CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:48

Thành lập Trung tâm đào tạo ngành kỹ thuật thang máy

Theo một thống kê, mỗi năm Việt Nam có hơn 100.000 kỹ sư tốt nghiệp, đứng top đầu thế giới về số lượng. Trong đó có hàng chục, hàng trăm nhóm ngành kỹ sư khác nhau như: Kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư môi trường, kỹ sư luyện kim, kỹ sư hàng hải, kỹ sư dân dụng, kỹ sư phần mềm... nhưng lại chưa có một ngành nào chuyên đào tạo các kỹ sư về kỹ thuật thang máy.

Trong khi đó, thang máy đang ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng trong đời sống, không chỉ được lắp đặt tại các tòa nhà văn phòng, chung cư cao tầng mà còn hiện hữu ngày một nhiều tại những ngôi biệt thự, nhà phố... Tính trung bình, hiện nay có khoảng 250.000 - 300.000 thang máy đã được lắp đặt và sử dụng trên cả nước. Hàng năm, có khoảng 10.000 thang máy mới được lắp đặt và số lượng này còn tăng lên trong thời gian tới. Như vậy, số lượng nhân viên kỹ thuật cần có để thực hiện bảo trì, sửa chữa sẽ là khoảng 12.000 (1 người/25 thang) người. Còn số lượng nhân viên lắp đặt thang máy cần có khoảng 1500 người (7 người/1 thang) và số lượng này còn tiếp tục tăng cao trong vòng 30 năm tới. Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực trẻ cho lĩnh vực này của các nước tiên tiến cũng rất lớn. Đây là thị trường tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu lao động.

Thành lập Trung tâm đào tạo ngành kỹ thuật thang máy - Ảnh 1.

Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức và NGƯT.TS. Phạm Xuân Khánh, Phụ trách trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tại Hội nghị Gắn kết Giáo dục nghề nghiệp thủ đô với thị trường lao động năm 2021.

Mặt khác, trong lĩnh vực thang máy, trình độ tay nghề của kỹ thuật viên liên quan trực tiếp đến an toàn của người sử dụng.  Nguồn nhân lực này chính là nòng cốt để xây dựng một ngành nghề thang máy phát triển vững mạnh, bảo vệ an toàn cho con người.

Trước nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã phối hợp cùng Gama Service - Đơn vị dịch vụ kỹ thuật thang máy cao cấp của GamaLift và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội quyết định thành lập Trung tâm đào tạo ngành kỹ thuật thang máy.

Trung tâm trực thuộc trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, do trường trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo kỹ thuật thang máy. Hiệp hội Thang máy Việt Nam đóng vai trò hoạch định về phương hướng đào tạo và Gama Service sẽ thực hiện các hoạt động chuyên môn, thực tiễn của ngành kỹ thuật thang máy. Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật thang máy thuộc Trung tâm sẽ có cơ hội làm việc tại GamaLift, Gama Service, các công ty lắp đặt thang máy, công ty dịch vụ thang máy trong và ngoài nước, các công ty quản lý tòa nhà mảng thang máy hoặc tự do hành nghề trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được được tham dự những hoạt động kỹ năng nghề quy mô lớn dự kiến trong thời gian tới, được tổ chức bởi Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp như: Cuộc thi tay nghề cấp Trường, cấp Quốc gia, ASEAN...

Thành lập Trung tâm đào tạo ngành kỹ thuật thang máy - Ảnh 2.

Kiểm định thang máy công trình xây dựng

Đây là lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, ngành kỹ thuật thang máy chính thức được đưa vào chương trình đào tạo. Trung tâm sẽ giảng dạy chuyên sâu và thực hành các nghiệp vụ về lắp đặt, vận hành, bảo trì bảo dưỡng, nâng cấp sửa chữa thang máy... Nếu như trước đây, các doanh nghiệp thường phải sàng lọc nhân sự từ các ngành cơ khí, điện, điện tử để tiến hành đào tạo lại về kỹ thuật thang máy thì giờ đây Trung tâm đào tạo kỹ thuật thang máy sẽ là cái nôi cung cấp những kỹ sư về thang máy  cho thị trường trong bối cảnh đòi hỏi cao về nguồn lao động của lĩnh vực này. Tương lai, những ngôi nhà lắp đặt thang máy gia đình cũng hoàn toàn có thể thuê kỹ thuật viên tự do có chứng chỉ để thực hiện sửa chữa, bảo trì thang máy.

HÀ PHƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh