Thêm 4 tỉnh xuất hiện nghi vấn điểm thi bất thường
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:27 - 21/07/2018
Trao đổi với Tiền phong, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH FPT cho biết, ông đã phân tích toàn bộ dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 của 63 tỉnh thành với hơn 5 triệu bài thi.
Từ đó, TS Lê Trường Tùng đề xuất Bộ GD&ĐT nên nghiêm túc xem xét nghi vấn của các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Kon Tum và Điện Biên.
"Tương tự ở khối A1, dễ dàng nhận thấy Hà Giang rất nổi trội so với cả nước. Trong các đồ thị cho khối A1, Lai Châu xuất hiện và nổi trội lên hai 2 địa danh là Sơn La và Hòa Bình. Như vật, top 4 địa phương có tỷ lệ thí sinh khối A1 từ 25,5 điểm trở lên cao nhất toàn quốc theo thứ tự là Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La. Còn top 3 tỷ lệ thí sinh 27 điểm trở lên là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình", Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT phân tích.
Điểm khối A các ngưỡng 24, 25,5 và 27 tại các tỉnh Hà Giang, Kon Tum, Điện Biên, Hòa Bình. (Nguồn: Lê Trường Tùng).
Ở khối B, Kon Tum và Điện Biên vượt hẳn lên so với cả nước và các tỉnh thành khác. Đứng đầu các địa phương có tỷ lệ thí sinh khối B đạt 24 điểm trở lên là Kon Tum và Điện Biên. Đứng đầu các địa phương có tỷ lệ thí sinh 25,5 điểm trở lên là Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum và Điện Biên. Đứng đầu các địa phương có thí sinh khối B điểm 27 trở lên là Điện Biên, Hà Giang, Kon Tum, Sơn La - những cái tên quen thuộc.
Một vấn đề đáng chú ý, cùng với việc Bộ GD&ĐT đang khẩn trương rà soát 1 số tỉnh, dư luận băn khoăn về việc các địa phương sẽ phải cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh chậm nhất ngày hôm nay (20/7).
Nhìn nhận về điều này, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Lê Viết Khuyến cho rằng, không cần thiết phải hoãn ngày cấp giấy chứng nhận kết quả thi và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT quốc gia cho các thí sinh. Bởi, theo ông Khuyến, sau khi mà Thanh tra kết quả thẩm định thì bao giờ cũng có bước xử lý tiếp theo chứ không phải cứ vào được trường Đại học rồi thì coi như không ra được.
Thí sinh đã nhập học vẫn bị xử lý nếu phát hiện sai phạm
Trước sai phạm xảy ra trong khâu chấm thi tại tỉnh Hà Giang và nghi vấn sai phạm tại một số địa phương khác, chiều 19/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo và các đơn vị liên quan để tiếp tục xử lý vấn đề này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chấm thẩm định bài thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 theo đúng Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.
“Trong quá trình chấm thẩm định, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời phối hợp với cơ quan công an khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Đối với thí sinh, khi có kết quả chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sau đợt xét tuyển ĐH, CĐ tới đây thì vẫn phải xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi”, Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh.