THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:03

Thành phố Long Xuyên (An Giang): Mô hình trồng rau + hoa lợi nhuận cao

 

Cù lao Ônh Hổ hiện có khoảng 6.000 hộ dân, trong đó số hộ sống bằng nông nghiệp như làm ruộng, rẫy và làm vườn chiếm 2/3. Nhưng, diện tích đất sản xuất trên cù lao chỉ có khoảng 900 ha, nếu chia bình quân đầu người thì thấp, so với nhiều địa phương khác trong tỉnh An Giang. Tuy nhiên, người nông dân cù lao Ông Hổ rất năng động, giỏi tính toán, chịu khó học hỏi cách làm ăn hiệu quả của các địa phương khác như trồng trọt xen canh, đa canh, luân canh, nên qua đó đã tăng thu nhập cho gia đình. Đồng thời thông qua các mô hình như trồng rau an toàn, phát triển hoa, cây kiểng kết hợp trồng cây ăn trái đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù của vùng đất cù lao này.

Bà Đặng Thị Hà, ở ấp Mỹ Hiệp cho biết, nếu bình quân mỗi công đất (1.000 m 2)  đạt 300 kg/vụ (khoảng 3 tháng), thì sản lượng rau an toàn của cù lao Ông Hổ khá lớn. Hiện nay, với khoảng 400 ha đất rẫy trồng rau an toàn, trung bình mỗi ngày nông dân cù lao này cung ứng cho TP. Long Xuyên, khoảng trên 10 tấn rau các loại. Được biết, tính giá trị sản xuất mỗi ha đất ở cù lao đạt trên 100 triệu đồng/năm, là mức thu nhập cao nhất so với các xã, phường ngoại thành của TP. Long Xuyên.

Mô hình trồng rau kết hợp trồng hoa và cây kiểng đem lại lợi nhuận cao với hàng trăm triệu  đồng/năm đang được nhân rộng ở cù lao Ông Hổ.

Đặc biệt, mô hình lập vườn cây ăn trái kết hợp trồng rau và hoa, cây kiểng đã cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Theo đánh giá của lãnh đạo Hội Nông dân TP.Long Xuyên, người nông dân cù lao Ông Hổ rất chịu khó học hỏi và tiến bộ nhanh, nhiều người chỉ sau vài năm tiếp cận, xây dựng mô hình đã có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm từ trồng cây kiểng kết hợp vườn cây ăn trái. Chính cù lao Ông Hổ là nơi trồng cây kiểng và sản xuất đa canh mạnh nhất TP. Long Xuyên trong những năm gần đây. Hiện nay, cù lao Ông Hổ đang phát triển mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ màu và 2 vụ màu + 1 vụ lúa, thu nhập mỗi 1 ha đất tăng gấp 2 – 3 lần so với trồng 3 vụ lúa đơn thuần. Ông Nguyễn Thanh Phong, ở ấp Mỹ Long 2 cho biết, ông trồng 2 vụ lúa  và 1 vụ màu thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm, chiếm trên 68% tổng thu nhập cả năm. Ông Huỳnh Ngọc Diện, ở ấp Mỹ An 2, thực hiện mô hình trồng lúa và rau an toàn trên diện tích 15 công đất (15.000 m 2), mỗi năm thu nhập trên 100 tr đồng.

Ngoài những mô hình kể trên, hiện nay mô hình trồng và kinh doanh hoa kiểng ở cù lao Ông Hổ cũng đạt nhiều thành quả. Đây được xem là nơi khởi xướng phong trào nông dân trồng hoa kiểng của An Giang. Theo nghệ nhân Hồ An Ghem, hiện xã Mỹ Hòa Hưng đã hình thành được hai câu lạc bộ hoa, cây kiểng thu hút hàng chục hội viên tham gia. Nhờ chịu khó học hỏi và ứng dụng sản xuất đa canh, mỗi năm hội viên Trần Văn Tầm ở ấp Mỹ An 2  đã bán ra thị trường khoảng 3.000 cây mai vàng, với giá  khoảng từ 300.000 đồng – 500.000 đồng/cây. Ngoài ra ông Tầm còn có thêm nguồn thu nhập cũng không nhỏ từ việc trồng rau dưới tán cây xoài, thu hoạch cá trong mương vườn. Có thể nói, đây là một trong những mô hình xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả nhất ở cù lao Ông Hổ trong những năm gần đây. Đóng góp tích cực cho phong trào trồng và kinh doanh hoa, kiểng của cù lao này còn có các ông: Trần Văn Thanh, Trần Văn Hùng, Huỳnh Thế Truyền, mỗi nghệ nhân có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh