CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:54

Thành phố đáng sống - Niềm tự hào của người Đà Nẵng

 

Những ai dù chỉ một lần đặt chân đến mảnh đất, nơi có dòng sông Hàn thơ mộng đều có chung một cảm giác yên bình đến lạ.


“Đà Nẵng bây giờ khác quá!”, những ai đi xa có dịp trở lại thành phố biển này đều có chung một cảm nhận như vậy. Trên khắp đô thị, những công trình mới san sát mọc lên, đời sống người dân ngày càng thay da đổi thịt, hòa chung cùng nhịp sống nơi thị thành trẻ nhưng không có sự xô bồ, ồn ào như vẫn thấy. Vẫn là một Đà Nẵng nhẹ nhàng, yên bình và đi lên theo cách riêng của nó. Để rồi hôm nay, trong ký ức của nhiều người, sức mạnh của sự đồng lòng, đồng thuận như càng khẳng định thêm, không có việc gì khó mà không thể làm được.

Còn nhớ, đầu năm 2000, khi TP. Đà Nẵng quyết định ban hành kế hoạch thực hiện chương trình "Thành phố 5 không", tức là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có giết người để cướp của, rồi chương trình “Thành phố 3 có”: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự lo ngại bởi để đạt được những mục tiêu này vào thời điểm đó thực sự không dễ gì thực hiện.

Thế nhưng, bằng sự dám nghĩ dám làm cùng với quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ lãnh đạo thành phố, đặc biệt là sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, thành phố “5 không, “3 có” ngày ấy giờ đã là một thành phố hiện đại, năng động, trẻ trung, con người thân thiện, mến khách, là điểm đến không chỉ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn là sự lựa chọn không thể thiếu đối với mỗi du khách, là thành phố đáng sống, niềm tự hào của người Đà Nẵng. 

 

Mỗi chương trình được đưa ra thực hiện đều có sự đồng lòng, đồng thuận của cả hệ thống chính trị đến toàn thể nhân dân.


Không dừng lại ở đó, năm 2016 TP. Đà Nẵng tiếp tục ban hành đề án thực hiện chương trình "Thành phố 4 an” và chọn năm 2017 là “Năm thành phố 4 an” với mục tiêu xây dựng một thành phố an bình trên cơ sở bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội. Gắn với chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, chương trình “Thành phố 4 an” nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao từ hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đoàn thể đến toàn thể nhân dân. Trong đó, cùng với các mục tiêu như bảo đảm về an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, mục tiêu an sinh xã hội có vai trò quan trọng như là kết quả, là tổng hòa của các mục tiêu, là đích đến của “Thành phố 4 an”, trong đó có vai trò của ngành lao động - thương binh và xã hội. 

An sinh xã hội hướng đến đời sống của người dân ngày càng được nâng lên kể cả vật chất cũng như đời sống tinh thần. Không những đảm bảo thu nhập cho người lao động, các chương trình an sinh xã hội sẽ giúp bảo vệ để những tác động bên ngoài không làm giảm mức sống của người dân. Để làm được những điều đó, như ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng từng chia sẻ “Đà Nẵng phải hướng đến đào tạo nghề chất lượng cao, đặc biệt là việc tập trung đầu tư cho một số ngành nghề đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Trong đó, vấn đề dự báo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trong bối cảnh hiện nay để đón đầu đáp ứng, có vai trò hết sức quan trọng và càng quan trọng hơn đối với một thành phố là trung tâm kinh tế, thương mại của khu vực miền Trung như Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 55 cơ sở dạy nghề với quy mô đăng ký đào tạo gần 50.000 học viên, sinh viên ở 157 ngành nghề. Những năm qua, nhằm tạo điều kiện, nâng cao thu nhập cho người lao động, TP. Đà Nẵng đã có nhiều chính sách vượt trội, từ việc đề ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo và giải quyết việc làm; Quy định các chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thuộc diện chính sách, xã hội; ngoài quy định của Trung ương, TP. Đà Nẵng cũng mở rộng thêm 5 nhóm đối tượng: đối tượng di dời, giải tỏa; người nghiện ma túy đã được cai nghiện; người hoạt động mại dâm hoàn lương; thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; học sinh bỏ học.

An sinh xã hội ở Đà Nẵng không chỉ đảm bảo người lao động có cơ sở ổn định cuộc sống mà chủ trương của thành phố là mọi người dân đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Vì vậy, với địa bàn có hơn 109.500 người có công với cách mạng, gia đình chính sách, TP. Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người có công cách mạng bằng sự tri ân, trách nhiệm và nghĩa tình.

Trong đó, phải kể đến chế độ cải thiện về nhà ở cho cho người có công với cách mạng. Những năm qua, ngoài các quy định của Trung ương, thành phố còn có thêm các hình thức hỗ trợ như hỗ trợ một phần tiền sử dụng đất khi được Nhà nước bố trí để xây dựng nhà ở; bố trí đất hoặc nhà chung cư cho đối tượng chính sách khó khăn về chỗ ở... Nhiều gia đình chính sách đã ổn định đời sống, vượt qua khó khăn từ chương trình hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở của thành phố.

Ông Võ Văn Xử, thương binh 3/4, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, hộ gia đình được hỗ trợ xây mới nhà ở năm 2017 không giấu được niềm phấn vui: “Nhà tôi xây dựng đã lâu nên xuống cấp, hư hỏng nhiều. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, của thành phố, không biết bao giờ chúng tôi mới có được căn nhà khang trang để yên tâm lúc tuổi già như thế này”.

Cùng với 22.000 lượt người có công đang hưởng trợ cấp thường xuyên, TP. Đà Nẵng có 242 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đang được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng. Ngoài chế độ ưu đãi theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn thành phố luôn được các cơ quan, đơn vị hưởng ứng tích cực. 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng từ mức 1 triệu đồng/ tháng trở lên. Nếu đơn vị phụng dưỡng không đủ mức 1 triệu đồng, thành phố sử dụng nguồn ngân sách để cấp bù cho đủ. “Ngoài việc phụng dưỡng bằng tiền, các cơ quan, đơn vị còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng vật dụng gia đình, xây nhà tình nghĩa… đã mang lại cho các mẹ cuộc sống ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần”, ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết.

Đảm bảo đời sống cho người lao động, gia đình chính sách, TP. Đà Nẵng cũng là địa phương đang có gần 1.220 đối tượng đang được chăm sóc tại 12 cơ sở BTXH trên địa bàn thành phố. Những năm qua, chính sách bảo trợ xã hội và giảm nghèo luôn được thành phố đặc biệt qua tâm, huy động được sự tham gia, ủng hộ của toàn xã hội. Đề án giảm nghèo thành phố đề ra 5 năm nhưng thường về đích trước 1 - 2 năm. Chuẩn nghèo của thành phố qua từng giai đoạn cũng cao hơn so với Trung ương từ 20 - 30%. Hiện, Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đang được TP. Đà Nẵng triển khai áp dụng chuẩn 1,1 - 1,3 triệu, các chiều, chỉ số theo quy định của Trung ương, thành phố đều cơ bản đáp ứng.

Để trở thành “Thành phố 4 an”, cùng với việc đảm bảo đời sống cho người dân, mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn thành phố còn được thể hiện ở những cách làm hay, mô hình phù hợp, sáng tạo, kể cả trong cách kiềm chế, kiểm soát tệ nạn xã hội trên địa bàn. Trong khi nhiều địa phương còn lúng túng trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung thì Đà Nẵng đã ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện, vận dụng sáng tạo các quy định của Trung ương nhằm rút ngắn thời gian lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc từ 25 đến 45 ngày (theo quy định của Trung ương), xuống còn 6 ngày; quy định lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng đang cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, đang điều trị Methadone, đang bị giáo dục tại xã phường, thị trấn do sử dụng ma tuý mà tiếp tục vi phạm sử dụng ma tuý trái phép. Ban hành chính sách hỗ trợ cai nghiện ma túy với nhiều nội dung vượt trội so với quy định của Trung ương như vấn đề tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn giải độc, hỗ trợ tiền lương cho bác sĩ…

Có thể nói, những thành tựu của TP. Đà Nẵng hôm nay, ngoài sự đồng thuận của người dân là tầm chiến lược cùng sự điều hành năng động, quyết đoán của các thế hệ lãnh đạo thành phố, trong đó có vai trò quan trọng của ngành lao động - thương binh và xã hội với mục tiêu an sinh xã hội. Hôm nay, người ta ngỡ ngàng trước một Đà Nẵng đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đô thị văn minh, hiện đại bậc nhất miền Trung, để rồi một mai, Đà Nẵng - thành phố công nghiệp, thành phố có môi trường đô thị văn minh, hài hòa, thân thiện, an bình, một thành phố hấp dẫn và đáng sống sẽ không còn xa. 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh