CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:29

Quyết liệt vào cuộc bảo vệ trẻ em

 

BÀI 2: Phòng ngừa và xử nghiêm minh hành vi xâm hại trẻ em

Phòng chống xâm hại trẻ em mà trọng tâm là phòng chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em là một trong những nội dung quan trọng trong Tháng hành động vì trẻ em. Muốn làm tốt phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em thì phải làm tốt phòng ngừa, đồng thời xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi, vụ việc. Trước hết, những người chăm sóc trẻ, bố mẹ phải có những kiến thức bảo vệ trẻ em.

Nhận thức về bạo lực, xâm hại trẻ em được nâng lên

Bạo lực và xâm hại trẻ em xảy ra ở bất kỳ quốc gia và nền văn hóa nào, gây tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần cả trước mắt và lâu dài đối với trẻ em. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục; 3 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 310 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Đây là những trường hợp nghiêm trọng, bị phát hiện, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, cho nên con số trên mới là phần nổi của tảng băng chìm.

 

Dạy trẻ em các kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em.

Ở góc độ tiếp nhận thường xuyên thông báo, phát hiện, tố cáo của người dân, mạng xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng, số vụ việc được Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp có xu hướng tăng lên: 214 ca xâm hại tình dục trẻ em năm 2017 và 250 ca năm 2018. Trong số các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em năm 2017, 2018, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người quen, hàng xóm là 59,06%; bởi người thân trong gia đình là 21,12%; bởi giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03%; bởi các đối tượng khác là 13,79%.

Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, thầy cô giáo có hành vi bạo lực đối với học sinh, bạo lực trong các cơ sở giáo dục mầm non gây bức xúc dư luận xã hội. Số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em giảm không nhiều, nhưng tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng.

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho rằng, trong xã hội hiện nay, nhận thức của người dân về bạo lực và xâm hại trẻ em được tốt hơn là tín hiệu đáng mừng. Kinh nghiệm của một số quốc gia đã vận hành tốt hệ thống bảo vệ trẻ em (Nhật Bản, Hàn Quốc…) cho thấy: Số vụ việc được tố cáo tăng lên, tức phần chìm của tảng băng dần nổi lên nhiều hơn cho thấy xu hướng tiến bộ về nhận thức xã hội, về quy định pháp luật và dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, một số người lại lo lắng thái quá. Vì thế, cần truyền thông để người dân có kiến thức, có kỹ năng để biết phòng ngừa cũng như không quá lo sợ. Đồng thời cần những giải pháp để phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục hiệu quả.

Ông Nam cho rằng, muốn làm tốt phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em thì phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu. Những người chăm sóc trẻ, bố mẹ phải có những kiến thức bảo vệ trẻ em. Đồng thời nhận thức của cộng đồng, xã hội cũng cần được nâng lên. “Qua những vụ việc vừa qua cho thấy, khi phát hiện các vụ việc về bạo lực, xâm hại trẻ em, người dân lên tiếng ngay. Chính áp lực dư luận, chứng cứ từ các cơ quan truyền thông, mạng xã hội đã góp phần để các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc giải quyết vụ việc”, ông Nam nhấn mạnh.

Số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện, tố cáo tăng lên vì nhận thức xã hội nâng lên, báo chí, truyền thông xã hội cùng vào cuộc mạnh mẽ. Đặc biệt các dịch vụ xã hội ngày càng được cải thiện hơn. Khi phát hiện vụ việc người dân nhanh chóng gọi điện đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đồng thời Tổng đài kết nối ngay với các cơ quan chức năng. Chính quyền địa phương, lực lượng công an đã vào cuộc nhanh, quyết liệt hơn nên niềm tin của gia đình vào cơ quan thực thi pháp luật tăng lên. Họ dám lên tiếng tố cáo tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em. “Khi Luật Trẻ em 2016 chưa có hiệu lực, 1 đứa trẻ bị xâm hại tình dục, cha mẹ không biết tìm cơ quan nào để báo cáo vụ việc. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 18001567 tiếp nhận tin báo nhưng không có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh, vào cuộc xử lý, can thiệp”, ông Nam chia sẻ.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24 giờ tất cả các ngày và không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến. Khi tiếp nhận các vụ việc liên quan đến trẻ em, Tổng đài có trách nhiệm phối hợp xử lý thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; chuyển ngay thông tin đến UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc để thực hiện việc đánh giá nguy cơ ban đầu về mức độ tổn hại của trẻ em. Vì thế, cần tăng cường truyền thông về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tất cả người dân đều biết, đặc biệt là trẻ em, những người chăm sóc trẻ. Ông Nam cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh truyền thông Tổng đài 111 qua các kênh xuất bản phẩm, bệnh viện, trường học, các phương tiện giao thông công cộng…

Nghiêm trị tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em

Đến nay, Luật Trẻ em 2016 đã có hiệu lực, công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em được triển khai tích cực. Người dân hiểu Luật Trẻ em, Luật Hình sự và biết báo cáo ai khi xảy ra vụ việc để được nhanh chóng giải quyết. Trước đây có vụ việc chìm xuồng vì các cơ quan chức năng có sự thờ ơ vô cảm và pháp luật quy định chưa chi tiết, chưa có quy định cụ thể nên rất khó giải quyết. Đặc biệt những hành vi dâm ô, giao cấu khác với trẻ em… thì nay Luật Trẻ em và Nghị định 56 hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương khi xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em.

 

Tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tương đối đầy đủ và bao quát các hình thức xâm hại tình dục đối với trẻ em, bao gồm các tội phạm cụ thể: tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), tội dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146), tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147), tội chứa mại dâm (Điều 327), tội môi giới mại dâm (Điều 328), tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329) và tội truyền hóa văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326).

Chính sách xử lý đối với người thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em quy định tại Bộ luật Hình sự cũng hết sức nghiêm khắc, riêng đối với người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, hoặc tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân. Để xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, phù hợp với thực tiễn, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, ví như: bổ sung hành vi xâm hại tình dục khác ngoài hành vi giao cấu; thể hiện rõ nét hơn nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự trong các tội xâm hại tình dục trẻ em; bổ sung cụ thể hóa các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự…

Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật còn hạn chế do nhận thức của các cán bộ thực thi pháp luật còn khác nhau về các quy định của Bộ luật Hình sự và đòi hỏi phải quy định cụ thể (hướng dẫn việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội với tội dâm ô người dưới 16 tuổi; khiêu dâm trẻ em để thống nhất áp dụng pháp luật xử lý các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em). Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng các Điều 141,142,143,144,145,146 và 147 của Bộ luật Hình sự về các tội xâm hại tình dục. Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự như Điều 141 về tội hiếp dâm, Điều 142 về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Điều 143 về tội cưỡng dâm, Điều 144 về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Điều 145 về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Điều 146 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và Điều 147 về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

Được biết, Chính phủ đang xem xét để ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em (thay thế NĐ số 144/2013/NĐ-CP); sửa đổi Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình theo hướng nâng mức xử phạt các hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, những vụ án liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cần phải xử lý nghiêm minh nhất, kịp thời nhất và hỗ trợ trẻ em là nạn nhân tốt nhất.

Về quan điểm tư pháp với trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh: Đối với những vụ án nạn nhân càng nhỏ tuổi thì hình phạt đối với tội phạm xâm hại trẻ em càng phải tăng nặng. Trong quá trình tố tụng phải đảm bảo thân thiện với trẻ em từ khâu điều tra, xét xét xử để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Ông Nam cho rằng: “Nghị định 56 đã quy định rõ quy trình tiếp nhận, xử lý và hỗ trợ nạn nhân bạo lực, xâm hại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu nhiều dịch vụ xã hội, thiếu các bộ làm công tác xã hội. Đặc biệt, nhận thức của gia đình và xã hội còn hạn chế. Có những gia đình khi xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em không muốn tố cáo tội phạm vì sợ ảnh hưởng đến danh dự của con. Cũng có trường hợp, gia đình chỉ nghĩ làm thế nào nhanh chóng xử lý đối tượng phạm tội và vô tình làm tổn thương con. Cũng có những vụ việc, chính quyền xã, phường ủng hộ gia đình nạn nhân và đối tượng thỏa thuận. Hay có có trường hợp, cán bộ điều tra khi dựng lại hiện trường lại yêu cầu có sự tham gia của trẻ em nạn nhân...”.

Muốn làm tốt công tác phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ trẻ em của số đông người dân, có nghĩa là công tác phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, pháp luật phải nghiêm trị những kẻ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em để răn đe, giáo dục chung cũng như lấy lại lòng tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền trẻ em.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh