THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:57

Nhiều giải pháp để doanh nghiệp, người lao động cùng “vượt khó” thời Covid – 19

Nhiều giải pháp để doanh nghiệp, người lao động cùng “vượt khó” thời Covid – 19 - Ảnh 1.

Tìm giải pháp để doanh nghiệp và người lao động "vượt khó" thời Covid - 19

Báo điện tử VOV đưa tin, ngày 1/3, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, để duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp, đơn vị này đã gửi báo cáo trình Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch covid-19, nhất là việc trả lương cho người lao động thời gian nghỉ chờ việc do không có nguyên vật liệu sản xuất.

Được biết, tình hình sản xuất trong Quý I/2020 của các doanh nghiệp ở Bình Dương vẫn ổn định do nguồn nguyên vật liệu dự phòng vẫn đáp ứng kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, sang Quý II, doanh nghiệp có nguy cơ phải giảm số lao động, thu hẹp sản xuất nếu việc nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc tiếp tục bị gián đoạn.

Vì vậy, về chi trả lương, doanh nghiệp và người lao động sẽ thực hiện việc thỏa thuận về mức tiền lương trong thời gian ngừng việc (mức chi trả sẽ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại khoản 3 điều 98 Bộ Luật lao động); hoặc doanh nghiệp và người lao động sẽ thực hiện việc thỏa thuận làm việc 50% thời gian theo hợp đồng và hưởng 50% mức tiền lương.

Đồng thời, kiến nghị doanh nghiệp và người lao động được tạm thời miễn đóng các khoản chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn, nhưng vẫn được tính là thời gian tham gia để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Tại Hà Nội, theo báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Xuân Dần, Phó Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, để ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao khi phải tạm dừng tiếp nhận lao động đến từ các nước có dịch Covid-19,  Sở đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ở thời điểm này đồng thời. Sở tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm lực lượng lao động thay thế tạm thời.

"Nhìn chung, đến thời điểm này, lực lượng lao động tại các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài chưa có nhiều biến động; đại đa số doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh"- ông Nguyễn Hồng Dân khẳng định.

Thông tin trên Báo Người Lao động, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tâm lý của người lao động. Trong hoàn cảnh đó, các cấp công đoàn càng phải nâng cao vai trò của mình trong công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch; tăng cường quản lý đoàn viên, người lao động, nhất là người lao động đến từ vùng có dịch bệnh; đồng thời phối hợp với doanh nghiệp trang bị đầy đủ phương tiện y tế, trang bị bảo hộ lao động và chú trọng chất lượng bữa ăn giữa ca để tăng cường sức khỏe, giúp người lao động phòng tránh dịch bệnh, an tâm làm việc. Điều đó cũng thể hiện tinh thần cộng đồng trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Về các giải pháp ổn định sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng góp phần hạn chế mức ảnh hưởng thấp nhất do dịch Covid -19 gây ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị, các cấp, các ngành cần phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chặt chẽ, nhất là các giải pháp cần linh hoạt hơn. Trong đó, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư... Cùng với đó, xem xét các giải pháp về tín dụng, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay; đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhằm tiến đến xuất khẩu bền vững; xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề, hàng nông sản, dệt may, công nghiệp hỗ trợ.

CT (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh