Thanh Hóa: Lại nóng chuyện lao động “chui”
- Pháp luật
- 18:01 - 21/02/2019
Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, có rất nhiều người dân ở Thanh Hóa lại khăn gói lên đường vượt biên trái phép qua Trung Quốc (TQ) làm “chui”. Nhiều người cho biết dù đó là hành vi sai trái nhưng vì miếng cơm manh áo nên họ vẫn liều mình qua xứ người mưu sinh.
Theo ghi nhận của PV, các địa phương có lao động vượt biên qua TQ lao động “chui” tập trung nhiều ở các huyện ven biển của Thanh Hóa như: Quảng Xương, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa… Tối 08/2 (tức mùng 4 Tết Kỷ Hợi), nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá và Công an huyện Quảng Xương đã phối hợp ngăn chặn kịp thời 11 công dân ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương đang chuẩn bị lên xe ô tô khách BKS 14B3-023.15 chạy tuyến Nghệ An – Móng Cái để xuất cảnh đi lao động “chui” tại TQ. Qua điều tra xác minh, trong số 11 công dân nói trên có 7 trường hợp đã từng nhiều lần xuất cảnh đi lao động “chui” tại TQ.
Công an huyện Hà Trung ngăn chặn kịp thời việc công dân xuất cảnh trái phép (Ảnh Công an Thanh Hoá)
Theo một điều tra viên Công an tỉnh Thanh Hoá, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các đối tượng này đã về quê ăn Tết, sau đó đã cùng với một số lao động nhàn rỗi trên địa bàn xã Quảng Nham liên hệ với nhà xe KaLong đến xã Quảng Nham để đón đi Móng Cái sau đó sang TQ bằng các đường bất hợp pháp. Sau khi phát hiện, Công an huyện Quảng Xương đã kịp thời ngăn chặn, đồng thời tuyên truyền, vận động và thuyết phục 11 công dân xã Quảng Nham không tái phạm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường lực lượng xuống cơ sở để nắm tình hình, rà soát, lập danh sách thống kê số công dân đang xuất cảnh lao động trái phép trên địa bàn.
Tại xã Quảng Nham (Quảng Xương, Thanh Hoá), một vùng biển nghèo có dân số đông với hơn 16.000 nhân khẩu/3.582 hộ. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề khai thác, chế biển hải sản. Những năm gần đây, nghề biển không thuận lợi; trình độ người dân còn hạn chế, khó tìm xin việc… Vì hoàn cảnh và không học hành nên người dân nơi đây dễ bị lôi kéo vào đường dây lao động “chui” sang TQ.
Báo cáo của UBND xã Quảng Nham cho thấy, năm 2018 xã này có 78 người xuất cảnh trái phép sang TQ làm việc. Trước Tết Nguyên đán có 51 người trở về địa phương, còn lại 27 người vẫn đang lao động trái phép tại nước bạn. Công việc của các lao động này chủ yếu là làm trong các xưởng sản xuất đồ nhôm, ví da với mức lương từ 5 triệu – 10 triệu đồng/tháng. Thôn Đông, xã Quảng Nham là một trong những thôn có số người đi xuất cảnh trái phép sang lao động tại TQ đông với 12 người (năm 2018).
Trao đổi với PV, ông Trần Thế Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết: Hàng năm, vào dịp trước, trong và sau tết chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền, vận động nhân dân về xuất cảnh, nhập cảnh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Các xã tuyên truyền trong các cuộc họp tại thôn, xóm; bố trí công an viên dùng loa di động tuyên truyền ở tất cả các thôn; phát các bài tuyên truyền trên loa phát thanh của xã để người dân chấp hành đúng pháp luật. Bên cạnh đó, địa phương cũng yêu cầu người dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép, không tổ chức, lôi kéo, rủ rê người dân xuất cảnh trái phép lao động tại TQ. Ngăn chặn không để tăng thêm số lao động xuất cảnh trái phép. Đồng thời thông qua số lao động đã trở về nước để kêu gọi số lao động đang sống và làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, vận động người thân trong gia đình có lao động trái phép động viên họ trở về địa phương theo quy định pháp luật.
Cũng theo ông Lưu, tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang lao động tại TQ là trái pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đến sức khỏe, tính mạng… Biết là vậy, nhưng hiện nay địa phương đang gặp khó khăn trong công tác quản lý công dân xuất cảnh trái phép sang TQ. Bởi, khi người dân ra khỏi nơi cư trú đi làm ăn xa thường không báo cáo với chính quyền địa phương, nên rất khó phát hiện những trường hợp lao động xuất cảnh bất hợp pháp. Trong khi đó, lao động tại các vùng biển không có tay nghề, khó xin việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang lao động tại TQ. Về lâu dài, một mặt các cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý đối với các cá nhân môi giới lao động đi làm việc trái phép. Mặt khác cần đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động tạo môi trường thông thoáng, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển ngay tại địa bàn các địa phương này. Có sinh kế tại chổ ổn định sẽ không phát sinh các vấn đề phức tạp của đời sống xã hội và không còn đất sống cho cò, môi giới lao động “chui”.
Theo quy định của pháp luật, những trường hợp xuất cảnh trái phép đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng vẫn tái xuất cảnh trở lại và bị bắt, trao trả, đẩy đuổi sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định” được quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 17, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.