Thành lập tổ chức liên ngành bảo vệ trẻ em tới cấp xã
- Y học 360
- 23:51 - 24/10/2019
Đối với các địa phương chưa thành lập tổ chức này thì trước mắt thực hiện việc thành lập. Giao cho tổ chức trên địa bàn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất về quy định chức danh, mức phụ cấp đối với người kiêm nhiệm làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, lồng ghép trong việc xây dựng Đề án của thành phố thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 2805/LĐTBXH-TE về việc đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như kiện toàn, củng cố tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em các cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Luật Trẻ em; bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; xây dựng Đề án quy định chức danh, mức phụ cấp đối với người kiêm nhiệm làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, đối với cấp xã, tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phụ trách, các thành viên gồm: Công chức Văn hóa - Xã hội chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội; người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; Trưởng trạm Y tế; Trưởng Công an; công chức Tư pháp - Hộ tịch; Hiệu trưởng nhà trường hoặc các cơ sở giáo dục trên địa bàn cấp xã; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ.
Ngoài các thành viên trên, tùy điều kiện của địa phương có thể bổ sung thành viên trong số các cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các trách nhiệm đôn đốc, phối hợp việc thực hiện quyền trẻ em; giải quyết các vấn đề trẻ em thuộc thẩm quyền; bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em và tai nạn thương tích trẻ em.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ định nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã để giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo quy định của Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP. Thành phần Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; công chức Văn hóa - Xã hội chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội; người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; Trưởng trạm Y tế; Trưởng Công an; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (tùy điều kiện cụ thể của địa phương lựa chọn số lượng các thành viên cho phù hợp).