Thanh Hóa: Nhiều hoạt động chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ trẻ em
- Dược liệu
- 07:18 - 04/12/2023
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thanh Hóa hiện có hơn 1 triệu trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 13.056 trẻ em có HCĐB và 108.515 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB. Năm 2023, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm đẩy mạnh thực hiện, đạt được những kết quả nhất định; các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong năm cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra; các quyền cơ bản của trẻ em được thực hiện ngày càng tốt hơn, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào HCĐB”.
Thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, xử lý 51 vụ xâm hại trẻ em (với 75 đối tượng, 54 nạn nhân bị xâm hại), trong đó có 37 vụ xâm hại tình dục (với 41 đối tượng, 37 nạn nhân bị xâm hại); cơ quan công an các cấp đã điều tra, khởi tố 29 vụ với 30 bị can; đang xác minh làm rõ 08 vụ; 14 vụ xâm hại khác (với 37 đối tượng, 19 nạn nhân bị xâm hại), cơ quan công an các cấp đã khởi tố 9 vụ với 15 bị can, xử lý hành chính 2 vụ với 5 đối tượng, đang xác minh 3 vụ.
Đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bảo vệ trẻ em của tỉnh Thanh Hóa tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội qua số điện thoại 18001744 đã tiếp nhận 592 cuộc gọi đến tổng đài, trong đó có 173 cuộc gọi liên quan đến trẻ em, 98 cuộc gọi liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Qua đường dây nóng đã thực hiện can thiệp 91 ca (36 ca bạo lực thể chất, 46 ca bạo lực tinh thần, 9 ca bạo lực kinh tế), can thiệp trợ giúp thành công cho 7 trẻ em bị bạo lực trên địa bàn.
Theo Sở LĐ&TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhằm chung tay chăm lo, giảm thiểu tổn hại cho trẻ, Sở LĐ&TB&XH tỉnh Thanh Hóa cùng các Sở, ban, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác BVCSTE. Trong đó tập trung vào việc phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông; tăng cường nhận thức của trẻ em, gia đình và cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Tổ chức diễn đàn trẻ em; duy trì, hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em; đầu tư xây dựng các điểm vui chơi - giải trí, bổ sung các trang thiết bị vui chơi - giải trí, dụng cụ thể dục - thể thao phù hợp với các lứa tuổi trẻ em tại cộng đồng. Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ bảo trợ trẻ em; xây dựng công trình trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi - giải trí cho trẻ em; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm, tặng quà cho trẻ em; hỗ trợ, chăm sóc trẻ em bị bạo lực, xâm hại; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em...
“Ở cấp độ phòng ngừa, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cùng các Sở, ngành liên quan và các địa phương đã đẩy mạnh công tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến Luật Trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, phù hợp cho trẻ em. Đến nay qua thống kê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 466/559 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, đạt tỷ lệ là 83,4%.... Ở cấp độ hỗ trợ, đã thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho 664 trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, 2.008 trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng, 7.655 trẻ em khuyết tật nặng, 36 trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, 4.251 trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn…100% gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích được hỗ trợ mai táng, thăm hỏi, động viên; 100% trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được lập hồ sơ theo dõi và chăm sóc bằng các hình thức phù hợp; 100% trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp và có nguy cơ cao bị nhiễm HIV/AIDS được hướng dẫn kỹ năng sống, kết nối dịch vụ trợ giúp phù hợp…Cở cấp độ can thiệp, các trường hợp bị xâm hại đều được hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn kịp thời, phù hợp để giúp trẻ em và gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống...", bà Hương thông tin.
Thực hiện các chương trình, đề án, mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cùng với các địa phương trong tỉnh đã duy trì và triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn với 2 mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em” tại huyện Vĩnh Lộc; 1 mô hình “Tư vấn, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc về phát triển toàn diện trẻ em đến đủ 8 tuổi các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em tại gia đình, cộng đồng” tại huyện Yên Định; 3 mô hình “Thành phố, làng quê an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái” tại TP Sầm Sơn, huyện Thọ Xuân và huyện Thạch Thành...
Triển khai hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Hải đoàn 128 đã nhận đỡ đầu 8 trẻ em là con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ từ 500 nghìn -1 triệu/tháng/em và hỗ trợ đồ dùng học tập, quần áo, giày dép… phục vụ đời sống sinh hoạt, học tập của các em, thời gian hỗ trợ đến khi các em học xong lớp 12; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thanh Hóa triển khai hoạt động nhận đỡ đầu trẻ em có HCĐB, hoàn cảnh khó khăn cho 6 trẻ em tại 3 huyện với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/trẻ em đến khi trẻ đủ 16 tuổi…
“Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy vài trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị trong bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em. Tích cực huy động, vận động nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ thực hiện công tác trẻ em, quyền trẻ em, hỗ trợ trẻ em có HCĐB, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em…”, bà Hương thông tin thêm.