CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:22

Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ X: Thay đổi nhận thức về học nghề lập nghiệp

 

Rất đông các em học sinh PTTH đến tham quan Hội đồng thi số 4.

 

Thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề

Ông Trần Quốc Huy, Chánh văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, Kỳ thi tay nghề quốc gia giúp học sinh và các trường rèn luyện kỹ năng, qua đó thúc đẩy phong trào thi đua của các trường nghề. Đồng thời qua đây cũng giúp tuyển chọn được những thí sinh có tay nghề cao tham gia các kỳ thi khu vực và quốc tế. “Điều quan trọng nhất mà các cuộc thi tay nghề cấp quốc gia hướng tới chính là thúc đẩy rèn luyện kỹ năng nghề, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Thêm vào đó tạo ra nhiều kênh để truyền thông thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề và làm nghề”, ông Huy nói.

Thầy Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội - đơn vị đăng cai Hội đồng thi tay nghề quốc gia số 4 chia sẻ: Tại Hội đồng thi tay nghề số 4 năm nay có sự tham gia của 97 thí sinh đến từ 37 đoàn trong cả nước, thi 4 nghề có nhu cầu nhân lực cao trong nước, khu vực và thế giới, gồm: Thiết kế đồ họa, Công nghệ Ô tô; Điện lạnh; Sơn ô tô (nghề trình diễn)… Ngoài việc chuẩn bị về trang thiết bị và cơ sở vật chất cho hội thi, năm nay hoạt động tuyên truyền và hướng nghiệp cho lao động trẻ được Ban tổ chức rất quan tâm. Cụ thể, tại Hội đồng thi số 4 chúng tôi đã bố trí 10 xe khách đến tận các trường PTHT khu vực ngoại thành các quận, huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thạch Thất, Đống Đa... để đón các em đến tham quan các hoạt động tại hội thi. "Theo tôi đây là hoạt động rất hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của lao động trẻ, các bậc phụ huynh về học nghề. Đến với hội thi các em học sinh được chứng kiến tận mắt máy móc, trang thiết bị và những công nghệ mới... được các bạn thí sinh vận hành một cách thuần thục. Chính điều này tác động trực tiếp đến nhận thức về học nghề lập nghiệp của các em học sinh khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường" - thầy Vinh nhận xét.

Em Lê Văn Long học sinh lớp 11 trường Lý Thánh Tông, quận Long Biên, Hà Nội phấn khởi bộc bạch: "Đến với Kỳ thi tay nghề quốc gia đã làm em thay đổi về nhận thức về học nghề lập nghiệp. Trước đây em nghĩ đi học nghề là tay chân lấm len, đầu tắt mặt tối... Nhưng qua theo dõi các anh chị thi tay nghề em thấy không phải như em nghĩ. Ví dụ nghề Công nghệ ô tô, em thấy máy móc “chẩn đoán bệnh” rất hiện đại, chỉ cắm vào là biết ô tô bị bệnh gì! Các anh đi thi mặc quần áo rất đẹp, em rất thích nghề này! Có thể sau khi tốt nghiệp PTTH em sẽ đi học nghề và nghề em yêu thích là công nghệ ô tô".

 Thi nghề Công nghệ ô tô

Chất lượng thí sinh khá đồng đều

Theo chuyên gia nghề Thiết kế đồ họa Phan Anh Cang, qua theo dõi các thí sinh dự thi năm nay cho thấy, chất lượng và trình độ thí sinh các đoàn khá đồng đều và cao hơn các kỳ thi trước. Điều này chứng tỏ các đơn vị dự thi đã rất quan tâm đến công tác thi tay nghề và có sự đầu tư cho công tác huấn luyện thí sinh. Đối với nghề thiết kế đồ họa bài thi kéo dài trong vòng 8 giờ, kết thúc vào lúc 17giờ chiều 16/5, sau đó các chuyên gia sẽ chấm thi. Nghề thiết kế đồ họa có 21 thí sinh đến từ 14 đoàn trong cả nước.

Em Nguyễn Thị Bích Thùy, thi nghề Robot di động của trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho biết, em đã trải qua kỳ thi của Bộ NN&PTNT và đại diện cho Bộ tham gia Kỳ thi tay nghề quốc gia năm nay. Quá trình luyện thi của em bắt đầu từ tháng 12/2017. Trong quá trình đó, em cùng các bạn đã được các thầy hướng dẫn chỉ bảo tận tình, ngoài ra chúng em còn nghiên cứu, tìm hiểu, đưa ra các tình huống để tập cùng nhau, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi lần này. Bên cạnh đó, nhà trường, các thầy cô đều tạo điều kiện tốt nhất về sân bãi, thiết bị, phòng ốc để chúng em luyện tập. Theo Thùy, với nghề Robot di động phần khó nhất là kỹ năng điều khiển, lập trình chính xác. Lý do để em lựa chọn ngành học Cơ điện tử là do ngành này sẽ tiếp cận được nhiều công nghệ mới. Mục tiêu đặt ra trong Kỳ thi này là đạt kết quả cao nhất.

TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Phó Trưởng Ban tổ chức Kỳ thi tay nghề quốc gia cho biết: Thi tay nghề là “sân chơi” bổ ích cho lao động trẻ dưới 22 tuổi, nơi diễn ra cuộc trình diễn, so tài những kỹ năng đỉnh cao, năng lực ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới... Giúp tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh tại nơi làm việc và góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Ngày nay, thành tích của mỗi quốc gia tại các kỳ thi tay nghề của khu vực và thế giới đã trở thành thương hiệu chất lượng giáo dục nghề nghiệp và nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Qua kỳ thi tay nghề, nhiều ngành nghề mới đã được phép đào tạo, nhiều quy định mới trong đổi mới phương pháp dạy và học, các chương trình đào tạo kỹ năng nghề đã có sự đóng góp rất lớn từ những chuyên gia trong các kỳ thi tay nghề quốc gia, ASEAN và thế giới. Cũng theo TS Trương Anh Dũng, trong những năm qua, phong trào thi tay nghề ở các cấp đã diễn ra ở các bộ, ngành và địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy mô tổ chức, số lượng đơn vị và cá nhân tham gia ngày một tăng. 

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh