CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:06

Thất nghiệp, tôi đi làm cô giáo mầm non

Từ tỉnh miền núi Tuyên Quang, học xong lớp 12, không thi đỗ vào trường chuyên nghiệp nào, tôi đi tìm việc làm.Vốn là dân thị xã, đương nhiên tôi không thể làm công việc đồng áng, muốn làm một công việc gì đó sạch sẽ, tử tế một chút.Theo quan niệm của chúng tôi, đó có thể là làm nghề bán hàng, làm tóc, nếu được làm nhân viên văn phòng thì quá tốt.

Cả năm trời đi xin việc ở cái thị xã, nhưng chưa được nơi nào nhận. Đang buồn chán, tôi nhận được cú điện thoại của người chị họ đã tốt nghiệp cao đẳng, hiện đang làm giáo viên mầm non ở Hà Nội. Nghe tôi than thở, chị bảo: “Muốn làm cô giáo mầm non không ?”.

Như người bắt được vàng, tôi vội khăn gói về Hà Nội. Nhờ chị giới thiệu, tôi được nhận vào làm cô giáo mầm non, dù chưa có một chút kiến thức nào về nghề này.Tôi vô cùng phấn khởi, vì không những có nghề nghe có vẻ ngon lành mà lại còn được làm việc ở Thủ đô.Thật là vượt quá ước mơ.

Trường mầm non mà tôi được nhận vào làm là của tư nhân, nằm trên con ngõ rộng, đi một đoạn là ra phố trung tâm. Đó là một ngôi nhà cũ rộng khoảng 60m2, cao 4 tầng, mỗi tầng chia làm 2 phòng, mỗi phòng khoảng hơn chục m2, với  hai phía đều có hành lang. Tầng 1 là nơi cô hiệu trưởng và kế toán ngồi, là nơi tiếp nhận các cháu, phía ngoài còn có một nhà bóng nhỏ cho trẻ chơi lúc đầu giờ và cuối giờ. Hai tầng trên là 4 phòng học.

Thất nghiệp, tôi đi làm cô giáo mầm nonMinh họa cô giáo ở trường mầm non.

Hiệu trưởng trường là một cô từng là hiệu trưởng của một trường công đã nghỉ hưu cùng  một cô kế toán,  hai cô nấu ăn và sáu cô đứng lớp. Trong sáu cô đứng lớp này, có hai cô (một là chị họ của tôi) đã từng tốt nghiệp cao đẳng mầm non, còn lại đều không học hành gì về mầm non cả, có cô mới chỉ học hết lớp 5, lớp 6, hầu hết nhà nghèo, nhiều người phải ở nhà thuê.

Sau một thời gian làm ở đây, tôi thấy có một cô tuy không học hành gì, nhưng rất yêu trẻ và chăm sóc các cháu khá tốt, được các phụ huynh tin cậy. Tuy nhiên ở đây hay có sự thay đổi, cứ vài tuần lại thấy có người ra, người vào.

Tôi được phân công là giáo viên phụ của lớp nhỡ, bao gồm hơn chục cháu từ 3-4 tuổi. Hàng ngày phải đến từ 7h30, ra về vào 17h, nếu vào ngày trực thì 7h phải có mặt và phải ở đến khi nào các cháu về hết. Công việc là trông cho trẻ chơi trong lớp học, đến bữa cho trẻ ăn, mỗi ngày ăn 3 bữa chính, 2 bữa phụ.

 Có cháu chỉ ăn ở lớp, hoặc cùng lắm về nhà ăn thêm một ít vào buổi tối. Cả ngày xoay trần ra, liên tục cho ăn, rồi vệ sinh, rồi trông chừng không để chúng trêu trọc, đánh nhau.

Việc “ép” cho trẻ ăn là nhiệm vụ chính, quan trọng, vì nếu trẻ béo tốt các phụ huynh yên tâm, mới gửi con vào, nếu không có học sinh thì  làm sao duy trì được trường?.  Các cháu ăn 5 bữa một ngày, nếu ăn hết khẩu phần thì các cháu đều phổng phao, một số cháu lười ăn, nên trông gầy còm.

Hàng ngày cô hiệu trưởng kiểm tra nhắc nhở các giáo viên cho các cháu ăn, chơi đúng giờ. Quá vất vả, nhưng bù lại chúng tôi được bữa ăn trưa không mất tiền, ngày lễ  8/3, 20/10 … đều có 1-2 trăm do chủ trường chi. Một số phụ huynh cũng gửi quà cho các cô chăm con mình. Tiền lương thì mới vào được 2 triệu rưỡi/tháng, người làm lâu được lĩnh cao nhất tới 4 triệu đồng.

Hàng tháng lại có thưởng 250 nghìn nếu làm tốt, không nghỉ ngày nào, trong số này có năm cô được đóng bảo hiểm…Thời gian đầu tôi ở nhờ nhà chị họ nên không phải trả tiền nhà, co kéo cũng đủ sống tằn tiện.

Được vài tháng yên ổn, thì chủ trường không làm nữa mà nhượng cho người khác. Chủ mới là một bà nguyên là cán bộ nhà nước nghỉ hưu, mặt mũi khắc khổ, già nua khó tính, sự ghê gớm hiện rõ trên nét mặt. Bà ta bỏ hết quy định của chủ cũ, sa thải hiệu trưởng, kế toán và ôm hết những công việc này.

Thất nghiệp, tôi đi làm cô giáo mầm nonGiờ ngủ trưa trường mầm non vùng cao Lai Châu

Lương của các giáo viên đều hạ, cao nhất chỉ là 3 triệu, không có bảo hiểm, thưởng phạt gì hết. Nấu ăn cho khoảng 50 con người cả học sinh lẫn giáo viên, chỉ  do một người phụ trách. Mọi sự lộn xộn hết cả lên. Tức tối với chủ, các cô ăn lén sữa tươi, sữa chua, hoa quả của các cháu.

Nấu ăn thì bớt những thứ nhỏ nhặt như hạt nêm, bột gia vị, bột ngọt, đồ ăn…đến cả mấy tờ giấy bóng, vở thủ công cũng bị lấy trộm, các cô bảo nhau: “Nó bóc lột mình, thì mình phải phạt lại nó”.Thực ra việc bớt xén này cũng diễn ra từ lâu, nhưng từ khi có chủ trường mới, tình trạng trầm trọng hơn.

Trong số các giáo viên mầm non ở đây, như đã nói hầu hết đều rất nghèo, không có nhà ở, phải đi thuê.Ai cũng kêu ca về tình cảnh của mình.Đa số các cô đến từ các tỉnh lẻ, một cô nghe nói chồng là đầu gấu, đang bị ngồi tù, ấy vậy mỗi tháng cũng gửi cho vợ 1 triệu đồng. Có cô trước làm ôsin, nay được nhận làm cô giáo mầm non.

Từ chỗ bữa ăn thêm của các cháu là sữa chua mua của Vinamilk, sau chủ bắt đầu bếp tự làm, hoa quả trái cây chỉ mua những thứ đã chín rũ cho rẻ.

Các môn học thêm như tiếng Anh, vẽ, múa...đều cắt cắt hết không cần thuê giáo viên chuyên môn, bà chủ chuyển sang nhờ người quen, con cháu dạy, tiết giảm chi tiêu đến mức tối đa. Bà ta suốt ngày la hét, chê bai mọi người, không khí rất căng thẳng. Mấy cô tốt nghiệp,có bằng cấp đã xin chuyển, sau đó lần lượt vài cô nữa.

Bà chủ lại tuyển mới, toàn những em mới ở quê ra, lương khởi điểm 2 triệu/tháng. Bà ta chủ trương không tuyển các cô tốt nghiệp học trường mầm non, vì phải trả lương cao, chí ít cũng 3 đến 3,5 triệu/tháng. Giáo viên vào rồi ra, liên tục. Học sinh cũng có biến động, mấy cô xui phụ huynh chuyển nơi gửi con, từ chỗ trên dưới 40 học sinh giảm xuống trên 30 rồi dưới 30 cháu. Suốt ngày các cô chỉ lo cho các cháu ăn cho đủ bữa, một vài lần có cô đánh cháu hằn cả tay chân, bố mẹ các cháu đến mắng mỏ tơi tả.

Các cháu rất sợ vì các cô hay la hét, dọa dẫm với cái roi luôn hiện hữu trên tay. Trường mầm non tôi làm việc không nhận tắm rửa cho trẻ, nên không xảy ra chuyện bị dội nước vào đầu cháu như ở một vài nơi như báo chí đưa tin. Nhiều người nói đây là một nơi gửi trẻ tư nhân vào loại khá, vì  nằm trong phố trung tâm, không nhận nhiều trẻ, vậy mà chất lượng còn như vậy.

Vốn đã mệt mỏi vì chăm trẻ đâu có dễ, lại chán nản vì thu nhập giảm, không đủ sống, lại thêm chủ trường lại ghê gớm. Mùa hè năm ấy có dịch chân tay miệng, ban đầu 1-2 cháu bị sau lan ra 5-7 cháu, rồi... 10 cháu, thế là cả tháng học sinh nghỉ dài hạn, chủ trường méo mặt buộc phải cho một số giáo viên tạm nghỉ, vậy là tôi cũng xin nghỉ làm luôn.

Tôi cảm thấy buồn vì bà chủ trường không có tâm, chỉ luôn luôn mong có lợi nhuận cao, bớt xén tiền ăn của các cháu, bóc lột giáo viên, vậy thì không nên làm nghề này. Bà ta luôn khoe có học vấn cao, nhưng cư xử thô lỗ, không yêu trẻ, quá ham tiền.

Một nghề mà nghe ra có vẻ hay ho, ít nhiều được xã hội coi trọng mà như vậy (mà có lẽ bây giờ cũng chả được coi trọng, giáo viên mầm non như thế này thì ai coi trọng ?). Tôi coi đây như một bước trải nghiệm trong quá trình vào đời của mình, buồn, lại khăn gói quả mướp về quê, tìm một công việc khác.

Ánh Ngọc(ghi theo lời kể của nhân vật trong bài).

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh