Hình thành lá chắn vững chắc hơn để bảo vệ trẻ em
- Tây Y
- 22:14 - 03/06/2019
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)
Tại phiên thảo luận hội trường ngày 3/6, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bày tỏ sự nhất trí về Tờ trình dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh, cần lựa chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ông Tám nêu, hiện tại, trẻ em của chúng ta chiếm 1/4 dân số. Vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng và quan tâm.
“Nước ta là nước đầu tiên ở châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn thẩm gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em, chúng ta đã ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em, liên quan đến trẻ em”, ông Tám nêu.
Vị đại biểu tỉnh Kon Tum đánh giá cao chính sách pháp luật về trẻ em hiện nay không chỉ quan tâm giải quyết hậu quả, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà còn chú trọng việc chủ động phòng ngừa, can thiệp sớm, loại bỏ những nguy cơ tổn hại đến trẻ em, đã và đang thực hiện có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông, quá trình thực hiện bảo vệ trẻ em trước những tổn hại còn nhiều vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm, đó là bạo lực trẻ em. Trẻ em vừa bị bạo lực trong gia đình, vừa bị bạo lực trong nhà trường và ngoài xã hội. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy khoảng 68,4% trẻ em từ độ tuổi 1- 14 đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành ở nhà, có khoảng 20% trẻ em 8 tuổi bị trừng phạt thân thể ở trường học. Trẻ em không chỉ bị bạo lực mà còn bị xâm hại tình dục.
Theo ông Tám, thống kê cho thấy, từ năm 2011- 2015 có 5300 vụ xâm hại tình dục được phát hiện và xử lý năm 2018 có 1.269 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện và xử lý, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cùng với đó, trẻ em còn là nạn nhân của buôn bán người, bị bỏ rơi, sát hại…
“Từ những vấn đề trên, việc lựa chọn chuyên đề 1 tôi thấy là cần thiết”, ông Tám nhấn mạnh. Tuy nhiên, để nội dung giám sát được rộng hơn, vị đại biểu tỉnh Kon Tum đề nghị xem xét đặt vấn đề nội dung chuyên đề là việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em vì phòng, chống xâm hại trẻ em là một nội dung trong bảo vệ trẻ em.
“Luật trẻ em của chúng ta có quy định bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp đảm bảo để đảm bảo cho trẻ em được sống an toàn, khỏe mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, lựa chọn bảo vệ trẻ em thì phạm vi rộng hơn”, ông Tám nêu quan điểm.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà) nhấn mạnh, nên chọn chuyên đề về việc giám sát của năm 2020 tối cao của Quốc hội một cách toàn diện, trong đó đặc biệt lưu tâm tới việc phòng, chống xâm hại trẻ em, vì thời gian qua, theo ông, nổi lên rất “nóng”.
Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) cũng đề nghị Quốc hội giám sát chuyên đề thứ nhất về việc thực hiện chính sách pháp luật về việc phòng, chống xâm hại trẻ em.
“Bởi vì, trẻ em là đối tượng quan trọng được cả gia đình và xã hội bảo vệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần có một cơ chế bảo vệ, hình thành lá chắn vững chắc hơn để bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em”, đại biểu nói.
Bà Phương nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời, không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết nên bị xâm hại cả về thể xác lẫn tinh thần;
Cũng theo bà Phương, nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm; văn bản quy phạm pháp luật còn có những khoảng trống nhất định, còn thiếu các quy định triển khai chính sách về bảo vệ trẻ em; thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và còn thiếu sự quan tâm, giám sát của các cơ quan dân cử.
“Với thực trạng trên, tôi đề nghị Quốc hội ưu tiên đưa vào Chương trình giám sát năm 2020 đối với chuyên đề này”, bà Phương nhấn mạnh.
Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề nội dung cụ thể sau đây : Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung). Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung). Quốc hội tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu về lựa chọn chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ 9 - năm 2020. Kết quả, có 386 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) đồng tình chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. |