Thanh Hóa: Không để tình trạng học sinh do khó khăn mà không dự thi được
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:08 - 21/03/2017
Theo dự kiến tại Thanh Hóa sẽ tổ chức một Cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa chủ trì dành cho tất cả các thí sinh đăng kí dự thi (ĐKDT) tại địa phương. Dự kiến có khoảng hơn 32.500 thí sinh tham gia dự thi ở 63 điểm thi với gần 1.300 phòng thi.
Sở GD-ĐT Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị trường học thông báo về kỳ thi, lịch thi, đảm bảo quyền được thi cho các đối tượng. Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của kỳ thi, để mọi người biết và góp phần cùng với ngành giáo dục tổ chức kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, an toàn, công bằng, chính xác, đúng quy chế, đánh giá đúng trình độ người học, phản ánh đúng chất lượng dạy và học của trường.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương nơi tổ chức các điểm coi thi tạo mọi điều kiện tốt nhất về chỗ ăn, ở cho học sinh tham dự kì thi. Rà soát nội dung chương trình dạy học theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, tổ chức ôn tập cho học sinh; hướng dẫn để học sinh được cấp Giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước trước khi nộp phiếu đăng kí dự thi...
Các đơn vị đặt địa điểm thi có trách nhiệm bàn bạc với các trường có học sinh dự thi tại địa điểm thi của đơn vị mình về kế hoạch đi lại và bố trí nơi ăn, ở trong những ngày thi cho học sinh, giúp đỡ những học sinh neo đơn, không có phương tiện đi thi; không để xảy ra tình trạng học sinh do khó khăn mà không dự thi được.
Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lệ của hồ sơ dự thi của thí sinh thuộc đơn vị mình. Quản lý hồ sơ ĐKDT của thí sinh. Tiếp nhận đơn, lập danh sách xin phúc khảo bài thi và chuyển đến Sở GD-ĐT. Trả giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh nộp phiếu ĐKDT tại trường, thông báo kết quả công nhận tốt nghiệp THPT; cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; phát bằng tốt nghiệp THPT cho thí sinh...
Lãnh đạo các nhà trường tổ chức cho học sinh học tập và nắm vững quy chế thi. Cho học sinh viết cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo đúng các quy định của quy chế; hướng dẫn cho học sinh viết đầy đủ và chính xác các thông tin trong phiếu ĐKDT; chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ dự thi.
Các nhà trường có trách nhiệm phát hành hồ sơ ĐKDT và tiếp nhận hồ sơ ĐKDT cho các thí sinh đang học tại trường, các thí sinh tự do trên địa bàn. Chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh điền vào hồ sơ ĐKDT đầy đủ và đúng các thông tin, đặc biệt là các thông tin về chế độ ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ.
Rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT để đảm bảo độ chính xác của các thông tin thí sinh điền vào phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp; đặc biệt là chế độ ưu tiên để được cộng điểm khuyến khích và điểm ưu tiên. Có những biện pháp tích cực giúp thí sinh có đủ các loại giấy chứng nhận để được hưởng cộng điểm khuyến khích và điểm ưu tiên (nếu có); tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ ĐKDT không hợp lệ.
Về ĐKDT, thí sinh đã học hết chương trình THPT, GDTX trong năm học 2016-2017 đăng ký mua và nộp hồ sơ ĐKDT tại trường, Trung tâm GDTX nơi học lớp 12, không được đăng ký dự thi ở các cơ sở giáo dục khác.
Đối với thí sinh tự do (đã học hết chương trình THPT, GDTX trong những năm học 2015-2016 trở về trước, nhưng chưa đậu tốt nghiệp THPT) và thí sinh tự do đã có bằng tốt nghiệp THPT có nguyện vọng ĐKDT để xét tuyển vào ĐH-CĐ thì đăng kí mua và nộp hồ sơ ĐKDT tại trường số 1 của huyện căn cứ theo hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú. Riêng các thí sinh tự do có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại thành phố Thanh Hóa thì đăng kí mua và nộp hồ sơ ĐKDT tại các trường THPT Hàm Rồng và THPT Đào Duy Từ. Thí sinh nộp ĐKDT chậm nhất đến ngày 20/4/2017.