THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:34

Thế giới năm 2015: Tiềm ẩn nguy cơ xung đột, khủng hoảng khu vực

Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục “dậy sóng”

Nối tiếp từ năm cũ, châu Á - Thái Bình Dương năm 2015 vẫn sẽ là đấu trường cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc do đây là khu vực liên đới lợi ích của đa số các trung tâm quyền lực thế giới. Xu thế vừa hợp tác vừa đấu tranh vẫn được cho là nét chính của cục diện khu vực, với hai nhân vật chính là Mỹ và Trung Quốc, nhưng sẽ xuất hiện những sự kiện và nhân tố mới tăng phần bất định.

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Thomas Carothers:  “Việc tái cơ cấu cấu trúc an ninh châu Á vẫn sẽ tiếp tục, để thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không khó để dự đoán trước sự hỗn loạn mới trong năm 2015”. Những tháng cuối năm 2014, Trung Quốc có những bước chuyển hướng chính sách ngoại giao theo hướng tấn công quyến rũ các nước láng giềng bằng lợi ích kinh tế và thái độ hòa hoãn hơn.

Châu Á năm 2015 vẫn sẽ là đấu trường giữa các cường quốc, với hai trong số các nhân vật chính là Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, đây chỉ là những sách lược mang tính chiến thuật trước mắt, nhưng về dài hạn, Trung Quốc đã từ bỏ đường lối đối ngoại “ẩn mình chờ thời” của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định xu hướng không thể khác về thế giới đa cực, về sự dài lâu của cuộc tranh đoạt trật tự thế giới, ám chỉ vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ sẽ kết thúc và Trung Quốc quyết tâm cạnh tranh sánh tầm ảnh hưởng với Washington.

Vì vậy, Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì thái độ cứng rắn trên các vấn đề chủ quyền, nguy cơ căng thẳng trên biển Đông và Hoa Đông vẫn có thể tái diễn trong năm 2015.Trợ lý đặc biệt của cựu tổng thống George W. Bush về vấn đề châu Á, ông Douglas Paal cho rằng: Trong năm sắp tới, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy Giấc mộng Trung Hoa ra các nước châu Á - Thái Bình Dương, nhưng cũng sẽ không kém phần kiên quyết trên vấn đề chủ quyền.

Trong năm 2015, Washington vẫn sẽ tiếp tục xoay trục về châu Á, thông qua việc tăng cường quan hệ với đồng minh và các nước có mâu thuẫn về chủ quyền với Bắc Kinh, đặc biệt là thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào giữa năm, với mục đích lâu dài là ngăn cản một cuộc "chuyển giao quyền lực" trong khu vực. "Việc hoàn tất TPP rất quan trọng với Washington, trong việc chứng minh quyết tâm tái cân bằng tại châu Á, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế lẫn an ninh" - Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.

Nhật Bản cũng được cho là một nhân tố bất định tác động tới cục diện châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2015, đặc biệt sau chiến thắng chính trị vang dội của Thủ tướng Shinzo Abe. Quyết tâm thay đổi Hiến pháp Hòa bình và tăng cường sức mạnh quân đội của ông Abe sẽ tạo tiền đề Nhật Bản chuyển mình từ cường quốc kinh tế sang cường quốc chính trị - quân sự, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung vẫn đang căng thẳng xoay quanh vấn đề chủ quyền Senkaku/ Điếu Ngư.

Ông Douglas Paal cho rằng: "Châu Á có rất nhiều điểm nóng mà chủ yếu là các tranh chấp chủ quyền lâu dài. Các bên liên quan và Mỹ đều muốn hạn chế xung đột ở mức thấp nhất có thể, nhưng với thực tế rằng có quá nhiều chủ thể tham gia và các quan hệ lợi ích đan xen phức tạp".

Căng thẳng Nga -phương Tây chưa đến hồi kết

Năm 2015 được cho sẽ là một năm đầy thách thức với cả Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine trong việc định hình lối ra cho cuộc khủng hoảng địa chính trị nghiêm trọng châu Âu từ sau Chiến tranh lạnh. Ukraine là trung tâm của mọi mâu thuẫn, trong nước lẫn ngoài nước. Mâu thuẫn giữa miền đông thân Nga và miền tây thân phương Tây sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng gây chia rẽ và bất ổn trong nước, bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hồi tháng 9.

"Đây vẫn là thách thức mà chính phủ mới phải đối diện, một khi các thỏa thuận bị phá vỡ"- ông Eugene Rumerm, cựu quan chức của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ bình luận. Ukraine có thể vẫn sẽ chìm trong xung đột. Ngọn nguồn của mọi mâu thuẫn là bởi quốc gia này nằm ngay tại vùng đệm chiến lược giữa Nga và EU. Xuất phát từ mục đích đảm bảo an ninh và vị thế địa chính trị của Moscow, Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập Crưm và bị cho là can thiệp sâu vào Ukraine.

Vấn đề Ukraine vẫn sẽ là rào cản giữa quan hệ Nga - phương Tây trong năm 2015.

Cái giá phải trả cho quyết định này là Nga đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Tình hình kinh tế Nga năm 2015 được dự đoán sẽ rơi vào suy thoái. Đây được cho là nhân tố khiến Tổng thống Putin e ngại nhất, bởi làm suy yếu uy thế chính trị trong nước của ông. Vì vậy, giới phân tích cho rằng ông chủ Điện Kremlin vẫn sẽ tiếp tục đường lối đối ngoại cứng rắn. "Ông ấy có thể sẽ vận dụng chủ nghĩa dân tộc như một công cụ hữu hiệu để duy trì vị thế chính trị" - bình luận viên Max Fisher của hãng truyền thông VOX, Mỹ, cho biết.

Còn ông Jan Techau, giám đốc Trung tâm Carnegie châu Âu, đánh giá: "Cách làm này của ông ấy rất hiệu quả, chuyển sự chú ý của người dân từ những khó khăn kinh tế, sang những kẻ thù bên ngoài như Ukraine hay phương Tây. Đối với EU, quan hệ căng thẳng với Nga vẫn sẽ tiếp tục là phép thử cho sự đoàn kết của toàn khối. Đây là cuộc chơi địa chính trị ở mức độ cao nhất, diễn ra trong một thời gian dài, cần sự tham gia của toàn bộ 28 thành viên. Nhưng đây lại là một yêu cầu quá cao".

Trong nội bộ EU hiện tồn tại hai luồng quan điểm đối lập. Một là luồng quan điểm đang thắng thế của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho rằng cần phải tăng cường gây sức ép lên Nga để bảo vệ các nguyên tắc quốc tế. Luồng quan điểm khác là của Thủ tướng Italy Matteo Renzi, cho rằng nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia, nên cần hòa hoãn hơn với Moscow.

"Nhưng ai mà biết được quan điểm của bà Merkel sẽ duy trì ưu thế được trong bao lâu, nhất là khi châu Âu vẫn chìm trong những khó khăn nội bộ mà có ít khả năng đối phó với các vấn đề quốc tế ngoài biên giới"- tiến sĩ Jessica Mathews, cựu giám đốc Văn phòng các vấn đề toàn cầu thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận định.

Trung Đông trước nguy cơ khủng bố gia tăng

Trung Đông năm 2014 chứng kiến sự trỗi dậy của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một tổ chức khủng bố máu lạnh với những hành vi tàn ác, chiếm đóng nhiều khu vực ở Iraq và Syria, đang tiếp tục bành trướng với tốc độ nhanh chóng.

Theo đánh giá của giới phân tích, IS sẽ không thể bị đánh bại trong năm 2015, nếu Mỹ và đồng minh không triển khai lực lượng trên bộ hoặc đào tạo và trang bị cho lực lượng quân sự của Iraq và Syria. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama phản đối cách tiếp cận này, thậm chí còn không đồng ý bố trí nhân viên quân sự Mỹ trong quân đội Iraq để tiện cho việc hiệp đồng tác chiến. Phong trào khủng bố cực đoan tại Trung Đông sẽ trở nên thường xuyên hơn vào năm 2015.

IS vẫn là mối đe dọa sự ổn định của Trung Đông.

Bà Lina Khatib, giám đốc Chương trình Cải cách và Dân chủ hóa Arab thuộc Đại học Stanford, nhận định: “Các tổ chức cực đoan như IS sẽ tiếp tục phát triển về cả tầm vóc, quy mô và sự giàu có, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế”.Chuyên gia này cũng cho rằng các nhóm cực đoan khác tại Syria và các quốc gia Trung Đông khác đang phỏng theo mô hình của IS, coi việc thực hiện các hành vi tàn ác như chặt đầu con tin làm công cụ để đạt được danh tiếng, tiền bạc và vũ khí.

“Chính vì vậy, chủ nghĩa cực đoan sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn với sự ổn định của Trung Đông, sẽ không chỉ dừng lại ở các khu vực xung đột như Iraq, Libya và Syria, mà còn có thể sẽ lan rộng ra Ai Cập, Algeria, Tunisia, Yemen và Lebanon, những nơi vốn tồn tại nhiều nhân tố bất ổn”- bà Khatib kết luận.      

Đông Sơn (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh