Thanh Hóa: 13 người chết và mất tích do mưa lũ
- Tây Y
- 13:43 - 02/09/2018
Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến 16h ngày 1/9 mưa lớn cùng với nước lũ từ phía thượng nguồn đổ về đã khiến cho 13 người chết và mất tích.
Lực lượng cảnh sát PCCC tìm thấy thi thể nạn nhân Lê Tiến Hoan tại huyện Cẩm Thủy
Cụ thể, tại huyện Mường Lát có 8 người chết và mất tích; huyện Cẩm Thuỷ 5 người chết và mất tích.
Ngoài ra nhà bị thiệt hại hoàn toàn 208 cái; nhà bị thiệt hại một phần 8 cái; nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất 146 nhà; nhà bị ngập 6.467 nhà. Mưa lũ cùng sạt lở đất đã làm 13 điểm trường bị ngập; 6 điểm trường bị ảnh hưởng của sạt lở đất; 2 nhà bán trú (cho học sinh và giáo viên) bị vùi lấp do sạt lở đất; 30 nhà văn hoá bị ngập; 5 trạm y tế cũng bị ảnh hưởng…
Mưa lũ đã làm 425 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, 1.351 ha lúa bị ngập, 266 ha hoa màu bị hư hỏng. 25.048 con gia cầm bị chết, cuốn trôi...
Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại nặng nề về giao thông cho các huyện miền núi, cầu bị đổ, sập, cuốn trôi 5 cái. Trên các tuyến đường quốc lộ 15C, 16, 217, 15, 217B bị sạt lở, ngập gây ách tắc tại 40 vị trí. Trên các tuyến đường tỉnh 521D, 516B, 518B, 521E, 522, 523, 523B, 523E bị sạt lở, ngập gây ách tắc 18 vị trí. Đường tuần tra biên giới qua địa bàn 2 huyện Quan Sơn, Thường Xuân bị sạt lở nhiều vị trí.
Trường học tại huyện Mường Lát bị sạt lở do mưa lũ
Đặc biệt tuyến giao thông lên huyện Mường Lát bị chia cắt nặng nề, cô lập huyện Mường Lát với các huyện khác. Hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn huyện Mường Lát cũng đã bị cắt đứt hoàn toàn trong 4 ngày nay.
Nhiều cột điện bị gãy đổ, làm đứt dây, một số trạm điện cũng bị hư hỏng do sạt lở đất đã gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày trên địa bàn huyện. Đến đầu giờ chiều ngày 1/9, mọi liên lạc từ bên ngoài với huyện Mường Lát vẫn trong tình trạng bị cắt đứt hoàn toàn.
Nước tràn đê sông Bưởi tại huyện Thạch Thành
Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đến chiều tối 1/9, các huyện miền núi đã chủ động sơ tán 5.026 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn (Quan Hoá 386 hộ, Quan Sơn 18 hộ, Mường Lát 106 hộ, Bá Thước 691 hộ, Cẩm Thuỷ 3.825 hộ).
Các huyện, thành phố có đê (sông Mã, sông Bưởi và sông Lèn) đã chủ động sơ tán 7.288 hộ dân sinh sống ở khu vực bãi sông đến nơi an toàn (Yên Định 1.971 hộ, Vĩnh Lộc 2.258 hộ, Thạch Thành 1.574 hộ, Thiệu Hoá 4 hộ, Hậu Lộc 253 hộ, Hoằng Hoá 220 hộ, thành phố Thanh Hoá 827 hộ, Hà Trung 181 hộ).
UBND các huyện, thành phố có đê tiếp tục chỉ đạo các xã, thôn huy động lực lượng tuần tra canh gác đê theo cấp báo động để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.
Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền, nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra đồng thời chỉ đạo các địa phương nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn đang mất tích...