CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:14

Giã biệt quá khứ giang hồ, thanh thản nơi cửa Phật

 

Giang hồ nổi tiếng một thời

Chủ động bắt chuyện với tôi, Bùi Xuân Hải (“Hải đen”) say sưa nói chuyện về Phật pháp và lý do vì sao mình đã quy y cửa Phật. Hơn nửa cuộc đời tung hoành ngang dọc, bôn ba chốn giang hồ, hiểm ác, ông chợt nhìn lại mình và quay đầu vào bờ. “Hải đen” bảo, nếu kể chuyện về quá khứ của ông, có thể vài ngày không hết, bởi nó sóng gió bão bùng thật khủng khiếp, ngay từ khi ông mới sinh ra.

Có biệt danh là “Hải đen” vì ông có nước da đen bóng

Cho đến bây giờ đã 53 tuổi, ông vẫn chưa biết cha mẹ ruột của mình là ai. Hải được mẹ nuôi kể lại, vợ chồng bà lấy nhau nhiều năm mà không có con. Một hôm, bà vào bệnh viện gặp người đàn bà đang trở dạ, bà ngỏ lời xin con, không ngờ người mẹ đồng ý ngay. Vừa cắt cuống rốn, bà bế đứa trẻ đỏ hỏn về nhà chăm bẵm, bú mớn. Từ ngày nhận Hải, như thể được “lộc trời”, cha mẹ nuôi sinh liên tiếp được 3 người con, sau nhiều năm tưởng như vô vọng đường con cái. Năm Hải lên 4 tuổi, mẹ nuôi dắt tới một ngôi nhà trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10, Tp. Hồ Chí Minh) và đi lối cửa sau để vào gia đình mẹ ruột. Người đàn bà lỡ làng cho con đã ngậm ngùi lau nước mắt. Rằng, Hải là kết quả mối tình vụng dại giữa bà với một người đàn ông người Ấn Độ sang Việt Nam thuyết pháp. Lo sợ hàng xóm xèm pha, sợ chồng đi công tác về phát hiện, bà phải dứt ruột cho con. Đó là lần duy nhất Hải được gặp mẹ ruột và các chị gái của mình. Cho đến nay, ký ức chóng vánh ngày đoàn tụ vẫn còn đọng lại trong tâm trí ông.

Cuối năm 1976, nhà nước có chính sách khuyến khích dân đi vùng kinh tế mới. Gia đình Hải đen bán nhà cửa, tài sản hăm hở lên đường tới tỉnh Sông Bé (nay là huyện Phú Riềng, Bình Phước) khai khẩn đất hoang kiếm kế sinh nhai. Là anh cả trong gia đình, học tới lớp 5 Hải phải nghỉ để phụ giúp cha mẹ. Hải đi buôn ve chai, đồng nát rồi chở về Bình Dương bán cho vựa. Đất Bình Phước vừa dứt chiến tranh, một số vùng còn nhiều mảnh bom đạn, nên việc thu gom rất thuận lợi. Hải là trụ cột chính, gánh trên vai “nồi cơm” của cả gia đình.

“Tu là để sửa chứ không phải tu để mong thành Phật” – Bùi Xuân Hải cho biết

Năm 1986, Hải quẩy gánh về lại Sài Gòn nuôi mộng kinh doanh, làm ăn lớn. Rồi ông trở thành giang hồ lúc nào không hay. Thời “thịnh vượng” của Năm Cam, “Hải “đen” là một trong những trợ thủ đắc lực của Châu Phát Lai Em, cánh tay phải của ông trùm Năm Cam. Làm việc cho Lai Em, “Hải đen” trở thành đại ca “hô mưa gọi gió”, trong tay lúc nào cũng có không dưới 20 đệ tử, sẵn sàng “sả thân” khi đại ca cần. Làm ăn trong giới giang hồ cũng có những luât lệ nhất định, tuy là đại ca máu mặt án ngữ nhiều địa bàn, nhưng “Hải đen” chưa một lần giáp mặt ông trùm Năm Cam, mà nhận lệnh trực tiếp của Lai Em rồi từ đó phân chia đàn em hành động. Cách “chơi” và làm việc trong thế giới ngầm của “Hải đen” cũng rất khác người. Những vụ đòi nợ thuê, Hải chỉ sử dụng “mật ngọt” mà không cần đến đao kiếm. Con nợ chỉ cần nhìn ánh mắt của Hải là hồn bay phách lạc. Cho nên, bàn tay giang hồ của “Hải đen” chưa bao giờ phải nhúng máu, vòng lao lý cũng vì thế mà thoát được.

 Ngoài 20 tuổi, thành tích giang hồ của “Hải đen”, khiến bạn bè dè nể, bên cạnh đó là chiến tích ăn chơi cũng thuộc hàng trên. Tướng mạo phốp pháp, khuôn mặt đen cháy, đôi mắt “hộ pháp” nhưng lại có rất nhiều bóng hồng xách dép chạy theo Hải. Vì thế ông cũng không quên gửi lại cho đời một vài “giọt máu” giữa những cuộc tình nóng bỏng, chớp nhoáng.

Nhận thấy băng nhóm Năm Cam ngày càng bành trướng, hành động của Lai Em thoắt ẩn thoắt hiện và có nhiều cuộc thanh trừng giang hồ đã xảy ra, khiến Hải phải suy nghĩ. Không thể liều mình dấn thân theo một con đường mà đã biết trước kết cục và cũng cảm thấy cuộc sống giang hồ bồng bềnh, bất trắc quá, “Hải đen” đã lặng lẽ dứt áo ra đi.

Chẳng biết đi về đâu giữa dòng đời ngổn ngang, rối rắm, “Hải đen” lên một chuyến xe khách nhằm thẳng hướng biên giới Campuchia. Vốn có kinh nghiệm từng trải trong giang hồ, lại liều lĩnh, bất cần, chỉ trong thời gian ngắn, ông trở thành đại ca đầy uy lực ở Campuchia. Trong vòng 6 tháng, Hải quy tụ đươc trên dưới 10 đàn em hoạt động trải dài khu vực biên giới. Bên nước bạn việc sử dụng vũ khí không được kiểm soát gắt gao nên ông trang bị cho đàn em của mình mỗi người một cây Rulo bóng nhẫy, sáng loáng. Khi cần dùng cả Ak để khuếch trương sức mạnh và dằn mặt đối thủ. Hai năm tung hoành ngang dọc ở Campuchia, tiền kiếm được bao nhiêu đều nướng vào ăn chơi hết veo. Cái nghề “máu me” nhiều đêm khiến “Hải đen” giật mình thức tỉnh. Nửa đời người dầm dề, lăn lóc với chiếc áo giang hồ, cuối cùng vẫn hai bàn tay trắng. Có tiền thì còn người theo cung phụng, hết tiền chúng phỉ nhổ sau lưng. Đàn bà cũng thế, làm gì có tình yêu đích thực ở thế giới gọi là xã hội đen. Càng nghĩ càng chán nản, “Hải đen” quyết tâm từ bỏ vị thế đại ca, rũ bỏ tất cả những phù phiếm hào nhoáng.   

Quay đầu lại là bờ

Trở về Sài Gòn với hai bàn tay trắng, lại được tin cha mất trên đất Bình Phước mà không về thắp nén nhang cho cha, “Hải đen” đau buồn vô tận. Thời gian đầu, ông sống dật dờ, ai thuê gì làm đấy. Cánh đàn em năm xưa tìm gặp ông ngỏ ý muốn giúp đỡ và giới thiệu cho đại ca một công việc làm ăn, nhưng  ông dứt khoát từ chối, rồi ông bỏ luôn số điện thoại, xóa hết những thông tin về mình, lui về sống khép kín cùng mẹ và em tại ngôi nhà nhỏ ở quận 7. Năm 2004, một cô gái từ Hà Nội vào Tp. Hồ Chí Minh làm công nhân đã đem lòng thương ông. Cô thương Hải vì biết được cuộc sống gia đình khốn khó của ông, cũng chấp nhận luôn quá khứ lẫy lừng của người đàn ông ngoài 40 tuổi này. Tìm hiểu nhau gần một năm, “Hải đen” quyết định lấy vợ. Gia đình đằng gái đồng ý, nhưng phía gia đình ông lại phản đối. Với tính khí của mình, Hải tuyên bố với mẹ: “Giờ con không còn trẻ nữa. Con thương cô ấy nên lấy, mẹ có phản đối thì con vẫn lấy”. Sau đó, Hải phải đến nhà bà dì năn nỉ bà thay mẹ đi hỏi vợ giúp. Ngày cưới cận kề mà trong túi không có một xu, Hải chạy đi vay khắp nơi được hai triệu đặt cọc cho nhà hàng. Rồi đám cưới cũng xong.

“Hải đen” tìm niềm vui nơi của Phật và những chuyến làm từ thiện

Hai vợ chồng đến với nhau khi tuổi đời đã “đứng bóng”, nên chuyện con cái mong lắm vẫn chưa thành. Ông bảo: “Con cái là của trời cho. Có thể lỗi do mình một thời đã ăn chơi trác táng, hút thuốc lá, rượu bia, nên mình chẳng trách ai cả”. Điều làm ông dây dứt, trăn trở nhất trong quá khứ chính là những đứa con. Ông nhớ không nhầm thì đứa đầu tiên năm nay ngoài 30 tuổi, nhỏ nhất cũng hai mấy rồi. “Giờ biết đâu mà tìm, có tìm cũng không giúp gì cho con, chỉ làm khổ nhau thôi”. Ông nói về những đứa con với giọng trầm buồn.

Hơn nửa đời ngang dọc, đến lúc “rửa tay gác kiếm”, Bùi Xuân Hải không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào. Ông lên Bình Phước xin xác nhận thân phận để về Tp. Hồ Chí Minh làm giấy tờ, nhưng do người bỏ xứ đi lâu quá, chẳng có gì làm của tin, không ai dám làm giấy tờ cho ông. Giờ ông cứ sống vậy, chẳng làm được gì ngoài những việc chân tay nặng nhọc.

Những ngày tháng bảy vu lan, ông cùng vợ thường xuyên lui tới một ngôi đình ở phường Tân Hưng (quận 7) niệm Phật và chính thức quy y lấy pháp danh Ngọc Thiện Tài. Bùi Xuân Hải không muốn nhắc đến quá khứ nữa, chỉ muốn tĩnh tâm ngẫm nghĩ về phần đời còn lại sẽ sống như thế nào để chuộc lại lỗi lầm thời tuổi trẻ và giúp đỡ được thật nhiều người.

Đệ tử thỉnh thoảng vẫn lục tìm ra ông, có người gọi điện hỏi: “Nghe nói đại ca sống nghèo khổ lắm, có cần tụi em giúp đỡ gì không”. Ông thẳng thừng: “Tao nghèo tiền nghèo bạc chứ không nghèo tình. Chúng mày đừng tìm tao nữa!”. Dứt khoát với quá khứ một thời, giờ cuộc sống của ông dù không khá giả, phải làm đủ thứ nghề để sống. Với những chuyến đi làm từ thiện, tiếng chuông chùa mỗi ngày đã là phần đời còn lại vô cùng thanh thản và yên bình.

Dzung Lê

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh