Thế vận hội Paralympic, Rio 2016: Niềm tin cho những số phận kém may mắn
- Văn hóa - Giải trí
- 20:39 - 15/09/2016
Những nhà vô địch “tàn nhưng không phế”
Đến Thế vận hội Paralympic, những nhà vô địch Việt Nam ở các môn Cử tạ, Bơi lội, Điền kinh lần đầu ghi tên mình trong lịch sử Thế vận hội với dấu ấn thành tích khó quên. Còn 4 ngày nữa, các VĐV của đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam (TTNKT Việt Nam) mới kết thúc các nội dung thi đấu. Thời điểm này, Việt Nam đã giành được 4 huy chương (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ).
Ngày thi đấu đầu tiên, Việt Nam đón tin vui từ sự thiết lập thành tích Thế vận hội, phá kỷ lục Thế giới của nhà vô địch Lê Văn Công (Cử tạ), hạng 49kg với thành tích 181kg khi anh đánh bại đối thủ người Jordan và giành tấm HCV. Ngay sau đó, anh tiếp tục đăng ký thực hiện mức tạ, thiết lập kỳ tích phá kỷ lục Thế giới ở mức 183kg. Nữ đồng đội môn Cử tạ Đặng Thị Linh Phượng cũng đã thi đấu nỗ lực giành tấm HCĐ (hạng 50kg) khi thực hiện thành công mức tạ 102kg. Những ngày tiếp đó, Việt Nam mong chờ vào những kình ngư từng có bề dày thành tích ở đấu trường Paragames, Asian Paragames là Trịnh Thị Bích Như, Võ Thanh Tùng, Đỗ Thanh Hải, Nguyễn Thành Trung sẽ gặt hái được những tấm huy chương.
Nhà vô địch Thế giới môn cử tạ Lê Văn Công với nghề sửa chữa điện tử.
Tuy nhiên, dù chưa đạt được những tấm huy chương như dự kiến, thành tích đạt được (xếp hạng 6, 7 Thế giới) đã cho thấy họ có sự đổi thay, vượt lên chính mình. Tất cả, họ đều xếp hạng 6, 7 Thế giới. Đó là những tín hiệu đáng mừng để tin rằng những cơ hội chiến thắng đang chờ phía trước.
Đến thời điểm này, ngôi sao hy vọng số 1 ở môn Bơi lội của Việt Nam chính là kình ngư Võ Thanh Tùng. Anh đã tỏa sáng bằng cách vươn lên, bứt phá hành trình trên đường đua xanh, rút ngắn thời gian và xuất sắc cán đích thứ 2 ở vòng loại và vòng chung kết, làm chủ tấm HCB ở nội dung 50m tự do (nam), hạng thương tật S5, đồng thời phá kỷ lục Châu Á với thành tích 33,94 giây. Niềm vui tiếp tục được nhân lên khi VĐV Cao Ngọc Hùng (Điền kinh) tham gia nội dung ném lao, hạng thương tật F56/57 cũng đã vượt xa thành tích hiện có của mình khi đạt 43,27m.
Các VĐV Nguyễn Thành Trung, Võ Thanh Tùng (Bơi lội), Nguyễn Thị Nhàn (Điền kinh) sẽ tiếp tục thi đấu trong những ngày còn lại. Thành tích tạm thời với 4 huy chương (1 HCV, 1HCB, 2 HCĐ) đã đưa Việt Nam đứng thứ 39/164 quốc gia tham dự.
Nhọc nhằn sau những vinh quang
Những nhà vô địch của TTNKT Việt Nam có mặt ở đấu trường Paralympic ngày hôm nay, thể thao với họ như “cánh cửa” có phép màu. Thể thao không chỉ mang lại sức khỏe mà còn cho họ cả sức sống niềm tin mãnh liệt. Những giá trị từ phần thưởng mang lại cùng những cơ chế chính sách hỗ trợ ban đầu của các cấp, ngành liên quan trong thời gian tập huấn, thi đấu nước ngoài, phần nào đã thể hiện tính nhân văn với những người khuyết tật.
Á quân Thế giới Võ Thanh Tùng, HCB nội dung 50m tự do, hạng thương tật S5.
Đó là một trong những phương cách giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng. Họ không chỉ là những VĐV mang vinh quang về cho Tổ quốc, bản thân họ cũng là những công dân, những người lao động chân chính của xã hội.
Tuy vậy, đằng sau những vinh quang, trở về cuộc sống thường nhật, những nhà vô địch “tàn nhưng không phế” vẫn phải nhọc nhằn mưu sinh kiếm sống. Nhữ Thị Khoa bán bánh mỳ, Nguyễn Thị Hồng bán vé số…, vừa kiếm sống, vừa tập luyện là điều tất yếu với các VĐV coi thể thao như máu thịt, là niềm đam mê không thể thiếu trong cuộc đời.
Hiếm nơi nào có chế độ tiền lương hàng tháng cho VĐV khuyết tật. Dù đồng lương đó thế nào cũng tốt để họ yên tâm “cháy với nghề”, bớt đi những gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” của cuộc sống thường nhật.