THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:30

Thanh Hóa: Tuyên truyền vận động lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn

 

Chiều 4/9, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Cục quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước và quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước tổ chức hội nghị tuyên truyền vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định năm 2018.

 

Toàn cảnh hội nghị

Theo số liệu thống kê, từ năm 2010 đến nay, số lao động của Thanh Hoá đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS được 6.753 người, đứng thứ 2 cả nước sau Nghệ An. Những người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đã được tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, chi phí thấp, mức thu nhập cao. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS chuyển chủ vì lý do không chính đáng và không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, ở lại Hàn Quốc làm việc và cư trú bất hợp pháp.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh đứng đầu toàn quốc về tình trạng trên với 1.189 người khiến nhiều địa phương trong tỉnh bị dừng tham gia chương trình. Năm 2018, Thanh Hoá có 5 địa phương gồm: Đông Sơn, Hoằng Hoá, Triệu Sơn, Nga Sơn, TP Thanh Hoá không được tham gia kỳ thi tiếng Hàn đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc ở Hàn Quốc.

 

Thân nhân, người lao động và các địa phương có đông lao động tại Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp tham dự tại hội nghị

 

Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc, làm mất đi nhiều cơ hội cho những người có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc.

 Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến, đề xuất được đại diện lãnh đạo các đơn vị, tổ chức, các địa phương, người lao động và đại diện các gia đình có người lao đông làm việc tại Hàn Quốc đã thảo luận và quan tâm như: Cục quản lý lao động ngoài nước cần cung cấp thêm thông tin về tình hình thị trường lao động, chính sách của Hàn Quốc và Việt Nam liên quan đến người lao động làm việc tại Hàn Quốc cũng như đối với những lao động cư trú bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cần có đề xuất phía Hàn Quốc đưa ra chế tài xử lý nghiêm những doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, xử phạt nặng đối với những lao động bất hợp pháp.

Đối với những lao động về nước đúng thời hạn, cần có những cơ chế, chính sách hợp lý để lao động tìm việc có thu nhập ổn định hoặc những lao động có nhu cầu tiếp tục trở lại lao động…

Thông qua hội nghị, Cục quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước và quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có dịp gặp gỡ người lao động, thân nhân người lao động, thông tin tình hình XKLĐ, chính sách XKLĐ của hai nước Việt – Hàn, trao đổi tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, nguyên nhân lao động bỏ trốn ra ngoài đồng thời tuyên truyền, vận động thân nhân, gia đình cam kết trách nhiệm kêu gọi con em về nước đúng thời hạn, góp phần với cả nước tiếp tục ổn định, giữ vững thị trường Hàn Quốc, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam có cơ hội làm việc tại Hàn Quốc.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh