CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:34

Thanh Hoá: Bảo tồn điệu hát xường giao duyên của người Mường

Xường là điệu hát dân ca tiêu biểu của người Mường, góp phần làm cho tiếng Mường trở nên trong sáng, đời sống tinh thần của người dân trở nên phong phú hơn. Mọi cung bậc cảm xúc của con người, nhất là tình cảm trai gái được Xường thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc.

Hát Xường có hai loại chính là Xường tự do và Xường bậc. Được tự do sáng tác và hát từ những lời ca có sẵn – Xường tự do thường được lưu truyền trong cộng đồng từ đời này sang đời khác. Trong khi đó, Xường bậc là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ, dùng để trai gái tỏ tình, làm quen với nhau. Xường có nhiều loại: Xường chúc, Xường kể, nhưng phổ biến nhất vẫn là điệu hát Xường giao duyên – điệu hát mát tay kết duyên cho không biết bao nhiêu trai gái bản nên duyên vợ chồng.

Nguồn gốc của “Xường” được các già làng truyền lại rằng: Xưa có mụ Dạ Dần (nữ thần sáng tạo) gánh xường đi qua miền đất xứ Thanh. Không ai biết mụ sẽ trao xường ở đâu và cho ai. Bỗng nhiên gánh xường đứt quai, một sọt rơi xuống mường Ai, còn đầu kia rơi xuống mường Ống, gánh xường còn rơi vãi khắp nơi, dân mường Ống, mường Ai bèn rủ nhau ra nhặt. Vì vậy mà xường mường Ống và mường Ai được cho đó là xường gốc.  

Xường là điệu hát dân ca tiêu biểu của người Mường

Xường là điệu hát dân ca tiêu biểu của người Mường

Bởi vậy, người Mường Thanh Hoá từ bao đời nay rất trân trọng và tự hào với di sản văn hoá – xường của các thế hệ cha ông truyền lại: Đất thì xường, mường thì rang/ Kẻ Chợ, Mường Ngoài còn đang có tiếng, cả một vùng Mường quê Thanh nơi đâu cũng cất cao khúc hát tâm tình.“Xường” của người Mường khi hát giao duyên chủ yếu là về đêm. Môi trường và không gian diễn ra trên ngôi nhà sàn. Nam ở gian ngoài, nữ ở buồng trong, có bếp lửa hồng và ngọn đèn dầu. Người ta còn gọi đó là áng Xường.

Đến với áng Xường còn có nhiều trai gái người đứng tuổi ngồi nghe thưởng thức. Ở đó đôi trai gái lấy lời hay ý đẹp, giọng tốt để trao đổi tình cảm. Có nhiều “bạn đôi Xường” hát với nhau cả đêm còn chưa thấy mặt. Đó là các trường hợp trai, gái mường xa đến chơi, giữa chủ và khách cùng hát với nhau. Trong hát đối của các đôi nam nữ, tùy thuộc vào tài năng của chàng trai, cô gái mà lời hát là những câu hỏi ý tứ sẽ thể hiện được thái độ vui vẻ, giận hờn, trách móc hay nũng nịu, đằm thắm. Chính vì vậy, các chàng trai thường trổ hết tài năng của mình khi học hát xường.

Nhìn chung ở cái ngày xưa ấy, con trai, con gái lớn lên cùng với công việc đồng áng, nương rẫy, cày cấy, chăn tằm, con trai phải lo học thổi sáo, đàn môi, học Xường, con gái lo thêu dệt và học Xường. Không hát Xường được, không dám đi chơi xa và cũng không có bạn bè. Hát Xường trở thành một sinh hoạt, một nhu cầu và một đam mê tất yếu của người Mường, nhất là ở lớp trẻ.

Trong số các loại xường thì xường trai gái là hình thức phong phú và có nhiều bài hát nhất. Xường trai gái là các bài ca trao duyên, trao tình giữa một bên là trai thanh và một bên là gái lịch, thông qua lời hát để bén duyên nhau mà nên chồng vợ. Xường trai gái là lời hát cất lên từ trái tim rạo rực thương yêu, không phân biệt địa vị cao thấp trong xã hội hay hát xường vì vật chất.

Xường giao duyên chủ yếu là hát về đêm: Đêm nay anh lắng em xường/Nghe chưa liền anh đường cố chấp/Em xường chưa liền khúc anh chớ có cười/Hát “cho vui áng” hát “cho rạng đêm”. Môi trường và không gian diễn ra trên ngôi nhà sàn, còn gọi đó là áng xường. Trong những cuộc hát xường thường có đầy đủ trà nước, trầu, thuốc lào… mọi người dùng chung và đèn đuốc cũng được thắp sáng để tiện cho việc trai gái có thể nhìn mặt chọn bạn tìm hiểu lẫn nhau… nam ở gian ngoài, nữ ở buồng trong. Đến với áng xường còn có người già và trẻ nhỏ ngồi nghe thưởng thức. Hát xường diễn ra giữa trai gái trong làng hay từ mường xa đến chơi, giữa chủ và khách cùng hát với nhau.

Thông thường, cuộc xường có thể là một đêm, cũng có khi là ba đêm. Khi kết thúc có xường thề, xường dặn, và xường tạm biệt. Xường thề, xường dặn thường kết hợp với nhau, còn xường tạm biệt hát sau cùng với lời hát gửi thương, gửi nhớ, thiết tha sâu nặng: Ước chi ta đi củi chung một vác/Đi nác chung một giếng/Náu nướng chung một bóng râm/ Trời mưa lam thâm đội chung nón kín…, đến lúc chia xa thì: Em về chốn xa đất xa mường/Anh gửi em nón trắng đi đàng/ Gửi em trầu nang ăn sá… và cùng hẹn nguyền kết tóc, xe tơ: Muốn cho tiện nẻo đi về/Anh sang làm rể em về làm dâu…

Như vậy ta thấy ở các cuộc hát “Xường” nổi lên ở hai điểm, đó là cuộc sinh hoạt văn hóa: thi hát lời hay giọng tốt, đối đáp thông minh và quan trọng là đôi bạn tình tìm đến nhau bởi cảm mến vì tình. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nam thanh nữ tú người Mường lại rủ nhau hát đối từ bản nọ sang bản kia, thể hiện giản dị, mộc mạc những cung bậc cảm xúc trong tình yêu như vui vẻ, hạnh phúc, giận hờn, nũng nịu…

Những đôi trai gái say sưa trong lời ca tiếng hát quên cả giờ về, quấn quýt bên nhau đến tận sáng hôm sau vẫn chưa muốn dứt. Dường như điệu hát Xường đã xóa nhòa thời gian, chỉ còn lại không gian rừng núi mênh mông cùng tình yêu đôi lứa.

Nét độc đáo trong điệu Xường giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, không theo một khuôn mẫu có sẵn mà sáng tạo một cách linh hoạt, hài hòa.Đã từ lâu, hát Xường giao duyên đã trở thành bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc và đậm nét của người Mường các xã Cao Ngọc, Thạch Lập, Minh Sơn của huyện Ngọc Lặc nói riêng và của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Thanh nói chung. 

Như thường lệ, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về những nam thanh, nữ tú ở các bản Mường ở các xã Cao Ngọc, Thạch Lập, Minh Sơn... lại tìm đến nhau để hát đối những làn điệu xường giao duyên. Hát xường có nhiều loại như xường chúc, xường cài hoa, nhưng phổ biến nhất vẫn là xường giao duyên. Nét độc đáo trong điệu xường giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, không theo một khuôn mẫu có sẵn mà sáng tạo một cách linh hoạt, hài hòa.

Địa chỉ để hát xường giao duyên được chọn là nhà sàn quanh bếp lửa mùa đông, hay bên con suối chảy êm đềm, dưới sân nhà sàn, bên cây bông hoa, hay ruộng lúa trĩu bông vàng rười rượi dưới trăng, nơi tập trung có sự kiện đông người khi vui, hoặc khi buồn... Đối tượng tham gia hát xường là một tốp nam và một tốp nữ, bên chủ nhà và bên khách mời.

Hát xường chia làm ba chặng với nội dung lời hát khác nhau cho phù hợp từng chặng. Chặng một là bên chủ hát mời khách trước. Chặng hai bên khách hát đối đáp sau. Chặng ba là hai bên thay nhau hát lời hẹn thề, dặn dò, tạm biệt và hẹn gặp lại lần hát xường sau.Nội dung lời hát rất phong phú, như ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình yêu đôi lứa, tương thân, tương ái, ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản của nhau, ca ngợi quê hương, đất nước đổi mới.

Người Mường ngày xưa không được học, không có chữ mà có sinh hoạt văn hóa thanh lịch, cao khiết đầy mỹ cảm. Câu, lời đối đáp của xường nhiều ý hay sâu kín. Cuộc sinh hoạt văn hóa phong phú, nhiều ý nghĩa, giàu tình yêu thương lành mạnh, góp phần không nhỏ nâng tâm hồn và nhân cách con người lên một tầm cao. 

Để bảo tồn phát huy điệu hát xường của dân tộc Mường, những năm qua huyện Ngọc Lặc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo người dân về giá trị to lớn của làn điệu hát xường giao duyên; đưa làn điệu hát xường giao duyên vào các lễ hội; thành lập các câu lạc bộ xường, hội xường, tổ chức các cuộc thi xường kết hợp với du lịch bản địa và hướng tới đưa bộ môn xường vào các tiết học ngoại khóa trong các trường học. 

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh