THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 03:45

Thanh Hoá: “Đi cùng và đi trước” trong giảm nghèo bền vững

  “Đi cùng và đi trước” trong giảm nghèo bền vững

Triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, Thanh Hoá là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước với quan điểm “đi cùng và đi trước”. Theo đó, tỉnh Thanh Hoá đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới (NTM)… góp phần tạo thành bước đột phá trong giảm nghèo hướng tới triển khai thuận lợi các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp sẽ là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa thoát nghèo.

Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp sẽ là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa thoát nghèo.

Từ năm 2022, nhiều văn bản quy định, hướng dẫn và kế hoạch nguồn vốn thực hiện Chương trình của Trung ương ban hành. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh tập trung cho chuẩn bị, đồng thời khẩn trương, sớm triển khai những nội dung đã có đủ căn cứ, điều kiện tiến hành; tập trung xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn ngân sách thực hiện Chương trình; hoàn chỉnh việc xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và từng năm cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cho rằng: “Để đạt được những mục tiêu đặt ra, các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các địa phương cần thực sự tích cực, chủ động, nghiên cứu kỹ 3 chương trình MTQG, khẩn trương xác định nhiệm vụ thực hiện. Trên cần kịp thời, dưới phải chủ động khi thực hiện các chương trình MTQG. Đi cùng và đi trước, không thể chờ đợi nguồn vốn, kế hoạch cụ thể từ cấp trên nữa. Triển khai các nội dung liên quan đến 3 chương trình này cần xác định rõ nguồn lực, địa bàn, phạm vi, đối tượng để rà soát, đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả thực chất".

“Giai đoạn 2021 - 2025, Thanh Hoá triển khai 3 chương trình MTQG: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là 1.640.539 triệu đồng. Trong đó, Trung ương đã giao 945.033 triệu đồng (năm 2022 là 486.183 triệu đồng, năm 2023 là 458.850 triệu đồng). Trong tổng vốn Trung ương giao, có 1.249.507 triệu đồng hỗ trợ 06 huyện nghèo (để thực hiện 59 dự án: 28 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020; 31 dự án khởi công mới giai đoạn 2021 - 2025); 202.000 triệu đồng hỗ trợ 02 huyện Thường Xuân và Bá Thước thoát nghèo (để thực hiện 07 dự án); 57.500 triệu đồng hỗ trợ Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn; 41.410 triệu đồng hỗ trợ Trường Trung cấp nghề Nga Sơn; 29.622 triệu đồng hỗ trợ Trung tâm DVVL; 60.000 triệu đồng hỗ trợ 03 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, xã đảo thuộc huyện Hậu Lộc và thị xã Nghi Sơn” – ông Đầu Thanh Tùng thông tin thêm.

Phụ nữ dân tộc Thái  xã Yên Thắng (huyện Lang Chánh - Thanh Hoá) trong mùa gặt

Phụ nữ dân tộc Thái xã Yên Thắng (huyện Lang Chánh - Thanh Hoá) trong mùa gặt

Được biết, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định phân bổ 100% kế hoạch vốn cho các đơn vị, địa phương; Chủ tịch UBND tỉnh đã giao vốn chi tiết cho các huyện, các dự án là 915.142 triệu đồng, đạt 96,84%; còn lại 29.891 triệu đồng chưa giao do chưa phê duyệt được dự án. Tổng kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2023 là 685.135 triệu đồng. Trong đó, năm 2021 là 37.455 triệu đồng; năm 2022 là 132.965 triệu đồng; năm 2023 là 514.715 triệu đồng. HĐND, UBND tỉnh đã giao 100% kinh phí sự nghiệp Trung ương phân bổ cho các đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện. 

Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hoá đã đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin… Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo khác như: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ về y tế, vay vốn tín dụng ưu đãi, nhà ở, giáo dục…  Nhờ định hướng đúng đắn này, năm 2022, Thanh Hoá đã giảm 17.791 hộ nghèo (từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,79%; từ 6,77% xuống còn 4,99% (áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025). Ước năm 2023, giảm còn 3,49% vượt mục tiêu do Trung ương, tỉnh đề ra.  

Có thể thấy rằng, việc chủ động “đi cùng và đi trước” trong giảm nghèo bền vững ở tỉnh Thanh Hoá đã tạo thành phong trào thi đua nòng cốt trong thực hiện các chương trình MTQG và là nhân tố cơ bản quyết định đến chất lượng và hiệu quả bền vững của các chương trình MTQG, đặc biệt là chương trình MTQG giảm nghèo.

Giảm nghèo bao trùm, trọng tâm ưu tiên vùng “lõi nghèo".

Thực hiện các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình GNBV vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hoá đã cụ thể hóa công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực, giúp đồng bào sống ở các khu vực “lõi nghèo” có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Thời gian qua, Thanh Hoá luôn được đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình GNBV.

Theo đó, để giúp người dân ở khu vực “lõi nghèo” thoát nghèo, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung triển khai đồng bộ Chương trình MTQG GNBV qua các giai đoạn, có nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ người dân giảm nghèo một cách hiệu quả. Để giải quyết các vấn đề của vùng “lõi nghèo” này, tỉnh Thanh Hoá đã xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp sẽ là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa thoát nghèo. Cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh Thanh Hoá đã triển khai thực hiện các danh mục dự án đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Phát triển trang trại chăn nuôi ở miền núi tăng thu nhập, GQVL thoát nghèo bền vững

Phát triển trang trại chăn nuôi ở miền núi tăng thu nhập, GQVL thoát nghèo bền vững

Cho đến nay, 100% huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, gồm 06 huyện nghèo, 02 xã bãi ngang ven biển và hải đảo.100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Các mục tiêu về tiếp cận giáo dục, nhà ở, thông tin và tín dụng chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, các huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất từng vùng, từng xã, từng thôn bản và từng gia đình theo hướng đa canh, mở rộng nhiều ngành nghề để phát huy thế mạnh của từng vùng, gắn việc giải quyết lương thực tại chỗ với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi theo mô hình nông, lâm kết hợp, sắp xếp lại dân cư hợp lý, vừa thuận tiện sản xuất, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân nói chung và người nghèo nói riêng từng bước được cải thiện, cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và các huyện nghèo, xã, bản đặc biệt khó khăn giảm nhanh, chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, giữ vững an ninh, quốc phòng. Người nghèo, hộ nghèo ngày càng có ý thức tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo; biết học hỏi cách làm ăn, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.Kế thừa những kết quả từ giai đoạn trước, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.

Theo đó, Chương trình triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo DTTS, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững. Nhờ công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, đa dạng nhiều hình thức nên đã có tác dụng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của các chương trình, chính sách giảm nghèo.Thanh Hoá luôn xác định, công tác tuyên truyền phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của Chương trình, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, đặc biệt nêu cao ý thức trách nhiệm của bản thân người nghèo, hộ nghèo đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, chăm chỉ làm việc vươn lên thoát nghèo bền vững.  

  

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh