THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:47

Thành phố Bắc Kạn: Ghi nhận những kết quả trong công tác giảm nghèo

 

Có được kết quả trên ngoài sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố Bắc Kạn đã nỗ lực cố gắng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra. Trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thành phố luôn coi công tác giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 06- NQ/TU ngày 30/6/2018 về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được thành phố đưa vào Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, qua đó các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo, điều hành thực hiện, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ  bản, tham gia vào phát triển sản xuất, góp phần cải thiện đời sống.

Đặc biệt, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, thành viên tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, gồm 40 người do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm Phó Ban Thường trực, phân công các thành viên Ban chỉ đạo, thành viên tổ giúp việc phụ trách các xã, phường. Ban chỉ đạo đã xây dựng quy chế hoạt động.

 

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, tỷ lệ hộ nghèo ở thành phố đã giảm, đời sống người dân được nâng lên

 

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, hằng năm, thành phố Bắc Kạn tổ chức đánh giá và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm tiếp theo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn và các tổ chức đoàn thể thành phố về thực hiện các chương trình giảm nghèo, giúp đỡ các hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã  hội cơ bản, đồng thời chỉ đạo các xã, phường xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, trong 3 năm 2016-2018, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Năm 2016, có 59 lượt hộ nghèo và 49 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với tổng doanh số 4.149 tỷ đồng; năm 2017 có 42 lượt hộ nghèo và 41 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với doanh số 3.333 tỷ đồng và trong 8 tháng đầu năm 2018, có 07 lượt hộ nghèo và 04 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với doanh số 450 triệu đồng. Chính sách dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sản xuất cho người nghèo cũng được quan tâm chú trọng. Các trung tâm dạy nghề đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn và tổ chức các lớp dạy nghề ngay tại thôn để tạo điều kiện tốt nhất cho người học. Năm 2016, thành phố đã mở được 4 lớp dạy nghề với 119 học viên tham gia, giải quyết việc làm mới cho 158 người; năm 2017, mở 02 lớp với 59 học viên tham gia. Năm 2018 mở 03 lớp với 118 học viên.

 

Đoàn viên thanh niên phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn tình nguyện ngày công làm nhà ở cho hộ nghèo

 

Các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục cho hộ nghèo cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố luôn đảm bảo 100% đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, chính sách xã hội được hỗ trợ cấp thẻ BHYT theo quy định, thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Y tế thành phố đã khám cho 8.261 lượt người nghèo với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng; chỉ đạo các trạm y tế xã, phường tới nhà khám, tư vấn sức khỏe cho những hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ y tế. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giáo dục, đảm bảo 100% đối tượng học sinh con hộ nghèo, cận nghèo được hưởng chính sách theo quy định.

Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, năm 2016, thành phố Bắc Kạn đã hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở cho 15 hộ nghèo, với tổng kinh phí vận động 435 triệu đồng; năm 2017 hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở cho 19 hộ nghèo và hỗ trợ téc nước, đường điện, nhân công với tổng số tiền 799 triệu đồng. Năm 2017, hỗ trợ nhà tiêu hợp vệ sinh cho 14 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo. Ngoài ra, thành phố còn triển khai chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Công tác trợ giúp pháp lý đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các đối tượng, không chỉ tạo ra cơ chế đảm bảo cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách tiếp cận với dịch vụ pháp lý mà còn giúp họ hiểu biết pháp luật, chính sách về giảm nghèo, từ đó phấn đấu vươn lên.

Đối với việc thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tổ Khuổi Pái, phường Huyền Tụng, thành phố đã hỗ trợ 02 máy xới đa năng, phân bón NPK Lâm Thao 1.222 kg đáp ứng cho 22 hộ nghèo, cận nghèo sản xuất kịp thời vụ. Thực hiện hiệu quả công tác truyền thông về giảm nghèo, qua đó giúp người nghèo hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Đánh giá về việc thực hiện chính sách giảm nghèo của địa phương, ông Ma Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho biết: Với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự nỗ lực của người dân, trong 3 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, hệ thống quản lý thực hiện chương trình giảm nghèo các cấp được thành lập, kiện toàn, đi vào hoạt động cơ bản hiệu quả. Các văn bản chỉ đạo thực hiện của tỉnh, thành phố được ban hành khá đầy đủ. Nhận thức trong đội ngũ cán bộ công chức các cấp và nhân dân về giảm nghèo bền vững có sự thay đổi rõ rệt, phát huy được vai trò của người dân trong thực hiện chính sách giảm nghèo, hộ nghèo đã có ý thức vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Hỗ trợ nhà ở cho người nghèo trên địa bàn thành phố

 

Cùng với đó, các chính sách giảm nghèo được triển khai kịp thời, các mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Thành phố Bắc Kạn đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như lúa gạo, chăn nuôi gia cầm, rau, thực phẩm… Thu nhập của người dân nông thôn, người nghèo được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện.

Trên cơ sở kết quả đạt được, để công tác giảm nghèo đạt kết quả đề ra, thành phố Bắc Kạn đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo như mắc bệnh hiểm nghèo, hết tuổi lao động, ốm đau bệnh tật kéo dài, để có thể đảm bảo mức sống cơ bản cho hộ nghèo. Khi giao chỉ tiêu giảm nghèo cho thành phố không xem xét các hộ nghèo bền vững và việc giao tỷ lệ quá cao hàng năm rất khó có thể thực hiện. Hỗ trợ thêm kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho thành phố để có nguồn lực hỗ trợ cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Đối với trung ương, cần xem xét các chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo hướng giảm dần chính sách cho không, tăng dần chính sách cho vay để tránh tình trạng hộ nghèo trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước và cộng đồng.

HOÀNG LÂM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh