Thanh Hóa: Cầu "huyết mạch" nối người dân vùng lũ Sa Ná đã được thi công xong
- Dược liệu
- 17:27 - 07/08/2019
Những ngày qua, để khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, các cấp chính quyền từ tỉnh xuống huyện, xã đã huy động các nguồn lực, dồn sức khắc phục hậu quả, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban ngành, cùng hàng trăm chiến sĩ quân đội, công an tỉnh; lực lượng quân đội Quân khu 4 đã bằng mọi cách để tiếp cận với người dân bị cô lập do mưa lũ tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, Quan Sơn và huyện Mường Lát.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền, Công an tỉnh chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Ảnh Quách Tuấn)
Tại đây, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương đã kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ lương thực, nước uống, giúp người dân dựng lại nhà cửa. Để kịp thời ứng cứu nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ, tỉnh Thanh Hóa đã cấp hỗ trợ 2.860 thùng mì tôm, 39 thùng lương khô, 519 thùng nước uống. Bộ Tư lệnh Quân khu IV hỗ trợ 200 triệu đồng tiền mặt, 1.000 kg lương khô, 1.345 thùng mì tôm; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 5 tấn gạo; ngoài ra, còn nhiều đoàn doanh nghiệp, cá nhân cũng chung tay giúp đỡ người dân vùng lũ. Ngoài ra, hàng trăm tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân cũng đã đến dốn lũ bản Sa Ná để hỗ trợ, giúp đỡ họ vực dậy trong nỗi đau tận cùng do mưa lũ gây ra.
Ông Phạm Quang Huy, Chánh văn phòng UBND huyện Quan Sơn cho biết: "Cầu nhẹ có trọng tải 1,5 tấn, bắc qua sông Luồng vào bản Sa Ná do Lữ đoàn Công binh 414 thuộc Quân khu 4 đã thi công xong trước 8h sáng nay. Đây là nỗ lực rất lớn các các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa trong việc khắc phục hậu quả do mư lũ gây ra. Cầu thông, sẽ là yếu tố quan trọng giúp việc tiếp cận bản Sa Ná được thuận lợi hơn, lực lượng chức năng sẽ giúp người dân sớm dựng lại nhà cửa bị ảnh hưởng do lũ.
Sông Luồng nối vào bản Sa Ná đã được Lữ đoàn Công binh 414 thuộc Quân khu 4 đã thi công xong trước 8h sáng nay
Tại tuyến đường huyết mạch 15C từ Quan Hóa lên Mường Lát hiện đang được lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa nỗ lực thi công để sớm thông tuyến. Ông Nguyễn Văn Khiên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tuyến đường 15C là tuyến đường bộ duy nhất từ huyện Quan Hóa đến Mường Lát, mưa lũ đã gây sạt lở khoảng trên 100 điểm. Hiện hơn 20 máy múc, máy ủi cùng 50 cán bộ công nhân viên đang nỗ lực để khắc phục thông tuyến đường. Dự kiến hết ngày hôm nay, tuyết đường 15C sẽ được thông tuyến hoàn toàn".
Theo số liệu (chiều ngày 6/8) của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, bão số 3 đã làm 5 người chết (huyện Mường Lát 2 người; huyện Quan Sơn 3 người); mất tích 10 người (huyện Mường Lát 1 người, huyện Quan Sơn 9 người); bị thương 5 người trên địa bàn huyện Quan Sơn.
Có 76 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 66 nhà bị thiệt hại rất nặng, 312 nhà bị thiệt hại một phần, 1.242 nhà bị ngập, phải di dời khẩn cấp 59 hộ. 14 điểm trường bị ảnh hưởng, 1 trạm y tế xã bị ngập; 2 nhà văn hóa thôn/bản bị sập hoàn toàn và bị sạt lở gây hư hỏng 3 nhà. 136,1 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, 930,62 ha lúa bị ngập…
Mưa lớn đã làm sạt lở ta luy dương, sa bồi với khối lượng khoảng 168.000m3 tại hơn 340 vị trí, gây tắc 97 vị trí trên các tuyến Quốc lộ 15C, 16, 217, 47 thuộc địa bàn 4 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân. Nhiều tuyến đường tỉnh trên địa bàn các huyện miền núi cũng bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Ngoài 2 huyện Mường Lát, Quan Sơn bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản, mưa lũ từ bão số 3 còn gây thiệt hại nặng nề về tài sản tại các huyện: Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, thành phố Thanh Hóa. Cụ thể, Tính đến 9h ngày 6/8/2019, huyện miền núi Cẩm Thủy có 629 hộ, 2 trường học; 1 trạm y tế; 2 trụ sở UBND xã bị ngập lụt, tập trung nhiều nhất tại xã Cẩm Phong, Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Lương và Cẩm Sơn.
Nước lũ dâng cao làm ngập nhà dân, trường học, đường giao thông tại huyện miền núi Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Về thiệt hại nông nghiệp lâm nghiệp, thuỷ sản, toàn huyện có hơn 49 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản và trên 1.200 ha cây trồng bị ngập úng. Có 3 trạm biến áp bị ngập tại Cẩm Lương, Cẩm Thành, Cẩm Phong, 2 cột điện 110 KVA tại Cẩm Bình, Cẩm Giang bị đổ nghiêng, 28 trạm bơm tưới bị ngập, 270m kênh mương bị vùi lấp, 2 đập bị vỡ, nhiều tuyền đường giao thông bị cô lập gây cản trở trong đời sống và sinh hoạt của người dân.
Tại huyện Cẩm Thủy, mưa lớn và xả lũ trên thượng nguồn làm mực nước sông Mã, sông Bưởi dâng cao đã gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, 20 con lợn, 350 con gà, 401,7 ha diện tích cây trồng bị ngập nước, 13 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản ngập. Do nước ngập vào nhà dân, huyện Vĩnh Lộc đã tổ chức sơ tán 307 hộ (xã Vĩnh Yên 240 hộ, Vĩnh Quang 62 hộ, Vĩnh Hưng 5 hộ) và 5 trang trại, gia trại đến nơi an toàn.
Tại TP. Thanh Hóa, nước lũ dồn về sông Mã dâng cao đã làm 80m bờ kè đê hữu sông Mã từ K39+550 đến K39+63 đoạn qua phường Hàm Rồng và nhiều điểm đê kè tại xã Thiệu Khánh bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng.
Như vậy, với những nỗ lực, dồn sức của các cấp chính quyền và các lực lượng quân đội, công an, lực lượng quân dội Quân khu 4, mong rằng người dân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra tại huyện Quan Sơn và Mường Lát sẽ sớm ổn định cuộc sống.