Thanh Hoá: Công nhân nỗ lực tăng ca dịp Tết kiếm thêm thu nhập
- Bài thuốc hay
- 18:18 - 01/01/2019
Công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam nỗ lực tang ca dịp tết (Ảnh Hoàng Minh)
Mong tăng ca để có thêm tiền sắm tết
Chúng tôi có mặt tại Khu công nghiệp Lễ Môn (TP.Thanh Hoá) vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, hàng ngàn công nhân (CN) vẫn đang tấp nập vào ca. Chị Nguyễn Thị Loan, CN tại Công ty TNHH Giầy SunJade Việt Nam tâm sự: “Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết là CN chúng tôi lại đua nhau tăng ca để có thêm thu nhập lo tết, lo cho gia đình. Tuy nhiên, để được tăng ca CN phải viết đơn xin tăng ca rồi gửi lên để công ty duyệt, chứ không phải ai thích tăng ca đều được”. Chị Nguyễn Thị Ái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giầy SunJade Việt Nam cho hay: “Công ty hiện có 9.300 CN, lao động. Sản phẩm giầy của công ty được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu… nên quy trình sản xuất được quản lý rất nghiêm ngặt. Chính vì vậy, nên việc tăng ca cũng phải được xem xét đến sức khoẻ của từng CN và phù hợp với luật lao động Việt Nam. Hiện nay tính cả tăng ca, mỗi CN của công ty có thu nhập khoảng trên 7,5 triệu đồng/tháng”. Trung bình mỗi ngày tăng ca, CN sẽ được nhận thêm từ 150 - 200% lương và ngày tết CN còn được công đoàn công ty tặng quà. Đặc biệt, mọi chế độ chính sách theo quy định của pháp luật về luật lao động như: lương, thưởng, bảo hiểm, các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi, nhất là đối với lao động nữ được DN nghiêm chỉnh thực hiện. Từ đó, giúp CN yên tâm, tin tưởng và nỗ lực làm việc – chị Ái cho biết thêm.
Còn CN Lê Thị Mai cho biết, sau khi có đơn xin được tăng ca, nếu được công ty chấp nhận, mỗi CN sẽ được tăng ca không quá 1,5 giờ/ngày, với tiền công khoảng gần 50 ngàn đồng. Tại Công ty TNHH Sakurai Việt Nam – chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, CN Hồ Thị Oanh cho hay: “Vào dịp cuối năm, công ty thường có các đơn hàng lớn, việc tăng ca đã giúp cho CN chúng tôi có thêm thu nhập để chi tiêu cá nhân, giúp đỡ gia đình dịp tết. Dịp tết này, cả lương và tăng ca, tôi có thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng”.
Bà Nguyễn Thị Ái Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giầy SunJade Việt Nam cùng công nhân tăng ca dịp tết trao đổi với PV.
Theo tìm hiểu của PV, do thu nhập không cao, thưởng tết lại ít nên các CN phải cố gắng tăng ca để có thêm tiền chi tiêu, mua sắm chuẩn bị đón tết. Công nhân cuối năm thưởng tết thường không cao, trong khi giá cả thị trường lại tăng vùn vụt nên họ phải cố gắng làm thêm giờ để có thêm thu nhập.
Nói chuyện với chúng tôi trên đường về phòng trọ sau giờ tăng ca, CN Nguyễn Thị Thắm làm việc tại Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cho biết: “Vào thời điểm cận tết, CN rất muốn công ty cho tăng ca để có thêm thu nhập. Nếu không cố gắng thì năm nay tôi sẽ không có tiền về quê ăn tết. Vì vậy, mệt mấy cũng phải làm”. Cũng theo chị Thắm, dịp cận kề tết không phải riêng chị, mà hầu như tất cả CN đều “đua nhau” sẵn sàng tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cho gia đình đón tết đủ đầy hơn năm trước.
Công nhân Công ty TNHH Giầy SunJade Việt Nam nỗ lực tăng ca dịp tết.
Theo chân chị Thắm tới khu phòng trọ tại xã Quảng Thành (TP.Thanh Hoá), nơi tập trung rất đông CN đang làm việc cho các công ty đóng tại Khu công nghiệp Lễ Môn, mặc dù vào ngày chủ nhật, nhưng nơi đây bỗng trở nên vắng vẻ lạ thường. Thấy sự ngạc nhiên của PV trước dãy phòng trọ khoá cửa yêm lìm, chị Thắm đỡ lời: “Cuối năm, với nhiều người là thời điểm để tranh thủ mua sắm, vui chơi, nhưng với giới CN chúng tôi thì đây chính là thời điểm vào “mùa làm ăn”. Tranh thủ những ngày cận tết, họ đăng ký tăng ca, làm thêm giờ, còn người không được tăng ca thì lại góp vốn buôn bán, kinh doanh… để có thêm tiền về thăm quê lo cho gia đình”.
… Tự tăng ca kiếm thêm thu nhập
Theo ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Việc tăng ca không phải diễn ra ở các doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, mà tăng ca diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, việc tăng ca phải thực hiện dựa trên quy định của luật lao động như thời gian tăng ca, mức thù lao tăng ca, dưới sự giám sát chặt chẽ của tổ chức công đoàn. Theo báo cáo từ các công đoàn cơ sở, năm nay có xu hướng tăng ca mạnh vào dịp gần Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, việc tăng ca chủ yếu ở các công ty liên doanh, DN có vốn đầu tư nước nước, còn các DN có vốn đầu tư trong nước thường ít việc, nên CN không có cơ hội tăng ca kiếm thêm thu nhập”. Cũng theo ông Tẫn, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có khoảng trên 100 ngàn CN, lao động đang làm việc tại các công ty, DN trong các khu công nghiệp. Đa phần các DN thực hiện tốt luật lao động, trong đó có nội dung tăng ca.
Hầu hết công nhân mong muốn được tăng ca dịp tết để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình đón tết đủ đầy hơn
Theo tìm hiểu của PV, ở các công ty liên doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài thường có nhiều đơn hàng dịp cuối năm, nên đa phần các CN làm việc tại đây được tăng ca, có thêm thu nhập trong dịp tết. Còn các DN có vốn đầu tư trong nước đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vào dịp cuối năm thường ít việc, nên CN không có cơ hội tăng ca. Chính vì thế nhiều CN đã tự tăng ca thông qua việc kinh doanh, buôn bán kiếm thêm thu nhập dịp tết như: Buôn bán quần áo; túi xách nữ, vali; bán đồ ăn… Chị Quách Thị Tân là CN một công ty sản xuất gạch trên địa bàn TP.Thanh Hoá tâm sự, cuối năm công ty ít việc, để có thêm thu nhập chi tiêu dịp tết, chị đã chung vốn với một CN, lấy hàng quần áo rẻ, túi xách nữ tại một đầu mối quen ngoài Hà Nội, bán vào buổi tối cho CN ở Khu công nghiệp Lễ Môn.
Cứ hết giờ làm việc ban ngày, hai chị lại về phòng trọ chở quần áo ra vỉa hè để bán cho CN, người lao động. Một phần giá quần áo cũng rẻ, phần vì CN không có thời gian nên các chị cũng bán thu lời kha khá. Chị Tân bộc bạch: “Năm nay, công ty làm ăn khó khăn, thưởng tết cũng ít hơn năm ngoái. Để có thêm tiền về quê tiêu tết, đỡ đần cho bố mẹ, bọn em đã quyết định chung vốn buôn bán kiếm thêm thu nhập. Vất vả chút nhưng bù lại có cái tết sum vầy, đủ đầy. Nhưng cũng rủi ro lắm, vì bán ở vỉa hè, không đúng nơi quy định nên có hôm bị lực lượng chức năng “hốt” mất sạch anh ạ”.
Đi dọc các tuyến đường quanh Khu công nghiệp Lễ Môn, chúng tôi bắt gặp không ít “cửa hàng” mọc lên. Gọi “cửa hàng” cho sang mồm, chứ họ chỉ trải tấm bạt ni lông rồi bày vài kiểu mặt hàng làm mẫu, còn lại là để trong bao tải để khi có lực lượng công an chạy cho kịp. Chỗ thì bán quần áo; nơi thì túi xách, vali; chỗ thì giầy, dép; rồi đồ ăn nhẹ như: ngô luộc, khoai nướng … tất cả các chủ “cửa hàng” này đều là những CN, họ đang gồng minh tăng ca với mong muốn kiếm thêm thu nhập dịp tết.
Có thể thấy, với đồng lương ít ỏi, dịp tết CN mong được tăng ca để có tiền trang trải các khoản chi tiêu, làm lộ phí về quê. Vì cuộc sống mưu sinh đã giúp những CN, người lao động có thêm động lực để vượt lên trên những nhọc nhằn, vất vả. Họ đã nỗ lực hết mình để tăng ca, lao động sản xuất, kể cả tham gia buôn bán, kinh doanh với mong muốn kiếm thêm thu nhập để gia đình được đón năm mới sung túc, đủ đầy.