Thanh Hóa: Ưu tiên giảm nghèo ở các vùng khó
- Tra cứu phẫu thuật
- 12:33 - 19/06/2015
.
Chiều 18/6, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo Đánh giá tác động tổng thể kinh tế - xã hội của các Chương trình mục tiêu xóa đói và giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2015; quan điểm và định hướng xóa đói giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn tới.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đỗ Kim Chung phát biểu tham luận tại buổi hội thảo
Trong những năm qua, ở Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135 giai đoạn 1 và 2, Chương trình 134, Chương trình 167, Nghị quyết 80 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2012 - 2015; các dự án quốc tế về giảm nghèo….
Từ việc triển khai các chương trình, dự án về giảm nghèo, công tác giảm nghèo ở Thanh Hóa đã có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm 4,93%/ năm. Nhiều hộ đã vượt khó, thoát nghèo bền vững tiến tới xây dựng kinh tế gia đình, địa phương ngày càng vững mạnh.
Tại 7 huyện nghèo phía Tây: Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 23,6% (năm 2013) giảm xuống còn 18,67% (năm 2014), vẫn cao hơn bình quân vùng Tây Bắc (18,22%). Nhiều mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả cao như: mô hình phát triển sinh kế với các nghề trồng rừng, dệt thổ cẩm, nuôi dê, mô hình phân cấp trao quyền; liên kết đối tác giữa doanh nghiệp và nông dân; mô hình xã làm chủ…
Mô hình hỗ trợ trâu, bò sinh sản giúp anh Nguyễn Phan Quyết, xã Bình Lương
huyện Như Xuân thoát nghèo hiệu quả
Để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Thanh Hóa, hội thảo đã đưa ra một số định hướng trọng tâm thảo luận cần nghiên cứu; trong đó, ưu tiên giảm nghèo đối với các vùng “túi nghèo, lõi nghèo"; chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp; quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển đồng bộ các hệ thống cung cấp dịch vụ (đào tạo, khuyến nông, y tế, giáo dục); tiếp tục phát triển hệ thống doanh nghiệp, trang trại để tạo lực kéo cho xóa đói, giảm nghèo; tạo mô hình sinh kế cho giảm nghèo dựa vào nhu cầu và năng lực của người thụ hưởng.
Từ những định hướng trên, hội thảo cũng đã lấy ý kiến đánh giá để bổ sung định hướng xóa đói, giảm nghèo tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới. Toàn bộ các hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển vùng Tây Bắc”.