Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai
- Huyệt vị
- 22:08 - 23/02/2020
Tổng diện tích Khu bảo tồn là 2.071,5 ha, bao gồm: phân vùng Ô Lâu (1.270,2 ha), phân vùng Cồn Tè – Rú Chá (187,1 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614,2 ha). Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 799,1 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 1.242,9 ha; phân khu dịch vụ - hành chính: 29,5.
Nhằm bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn, nhiều hoạt động sẽ được thực hiện, như: nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản trên mặt nước tại các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; nghiêm cấm khai thác thủy sản bằng hình thức mang tính huỷ diệt (lưới mắt nhỏ, te điện hay giã cào và các hình thức tương tự khác) tại các phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm. Tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới các cơ quan, người dân về các hoạt động nghiêm cấm không được thực hiện, hoạt động có điều kiện tại các phân vùng của khu bảo tồn; giám sát thực hiện.
Bên cạnh đó, các hoạt động điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học hàng năm phân bố và xu thế biến động tài nguyên của khu vực đầm phá trong điều kiện biến đổi khí hậu; lồng ghép quy hoạch khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đầm phá Tam Giang – Cầu Hai hay hoạt động quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và đa dạng sinh học định kỳ theo mùa và hàng năm cũng sẽ được tổ chức thực hiện.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, sẽ giảm thiểu các tác động làm suy giảm chất lượng môi trường sống, ảnh hưởng đến cấu trúc của hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản; tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn, thích ứng với những biến động tự nhiên của đầm phá và biến đổi khí hậu. Đồng thời, bảo tồn, phục hồi được sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, phục hồi và phát triển quần thể của các loài chim hoang dã, quý hiếm và phát triển phân vùng Ô Lâu trở thành "sân chim" tiêu biểu của khu vực và toàn quốc.
Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế) là hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, nằm cách thành phố Huế khoảng 15km, thuộc địa phận bốn huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Nơi đây không chỉ có giá trị cao về tài nguyên, đa dạng sinh học, mà còn có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, có vai trò to lớn về cân bằng tự nhiên ven bờ và phát triển kinh tế xã hội.