Thanh Hóa: Khởi tố vụ án đưa người đi XKLĐ “chui” chiếm đoạt nhiều tỷ đồng
- Pháp luật
- 18:03 - 11/04/2020
Diễn biến vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày 1/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa có văn bản 965/VPCQCSĐT gửi cho chị Phạm Thị Hằng với nội dung: Căn cứ quy định của pháp luật, ngày 26/3/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức nhận tiền lo thủ tục cho công dân Việt Nam đi XKLĐ tại Cộng hòa liên bang Đức để tiến hành điều tra, giải quyết theo quy dịnh của pháp luật.
Như báo Dân sinh đã phản ánh nhiều bài liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng. Theo đó, tháng 4/2017, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, chị Phạm Thị Hằng (SN 1990), trú tại Khu 6, phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa đã tình cờ quen biết với Phạm Thị Hương (SN 1988), trú tại xã Vạn Thiện, Nông Cống, Thanh Hóa.
Từ mối quan hệ quen biết này, Hương tự giới thiệu có bố là Phạm Thanh Bảo sở hữu nhà hàng lớn bên Công hòa liên bang Đức và nhà hàng của bố Hương đang cần người phục vụ với mức lương 60 triệu/tháng. Chị Hằng nghĩ đây là cơ hội tốt để giúp người quen ra nước ngoài lao động nên đã nhận lời giúp Hương. Tất cả hồ sơ, thủ tục được Hương giao cho Phạm Quang Hạnh (SN 1983), quê Hải Phòng là bạn Hương giải quyết và hứa nếu đóng tiền sớm sẽ xuất cảnh sang Đức ngày 20/2/2020. Sau đó Hương, Hạnh thu tiền và hồ sơ của 37 người, mỗi người phải nộp cho 2 đối tượng này từ 185 đến 243 triệu đồng, với tổng số tiền mà Hương và Hạnh đã nhận là 7,031 tỷ đồng.
Sau khi có tiền, các đối tượng bắt đầu sử dụng chiêu "câu giờ" với hàng tá lý do, nào là thủ tục cấp visa chậm, chạy bằng B2 tiếng Đức khó khăn nên cứ lùi ngày bay từ 25/2/2019 tới 25/5/2019 và 02/6/2019 vẫn không có kết quả.
Sau nhiều lần thất hẹn trong sự mòn mỏi của 37 lao động, đối tượng Hương đã lộ rõ bản chất lừa đảo. Cụ thể, ngày 17/05/2019 Hương thuê người đóng giả là người thân của mình hẹn các lao động gặp nhau tại Khách sạn Kim Liên (Hà Nội) để đưa hồ sơ và tiền chính sách (số tiền người lao động được quyền vay sang Đức). Khi gặp nhau, thấy sự việc đáng ngờ nên chị Hằng báo cho cơ quan chức năng. Công an phường Phương Mai (Hà Nội) đã đến lập biên bản vụ việc.
Biết chuyện bại lộ, số tiền đã thu khó nuốt trôi, ngày 22/5/2019, Hương hẹn gặp 37 lao động tại thị xã Bỉm Sơn để xin lỗi và hoàn trả lại số tiền. Cùng đi với Hương có Nguyễn Hữu Long (SN 1985) là chồng Hương. Tại đây, Hương giải thích việc chậm đi Đức không hợp lý nên 37 lao động đã yêu cầu Hương và Long lên Công an thị xã Bỉm Sơn để giải quyết.
Những nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền nhiều tỷ đồng đang "mòn mỏi" chờ đợi cơ quan chức năng làm rõ.
Tại cơ quan Công an, vợ chồng Hương cam kết sẽ trả lại tiền cho mọi người. Do chưa xoay được tiền nên vợ chồng để lại 3 sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và hứa 28/5/2019 sẽ trả đủ. Đến hẹn, 2 vợ chồng Hương chỉ trả được 2 tỷ, còn lại hơn 5 tỷ đồng hứa đến 12/6, thất hẹn tới 19/6 và 27/6… Đến ngày 02/07/2019 Long hẹn mọi người gặp nhau để trả tiền. Khi làm việc Long nói chưa xoay được tiền và người đàn ông lạ mặt đi cùng (giới thiệu là anh họ) cố tình gây sự, to tiếng, thách thức. Đồng thời gọi thêm 8 đối tượng ngồi trên xe ô tô bán tải đậu sẵn trước nhà vào uy hiếp mọi người rồi mới lên xe bỏ đi. Từ đó, 37 lao động không thể liên hệ được với Long và Hương.
Khởi tố vụ án Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức
Một tình tiết quan trọng liên quan đến vụ án nhận đưa người đi XKLĐ "chui" để chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa làm rõ. Đó là, trong 3 sổ đỏ mà vợ chồng Phạm Thị Hương và Nguyễn Hữu Long để lại làm tài sản thế chấp, thì có 2 sổ đỏ là sổ giả.
Cụ thể, ngày 9/12/2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 4548/CSĐT-PC01 thông báo kết luận giám định: "Hình dấu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội" trong Giấy chứng nhận QSDĐ số CA 666023 được làm bằng phương pháp in màu; Chữ ký đứng tên Nguyễn Hữu Nghĩa không phải là chữ ký của ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Hình dấu UBND thành phố Thanh Hóa trong Giấy chứng nhận QSDĐ số CL722372 được làm bằng phương pháp in màu; Chữ ký đứng tên Lê Văn Tú không phải là chữ ký của ông Lê Văn Tú - Phó Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa".
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa giám định sổ đỏ Hương thế chấp trả nợ là sổ giả; Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; Sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”; Quyết định Khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Long về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”
Căn cứ kết quả xác minh 2 sổ đỏ là giả, ngày 17/1/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; Sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức"; Quyết định Khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Long (SN 1985), trú tại Tiểu khu Thái Hòa, thị trấn Nông Cống (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" quy định tại Khoản 1, Điều 341 Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV báo Dân sinh, chị Phạm Thị Hằng cho biết: "Sau khi bị đối tượng Hương và Long lừa, chiếm đoạt tiền của tôi và những người lao động, cuộc khiến của gia đình tôi đã tan nát, chồng không chịu nổi sự việc nên cũng bỏ, giờ tôi trắng tay hết rồi. Mong Cơ quan cảnh sát điều tra sớm khởi tố bị can để bắt đối tượng Phạm Thị Hương, trả lại tài sản cho chúng tôi. Kéo dài mãi thế này chắc tôi chết mất!"
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Hành vi của Phạm Thị Hương có dấu hiệu phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự. Vì trước khi Hương lấy tiền của các nạn nhân đã giả dối giới thiệu có khả năng đưa được các nạn nhân sang nước Đức để lao động, để các nạn nhân tin tưởng đưa tiền cho Hương. Sau khi bị hại tố cáo, Hương tiếp tục dùng sổ đỏ giả để lừa các nạn nhân là mình có khả năng trả lại tiền, chứng tỏ người này tiếp tục lừa dối các nạn nhận.