THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:44

Thanh niên đang phải sống “chật vật” tại các khu công nghiệp

 

Đời sống con em công nhân còn nhiều khó khăn 

Một đoàn viên tại TP Hồ Chí Minh hỏi: Hiện nay, đời sống thanh niên công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất gặp rất nhiều khó khăn về nhà trọ, sinh hoạt hàng ngày, về đời sống tinh thần, việc học tập, chăm lo cho con cái… Trong bối cảnh đó, Đoàn làm được gì cho thanh niên công nhân, Đoàn sẽ tiếp tục làm gì và hướng dẫn, định hướng gì cho các đoàn cơ sở làm tốt công tác này?.

Trả lời câu hỏi trên, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của TP Hồ Chí Minh nỗ lực hỗ trợ công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Từ mô hình, cách làm hay của TP Hồ Chí Minh được nhiều địa phương học tập và nhân rộng. Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần X cũng xác định việc chăm lo cho thanh niên công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là một nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành đề án hỗ trợ thanh niên công nhân đến năm 2020, trong đó có 5 giải pháp rất cụ thể: tiếp tục hoạt động vận động đầu tư; tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền để xây dựng các trung tâm, văn phòng hỗ trợ thanh niên công nhân; hỗ trợ, đồng hành, chăm lo cho thanh niên công nhân về nghề nghiệp, sức khỏe, thu nhập; tìm kiếm các giải pháp để ổn định nơi ăn, chốn ở, nhà trọ cho thanh niên công nhân; hỗ trợ học tập, đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên công nhân...

 

Đời sống khó khăn, giải trí nghèo nàn, hết giờ làm công nhân trở về phòng trọ chật chội nấu ăn và ngủ!


Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Nguyễn Đắc Vinh cho biết thêm: Nhìn chung đời sống con em công nhân còn nhiều khó khăn và các cấp đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ. Đầu tiên là nơi ở, hai là xây dựng một số tủ sách cấp thêm cho thanh niên công nhân. Về điều kiện sống thì cũng tổ chức các giải thể thao, văn hóa văn nghệ. Đối với con em công nhân trong một số khu nhà trọ, tổ chức đoàn và địa phương đã tổ chức các lớp học tình thương, các thanh niên đã giúp đỡ con em công nhân các kiến thức cơ bản nhất. Đấy cũng là mô hình rất tốt. “Trong thực tế, các mô hình rất nhiều nhưng quan trọng là làm sao nhân rộng ra khắp cả nước trong khi kinh phí rất hạn hẹp. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, các bạn cơ sở đã có nhiều giải pháp. Về phía Trung ương Đoàn, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Nghèo nàn về đời sống văn hóa, giải trí

Sau giờ tan ca, Phạm Thị Dung công nhân Công ty Canon Việt Nam (KCN Quang Minh, Hà Nội) tất bật chuẩn bị bữa ăn rồi quay ra ngủ. Do công việc trong môi trường công nghiệp lấy đi quá nhiều quỹ thời gian khiến hàng trăm nghìn công nhân, đặc biệt là thanh niên công nhân ít có cơ hội tiếp cận, tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí. Đời sống tinh thần nghèo nàn là thực trạng chung của hầu hết công nhân trẻ hiện nay.

Chiếc ti vi để giải trí cũng là tài sản hiếm với nhiều phòng trọ của công nhân.

 

Khi nói về đời sống văn hóa, tinh thần, Vân ngậm ngùi: “Một ngày làm đứng máy suốt 8 - 10 tiếng. Dịp nào tăng ca thì còn kéo dài hơn. Tan ca, cũng muốn đi chơi đâu đó hoặc tham gia hoạt động văn hóa giải trí nhưng lại mệt mỏi, với lại muốn tiết kiệm chi phí nên về phòng trọ. Chỗ ở không có tivi, sách báo càng không. Quanh quẩn với mấy người bạn cùng xóm rồi lại đi ngủ. Bạn nào có điều kiện mua điện thoại xịn còn lướt facebook, nghe nhạc hay lượt tin tức trên báo...”. Ngay tại KCN Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) Vũ Thị Huyên, công nhân Hanel cho biết: “Đi làm từ sáng đến tối muộn mới về nên chẳng bao giờ chúng em nghĩ tới đi chơi, giao lưu bạn bè. Chuyện giải trí, văn hóa tinh thần thì lại càng không. Đi làm về mệt chỉ muốn lăn ra ngủ lấy sức mai còn tiếp tục “chiến đấu”. Thỉnh thoảng mấy bạn trong xóm trọ rủ nhau ra đầu ngõ uống trà đá cắn hạt dưa, hôm nào sang lắm thì đãi nhau chân gà nướng hoặc mấy cái bánh khoai, bánh gồi. Buôn chuyện tào lao rồi về ngủ!. Thỉnh thoảng cũng có biết vài chương trình văn nghệ do ca sỹ biểu diễn nhưng bọn em không có thời gian để đi. Mà mỗi lần đi lại tốn tiền, lõm vào chi phí sinh hoạt... đành ngồi nhà”.

Khác với nữ công nhân, nhiều nam công nhân sau giờ tan ca  rủ nhau đi giải trí ở... mấy quán bia cỏ. "Sau mỗi kỳ lương, bọn em rủ nhau đi uống một vài vại bia rồi về phòng trọ ngủ thôi chị ạ. Không la cà quán xá thì cũng chẳng biết đi đâu, chơi gì. Nhiều lúc bọn em cũng muốn đi đá bóng nhưng toàn tan ca muộn và nơi trọ không có sân bóng. Lương công nhân thì lấy đâu ra tiền thuê sân bóng đá hả chị?", Phạm Mạnh Tài, công nhân Cty Hanel Việt Nam chia sẻ.

Theo đề tài khoa học "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp" của Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương, có 26% số công nhân được hỏi trả lời xem ti  vi thường xuyên và chỉ có 15% người được tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ; 97% số người mong muốn được tham gia các hoạt động giải trí, văn nghệ, thể thao...Trong số công nhân được hỏi có tới hơn 90% trong độ tuổi thanh niên. Điều này cho thấy, đời sống tinh thần của thanh niên công nhân quá nghèo nàn và đơn điệu.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh