THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:54

Thấp thỏm để con tự học trực tuyến

Đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp.

Đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp.

Đầu tháng 9/2021, một học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Thái Thịnh (Hà Nội) bị điện giật tử vong tại nhà trước giờ học trực tuyến. Mới đây, một học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nam Anh (Nghệ An) tử vong trong giờ học trực tuyến. Hai vụ việc đau lòng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, nhất là khi bố mẹ đã đi làm, trong khi con vẫn phải học trực tuyến ở nhà, không có người giám sát.

Sau khi nhận được email từ công ty thông báo đi làm trở lại từ ngày 13/10, chị Hoài Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) chuyển cả nhà về ngoại. Chồng là bộ đội thường xuyên xa nhà, công ty chị cách nhà gần 10km nên nếu đi làm thì chỉ còn cách nhờ bà trông con. “Nhà có hai bé lớp 2 và 5, ngoài việc lo ăn uống thì quan trọng hơn là nhờ bà trông con học online, tắt internet. Nếu để hai chị em tự học thì không tự giác rời máy tính”, chị Phương nói.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, sau khoảng 3 tháng nghỉ do dịch bệnh, chưa kịp vui mừng vì có thể đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống, chị Thùy Trang (quê Thái Bình, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận) lại canh cánh nỗi lo ai trông con.

Hai vợ chồng chị từ Thái Bình vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp đã hơn chục năm nay, gia đình ở xa nên mọi thứ đều do 2 vợ chồng tự thân vận động. Mấy ngày nay, chị trăn trở mãi vẫn chưa biết để con ở nhà tự học  online thế nào. "Tôi có 2 con, đứa lớn gửi về ông bà ở quê, đứa nhỏ (lớp 4) sống cùng bố mẹ. Chồng tôi đi làm từ tuần trước, còn tôi cũng bắt đầu công việc. Để con ở nhà tự học, tôi lo học thì ít mà chơi điện thoại, xem phim thì nhiều. Với lại, cũng lo lắng con ở nhà một mình có an toàn hay không", chị Trang chia sẻ.

Cả gia đình chị Trang đang thuê trọ tại căn phòng trên đường Lâm Văn Bền (phường Tân Kiểng, quận 7). Dãy trọ này hầu hết là những công nhân nghèo, ban ngày mọi người đều đi làm nên khó mà nhờ vả, bám víu vào ai. "Trong mấy tháng giãn cách, gia đình tôi gần như kiệt quệ, phải lên mạng xã hội xin cứu trợ. Nên dù không an tâm nhưng bố mẹ cũng đành chịu, phải đi kiếm sống thôi. Giá như sắp tới con cũng được tiêm vaccine để được trở lại trường học thì tôi thực sự yên tâm để đi làm”, chị Trang nói.

Nhiều phụ huynh cho biết, chỉ có tiêm vaccine mới là rào chắn tốt nhất để phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh khi đến trường.

Nhiều phụ huynh cho biết, chỉ có tiêm vaccine mới là rào chắn tốt nhất để phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh khi đến trường.

Cũng như nhiều phụ huynh khác, chị Thùy Chi (Ba Đình, Hà Nội) chưa yên tâm vì con út của chị mới học lớp 5, chưa đủ tuổi tiêm theo khuyến cáo hiện nay của Bộ Y tế. Vì vậy, bên cạnh việc mong chờ kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi sớm được triển khai, chị còn hy vọng có loại phù hợp cho nhóm trẻ nhỏ hơn.

“Tôi mong muốn sớm có vaccine phù hợp cho trẻ dưới 12 tuổi để con được đến trường học tập trực tiếp, chứ con vẫn nghỉ ở nhà trong khi bố mẹ lại đi làm thì thực sự tôi không thể yên tâm hoàn thành tốt công việc ở cơ quan. Tôi thực sự hoang mang với thông tin 2 trẻ đã tử vong trong khi học online thời gian gần đây. Do vậy không riêng gia đình tôi mà các phụ huynh khác cũng đều có chung sự lo lắng này”, chị Chi chia sẻ.

“Bảo đảm 5K thôi chưa đủ, chỉ có tiêm vaccine mới là rào chắn tốt nhất để phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh khi đến trường”, anh Trọng Nghĩa (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ trong tâm trạng vừa mong con được đến trường học, vừa lo lắng về sự an toàn dịch bệnh tại môi trường học đường. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang lên kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, trước hết sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi; phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên cả nước.

VÂN KHÁNH - THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh