THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:17

Thanh Hóa: Trẻ em với các vấn đề của trẻ em


Nhiều nhóm vấn đề

64 đại biểu trẻ em suất sắc đến từ các huyện: Như Xuân, Thường Xuân, Như Thanh, Yên Định, Lang Chánh, Quan Sơn, Bá Thước và TP. Thanh Hóa - đại diện cho hơn 900.000 trẻ em trên toàn tỉnh tham dự đã chia thành 4 nhóm, thông qua các tiểu phẩm được dàn dựng công phu, những bức tranh đã phản ánh đa dạng những vấn đề nóng, nhức nhối của xã hội, những vấn nạn liên quan đến quyền về trẻ em nghèo và dân tộc thiểu số.

Toàn cảnh hội nghị.


Một trong những nhóm đại biểu học sinh xuất sắc tham dự tại Diễn đàn trẻ em năm 2019.


Đặc biệt, nhiều vấn đề nóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên quan đến trẻ em thời gian qua cũng được các em quan tâm như: Liên tục xảy ra tình trạng đuối nước ở một số huyện Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc...; tình trạng trẻ em bị chính cha, mẹ đẻ, người thân… bạo hành, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng như ở Triệu Sơn, Nga Sơn, Lang Chánh hay những vấn nạn trẻ em bị xâm hại…

Trong không khí cởi mở, các em được đối thoại trực tiếp với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể đồng thời đưa ra các câu hỏi về giải pháp liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; trẻ em nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phòng, chống đuối nước trẻ em; bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn hiện nay.

Qua đó, các em thiếu nhi cũng đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn chính đáng của mình là được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện, được gia đình, nhà trường và toàn xã hội giúp đỡ để các em có thể phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần; được giáo dục kỹ năng sống trong trường học và ngoài xã hội; được tôn trọng ý kiến và tiếng nói, được tạo cơ hội để có thể tham gia bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình liên quan đến các vấn đề về trẻ em.


Các nhóm học sinh trình bày những thông điệp mang đến Diễn đàn.


Đồng thời, các em cũng gửi tới diễn đàn các thông điệp: “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”, “Phòng chống TNXH vì sự an toàn của trẻ em”, “Tất cả các trẻ em đều được đến trường học”, “Nói không với đuối nước”, “Hãy chung tay để không còn xâm hại tình dục trẻ em”, “Chấm dứt bạo lực khởi đầu yêu thương”, “Hãy cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”…

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền trẻ em

Thông qua cuộc đối thoại, những kiến nghị trực tiếp từ các nhóm đại diện cho trẻ em đã được truyền tải tới đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể. 


Bức tranh truyền thông mang các thông điệp của trẻ em tại Diễn đàn.


Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thời gian vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cùng các sở, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, huy động các nguồn lực để chăm sóc trẻ em đặc biệt là các trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước với trẻ em, nhờ vậy công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em đã đạt nhiều kết quả khích lệ, các em được chăm lo sức khỏe, giáo dục, hoạt động giải trí lành mạnh, tạo nhiều cơ hội cho các em được thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em", ông Hành nói.

Tuy nhiên, ông Hành cho biết: "Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em còn nhiều khó khăn. Số trẻ em sống ở vùng đặc biệt khó khăn, số trẻ em các gia đình nghèo, cận nghèo còn lớn. Cơ sở vật chất, hạ tầng cho trẻ em vui chơi, giải trí nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo nàn, thiếu thốn. Nhiều trường hợp đáng tiếc liên quan đến vấn đề bạo hành, xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em, trẻ em đuối nước… vẫn diễn ra. Một số địa phương công tác quan tâm về chăm sóc trẻ em nói chung và thực hiện quyền trẻ em nói riêng còn hạn chế. Do đó, cần nâng cao truyền thông nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động, phối hợp các chương trình, kế hoạch phối hợp bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tích cực vận động các tổ chức, nhà tài trợ, hảo tâm hỗ trợ nguồn lực hỗ trợ trẻ em, trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển. Tổ chức các hoạt động, diễn đàn, sân chơi để trẻ em được tham gia, được chia sẻ và nói lên tiếng nói về quyền trẻ em…”.


Ban tổ chức trao cờ lưu niệm, hoa, và tặng quà cho các học sinh.


Chia sẻ với các đại biểu là trẻ em tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ghi nhận những ý kiến, nguyện vọng của các em và cam kết sẽ thực hiện mạnh mẽ nhất, trách nhiệm nhất vì quyền lợi chính đáng của các em.

Ông Quyền cũng đề nghị: “Các cấp, ngành trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực thi Luật Trẻ em. Rà soát tất cả các vấn đề liên quan tới Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2019 - 2020; đặc biệt phải chủ động phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua giáo dục tại gia đình, nhà trường và cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, bình đẳng và lành mạnh cho mọi trẻ em. Các ngành, địa phương cần lồng ghép Luật Trẻ em vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện; thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách đã ban hành đối với trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số...”.

Về vấn đề hạn chế tình trạng đuối nước trẻ em, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, tùy điều kiện từng địa phương cụ thể có thể xây dựng đề án, báo cáo UBND tỉnh để tổ chức các chương trình, các lớp dạy bơi cho trẻ em. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với ngành GD&ĐT đề xuất với Bộ GD&ĐT sớm đưa chương trình dạy bơi vào chương trình giáo dục chính khóa trong các nhà trường nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em…

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam đã trao hoa, cờ lưu niệm, tặng quà cho các đoàn và 64 trẻ em tham gia diễn đàn.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh