CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

Thanh niên chiếm hai phần ba tổng số người thất nghiệp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  trò chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động tại Phiên giao dịch việc làm Hà Nội


Theo văn bản này, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, để đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, lao động là thanh niên, thanh niên nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ nói riêng, Chính phủ đã ban hành nhiều chế độ, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện làm việc cho thanh niên
Trong những năm qua, một số Bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương đã tổ chức thu hút, tuyển chọn thanh niên tình nguyện tham gia các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực được phân công như: Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020; Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thuộc 64 huyện nghèo (Bộ Nội vụ); Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2011 - 2020 (Bộ Quốc phòng); Dự án Đảo thanh niên Bạch Long Vĩ, đảo thanh niên Cồn Cỏ; Dự án Làng thanh niên lập nghiệp (Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh)...

Ngày 27/3/2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2020, trong đó tập trung nội dung tư vấn hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên.

Từ năm 2010 - 2015, đã có 219.789 bộ đội xuất ngũ tham gia học nghề tại các cơ sở dạy nghề trong quân đội (trình độ cao đẳng nghề chiếm 3%, trung cấp nghề chiếm 16%, sơ cấp nghề chiếm 81%, trong đó: 58% bộ đội xuất ngũ học sơ cấp nghề lái xe ô tô hạng B2, hạng C). Trong 5 năm (2010-2014) đã sử dụng 1.364 tỷ đồng kinh phí thẻ học nghề, phục vụ cho các nhiệm vụ đào tạo bộ đội xuất ngũ (tuyển sinh, tư vấn, khai giảng, bế giảng, giới thiệu việc làm, tiền lương giáo viên…). Năm 2016, kế hoạch, đào tạo nghề cho 65.384 bộ đội xuất ngũ (trong đó đào tạo sơ cấp chiếm 75,6%).

Dẫn số liệu tổng hợp từ kết quả điều tra lao động việc làm quý IV/2016 của Tổng cục Thống kê, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, lực lượng lao động cả nước là 54,56 triệu người, trong đó lực lượng lao động là thanh niên (15 - 29 tuổi) khoảng 14,4 triệu người (chiếm 26,3%), trong đó thanh niên nông thôn khoảng 9,9 triệu người. Đây là nguồn cung lao động lớn, có tri thức, sức khỏe nhưng đồng thời cũng gây sức ép lớn trong giải quyết việc làm.

Hiện nay, cả nước có 13,5 triệu thanh niên có việc làm (chiếm 2/3 thanh niên Việt Nam), trong đó tại khu vực nông thôn khoảng 9,4 triệu người nhưng chất lượng việc làm thấp: 58,6% thanh niên làm công hưởng lương nhưng gần 1/2 trong số đó không có hợp đồng bằng văn bản; 41,4% thanh niên làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm, lao động trong hộ gia đình không hưởng lương, riêng tại khu vực nông thôn tỷ lệ này khá cao (50,8%).

Chất lượng lao động, văn bản nêu một số con số đáng chú ý chỉ có 28,1% thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ (tỷ lệ này của cả nước là 21,4%), trong đó 11,7% có trình độ cao đẳng, đại học. Riêng tại khu vực nông thôn, chỉ có 20,7% thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.

Xét theo cơ cấu việc làm, có 35,5% thanh niên làm việc trong ngành nông nghiệp; 33,6% thanh niên làm việc trong ngành công nghiệp và xây dựng; 30,9% thanh niên làm việc trong ngành dịch vụ (cơ cấu chung của cả nước là 41,54%, 25,05% và 33,41%). Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn, có đến 47,2% thanh niên vẫn làm việc trong ngành nông nghiệp với năng suất, chất lượng thấp.

Tại văn bản này, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, tình trạng thất nghiệp của thanh niên tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam: trên 2/3 số người thất nghiệp là thanh niên (70,1%), 1/2 số người thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 15 - 24 tuổi (55,3%). Tại thời điểm quý IV/2016, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15 - 24 tuổi (7,28%) cao hơn gấp 3,2 lần tỷ lệ thất nghiệp chung (2,31%). Mức độ thất nghiệp của thanh niên có xu hướng tăng dần theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có trình độ cao đẳng khoảng 18,1%, đại học trở lên là 23%, trong khi tỷ lệ này của nhóm thanh niên có trình độ sơ cấp và trung cấp thấp hơn (lần lượt 5,3% và 11,8%)

Về kết quả giải quyết việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn từ 2011 - 2016, hằng năm cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động, trong đó lao động trong độ tuổi thanh niên là chủ yếu (chiếm khoảng 60%).

100% bộ đội xuất ngũ có nhu cầu học nghề đều được cấp thẻ học nghề, tham gia đào tạo nghề nghiệp gắn với tạo việc làm, đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn bộ đội, công an xuất ngũ hàng năm.
Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định, hiện nay hệ thống chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên tương đối đồng bộ nhưng thiếu các nguồn lực thực hiện. Một số chính sách ưu đãi cho thanh niên về làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa thực sự hấp dẫn cùng với khả năng tạo việc làm tại khu vực nông thôn thấp nên phần lớn sinh viên tốt nghiệp không muốn trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị.


Bạn trẻ tìm việc online tại ngày hội việc làm tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh: Lê Thanh

 

Hạn chế tiếp theo là chất lượng lao động thanh niên thấp trong khi khả năng tạo việc làm của nền kinh tế còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết việc làm cho thanh niên. Nhiều sinh viên ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên còn hạn chế; việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa hiệu quả.

Vẫn theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, thanh niên, nhất là sinh viên còn thiếu các kỹ năng “mềm”, kỹ năng làm việc thực tế tại doanh nghiệp. Một bộ phận chưa chủ động, nỗ lực trong tìm kiếm việc làm, tâm lý muốn làm cơ quan nhà nước cho ổn định trong khi khả năng cung cấp việc làm của khu vực này có giới hạn. Trong đó đáng lưu ý, từ kết quả điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của ILO, cho thấy 2/3 số sinh viên được hỏi thích làm trong khu vực nhà nước.

Để thúc đẩy, giải quyết việc làm cho thanh niên tốt hơn, Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu kiến nghị: Đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án về tổ chức dự báo cung cầu thị trường lao động để cung cấp, công bố số liệu quốc gia về thị trường lao động với các số liệu tin cậy, chính xác và có tính khả thi; Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động trong công tác phân luồng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động; Đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có giải pháp đối với bộ đội, công an xuất ngũ về địa phương để có kế hoạch thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cũng như đề xuất chính sách hỗ trợ tạo việc làm ổn định cho bộ đội, công an xuất ngũ

 

Đến nay, cả nước đã có 48 Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức sàn giao dịch việc làm, bình quân một phiên giao dịch thu hút từ 40-50 doanh nghiệp, 650-750 lao động tham gia (80-90% là thanh niên), trong đó có khoảng 350-450 lao động được sơ tuyển, phỏng vấn. Ngoài ra, nhiều Trung tâm đã thường xuyên phối hợp với cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các đơn vị quân đội tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành riêng thanh niên, sinh viên mới tốt nghiệp, bộ đội xuất ngũ; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong các nhà trường phổ thông, các cơ sở đào tạo, hướng nghiệp cho bộ đội, công an sắp xuất ngũ… 

V. BÌNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh