnh: Quý Trung


Tuy nhiên, việc đổi mới căn bản đề thi theo hướng này sẽ được thực hiện khi có chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới”, “Ở các môn khoa học xã hội, đề thi nhiều năm nay đều đưa vào những câu hỏi mở khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm, suy nghĩ cá nhân, biết liên hệ giữa kiến thức trong bài học và thực tế cuộc sống góp phần hình thành cho học sinh ý thức quan tâm tới những vấn đề thời sự đất nước, trách nhiệm, tình cảm của học sinh với những vấn đề diễn ra xung quanh. Đáp án môn ngữ văn đã mở như yêu cầu đề mở. Đây là cách để hình thành phẩm chất, năng lực người học.

Cùng với việc đổi mới hướng ra đề, ở các trường phổ thông thời gian gần đây đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục”, ông Mai Văn Trinh cho biết thêm.

 

Cụ thể,bậc tiểu học có đổi mới trong đánh giá (theo thông tư 30), bậc THCS bỏ thi tuyển vào lớp 6 tránh tình trạng dạy thêm học thêm, bậc THPT có kỳ thi THPT quốc gia... Cùng với đó là những đổi mới có ý kiến góp ý từ phía xã hội. 

Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Để hạn chế tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan, nên mấy năm gần đây Bộ GD& ĐT không ban hành cấu trúc đề thi. Thông tin này đã đáp ứng mong mỏi của đa số học sinh và giáo viên trong hướng dẫn ôn tập. Xu hướng của Bộ là ra đề thi để tăng cường đánh giá năng lực của học sinh. 

Ở hầu hết các môn thi, đặc biệt là các môn xã hội như Văn, Sử, Địa đề thi chủ yếu được ra theo hướng mở, các môn tự nhiên cũng có nhiều câu hỏi vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống để khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng. Nên bên cạnh việc học trong sách vở học sinh cũng cần thường xuyên theo dõi và cập nhật các sự kiện, các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới để có kiến thức tổng hợp và bao quát. Kinh nghiệm cũng cho thấy, hầu hết học sinh rất thích những câu hỏi này vì như vậy học sinh không quá nặng nề trong ôn tập, có cơ hội để phát huy chính kiến của mình. Cách ra đề này cũng nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của dư luận, phụ huynh và giáo viên”. 

Những đổi mới trong đề thi khiến thí sinh chủ động hơn. Hạn chế tình trạng đọc chép thụ động trong lớp học, lớp ôn thi nữa. Theo ghi nhận, năm nay, những lò luyện thi vốn là “ điểm nóng” của mọi năm thì buộc phải đóng cửa do không có thí sinh. Phải kể đến những điểm nóng luyện thi tại Hà Nội như: phố Trần Đại Nghĩa (gần ĐH Bách khoa Hà Nội), ngõ Tự do (ĐH Kinh tế Quốc dân)... Hay ngõ 336, đường Nguyễn Trãi (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn)... Ngõ 175, đường Xuân Thủy (gần ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)... Cạnh đó, những quán photocopy không còn hoạt động rôm rả nữa. 

Cô Vũ Thị Trang (giáo viên dạy văn trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Long Biên, Hà Nội) cho rằng: “Với cách làm đề thi như những năm gần đây thì buộc học sinh phải sáng tạo. Những sáng tạo ấy là cách học hệ thống chứ không phải là thuộc lòng. Sẽ không còn việc ôn luyện, học gạo ở trung tâm nữa. Đây là điểm sáng trong việc đổi mới lần này”. 

Cơ hội “ lọc” thí sinh cho các trường đại học

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh, thay đổi cách thi không những tác động đến đổi mới cách dạy, cách học ở bậc phổ thông mà còn giúp các trường ĐH, CĐ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Khi thực hiện kỳ thi “ba chung”, số lượng các khối thi giới hạn, các trường phải lựa chọn thí sinh dựa vào các khối thi có sẵn, đôi khi không thật sự phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo. Nhiều trường đã đề xuất bộ bổ sung các khối thi mới để tuyển sinh phù hợp hơn. Nay thực hiện Luật giáo dục ĐH, các trường được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo, phù hợp với yêu cầu đầu ra và hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc tuyển chọn thí sinh đầu vào các trường cũng phải được tự chủ để tuyển lựa thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo của trường mình.

Lãnh đạo phụ trách tuyển sinh của một số trường ĐH nhận định, đổi mới công tác thi, tuyển sinh chú trọng nhiều đến sự tự chọn của thí sinh. Từ đó các em thể hiện sự khác biệt và thế mạnh của mình để theo học ngành mà các em đam mê, yêu thích. Rõ ràng đổi mới công tác thi, tuyển sinh sẽ có những tác động làm thay đổi căn bản việc dạy và học, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Năm nay, chỉ ĐH Quốc gia Hà Nội có kỳ thi tuyển sinh riêng, còn lại các trường ĐH đều lấy kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, đi kèm với kết quả này là những điều kiện khác nhau.

Theo TS Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Ngoại Thương Hà Nội cho biết, điều kiện để thí sinh được nộp hồ sơ dự tuyển là điểm trung bình chung học tập của mỗi năm học THPT phải đạt từ 6,5 trở lên và hạnh kiểm đạt loại khóa trở lên. Cùng đó, các thí sinh đã tốt nghiệp năm ngoái thì ngoài xét qua điểm 3 môn khối thi, cũng phải đạt điều kiện này, tức học bạ của các năm học trước vẫn phải từ 6,5 trở lên. Tương tự, ĐH Sư phạm Hà Nội cũng yêu cầu thí sinh có hạnh kiểm các kỳ đều đạt khá trở lên.

ĐH Thủy lợi yêu cầu thí sinh tốt nghiệp THPT có điểm trung bình các năm học THPT phải đạt 5,5 điểm trở lên. Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì chỉ nhận hồ sơ xét tuyển của những thí sinh có kết quả học tập từng năm THPT đạt 6,0 trở lên, hạnh kiểm 3 năm từ khá trở lên, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia từ 6,0 trở lên theo thang điểm 10. Ngoài ra, trường này còn bổ sung thêm môn thi năng khiếu báo chí do trường tổ chức đối với riêng ngành báo chí. Còn Học viện ngân hàng thí sinh phải có điểm trung bình chung tích lũy tất cả các môn học của từng năm học THPT từ 6,5 điểm trở lên.

Trong khi đó, không ít thí sinh tỏ ra khá lạ lẫm với bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông Vũ Viết Bình, Trưởng ban Đào tạo cho biết, nguyên tắc chung là các đơn vị đều lấy bài thi đánh giá năng lực làm cơ sở, riêng với ĐH Ngoại ngữ thì ngoài bài thi đánh giá năng lực sẽ có thêm bài thi môn ngoại ngữ. Thí sinh thi ngoại ngữ trước và thi đánh giá năng lực ở ca tiếp theo. Thí sinh làm được 70/140 câu hỏi là đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, đủ điều kiện đăng ký vào các trường, ngành của ĐH Quốc gia.

Mỗi thí sinh đăng ký vào một trường, ngành có thể đăng ký 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Căn cứ vào đó, các trường xác định các em có trúng tuyển hay không. Đề thi chính thức sẽ không khó hơn so với các đề thi đã đưa trên mạng để thí sinh thi thử. 

Như vậy, với những đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thì ngành giáo dục đang có những bước đổi mới chủ yếu về kỹ thuật. Đó là, trong chấm thi, quản lý phần mềm thi, hạn chế sự di chuyển cho thí sinh... Những đổi mới đó nhất thiết phải hướng tới sự công bằng, hạn chế được những thủ tục rườm rà. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhận định: “Mặc dù những đổi mới này đều hướng tới lợi ích của học sinh nhưng những người làm giáo dục, các thầy cô ở các địa phương phải gánh một trách nhiệm lớn lao hơn. Nhưng cùng với việc đổi mới trong quản lý giáo dục, trong thi, kiểm tra, đánh giá trong toàn ngành và việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc này thì chắc chắn sẽ có hiệu quả như mong đợi”. 


Theo Tin Tức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh