CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:14

Tháng tư với những giai điệu đẹp, tự hào

 

Sài Gòn ngày tháng Tư. (Ảnh tư liệu)

 

Trong gia tài đồ sộ các bài hát cách mạng rất nhiều người biết và thích bài hát “Sông Đắk Krông mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải. Nhưng không phải ai cũng biết, bài hát ra đời trong những hoàn cảnh rất khác nhau. Giai điệu và lời một của bài hát được tác giả viết từ mùa xuân 1968 nhưng vẫn nằm trong ba lô cùng ông qua rất nhiều cuộc hành quân chiến đấu trên các chiến trường miền Trung, Tây Nguyên. Để rồi, chợt một sáng tháng Tư ấy, khi đang sống ở miền Bắc, nghe tin thắng trận vọng về từ Chiến dịch Hồ Chí Minh - khởi đầu từ Tây Nguyên bất khuất, cảm xúc dâng trào mãnh liệt, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Tố Hải đã hoàn thành bài hát còn dang dở ngày nào.

“Ta gọi mùa Xuân tới cho tiếng ca rộn vang

Ta gọi mùa Xuân tới cho tiếng chiêng rộn ràng

Ta nghe trong lòng núi những bước chân Trường Sơn

Của đoàn quân giải phóng mang mùa Xuân chiến thắng”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và bìa sách nhạc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Nhạc sĩ Tố Hải.


Tháng Tư - ngày non sông thu về một mối, cùng với dòng Đắk Krông đã tạo niềm cảm hứng để tác giả cho ra đời một ca khúc bất hủ. Với âm hưởng hào hùng, những âm điệu thiết tha, nhẹ nhàng, hoà quyện với lời ca giàu biểu cảm lại được thể hiện bằng giọng ca vàng của nghệ sĩ Kiều Hưng, Sông Đắk Krông mùa xuân về đã lôi cuốn mọi thế hệ người nghe. Nhạc sĩ Tố Hải,  tên thật là Tố Trấp, sinh năm 1937 ở làng Đa Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa.

Cùng một cảm hứng về ngày chiến thắng, bài hát "Đất nước trọn niềm vui" của nhạc sĩ Hoàng Hà lại là sự vỡ òa của niềm vui, của lòng tự hào. Thật không ngoa khi có người nói “Đây là một khúc ca hùng hồn tràn ngập niềm hân hoan tột cùng của cả một dân tộc mừng vui chiến thắng, khí thế hoành tráng, tưng bừng, sống động của ngày đất nước ca khúc khải hoàn”. “Đất nước trọn niềm vui” ra đời khi cuộc chiến tranh hơn 20 năm giành độc lập tự do, thống nhất đất nước đã đi đến chặng cuối cùng. Tháng 4/1975, nhạc sĩ Hoàng Hà đang công tác tại Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, nhờ vậy ông có cơ hội được nghe những thông tin mới nhất, nóng nhất về tình hình chiến sự ở miền Nam. Khi nghe tin quân giải phóng miền Nam đang ồ ạt từ các hướng tiến về giải phóng Sài Gòn, ngày 26/4 với cảm xúc dâng trào nhạc sĩ đã hoàn thành bài hát chỉ trong đúng một đêm.

Bài hát mở đầu bằng những hình ảnh thật đẹp và sống động:

“Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay!

Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây

Sài Gòn ơi!

Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng.”

Khi bài hát ra đời, còn 4 ngày nữa cuộc chiến mới kết thúc, vậy nhưng những hình ảnh trong bài hát không khác gì sẽ diễn ra sau đó. Cũng là rừng cờ, rừng hoa, những bước chân rộn ràng, những ánh mắt tươi vui.

“Đời rực sáng những ánh mắt lấp lánh

Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương

Ta muốn ca vang bước chân

Những người chiến sĩ giải phóng kiên cường!

Đêm hoa đăng, những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời,

Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ Quốc muôn đời,

Trọn vẹn cả non sông thống nhất rạng rỡ Việt Nam...”.

Hát mừng giải phóng.


Điều đó chỉ có thể giải thích bằng sự cảm nhận, những linh tính thiên phú của người nhạc sĩ và còn là nỗi khát khao, niềm hy vọng của cả dân tộc vào một “ngày vui chiến thắng”. Ngay ngày hôm sau 27/4, bài hát đã được dàn dựng và người thể hiện là ca sĩ Trung Kiên. Sáng 1/5/1975 bài hát được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và đã làm xúc động trái tim hàng triệu người nghe, không ít người đã vừa nghe vừa trào nước mắt vì vui sướng. Ca khúc từ lâu đã trở thành một trong những bài hát về ngày toàn thắng phổ biến và thành công nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Đây cũng đã là một trong những sáng tác tiêu biểu của cố nhạc sĩ Hoàng Hà trong sự nghiệp âm nhạc của mình.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên lại cảm xúc và viết về mốc son lịch sử Ngày 30/4 ở một góc độ khác. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại: Ngày 28/4/1975 khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin về hành động oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất của phi công Nguyễn Thành Trung, ông đã rất xúc động. Và đó chính là động lực mạnh mẽ để ông cho ra đời bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. "Trong nguồn cảm hứng dào dạt, hai tiếng đồng hồ sau bài hát được hoàn thành, không cần sửa một câu, một chữ”, nhạc sĩ nói.

Điều dường như nằm ngoài dự đoán của tác giả, đấy là hai ngày sau, ngày 30/4, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” nhanh chóng được đưa đi dàn dựng và phát sóng. Bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” đã vinh dự được chọn để phát vào chương trình thời sự đặc biệt lúc 17h chiều khi Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng miền Nam trước toàn thế giới. Suốt đêm hôm ấy, mỗi lần đọc xong tin thắng trận, bài hát lại cất lên vang dội qua làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng tâm sự: "Lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu mình mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó". Bài hát không dài, lời ca giản dị nhưng lại thể hiện được tình cảm sự khát khao, niềm mong mỏi của mỗi người dân Việt Nam - mong có Bác trong ngày đại thắng. Cũng bởi thế, cho đến bây giờ trong những dịp kỷ niệm, ngày lễ hay những sự kiện thể thao, văn hóa lớn… thế nào “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” cũng lại được cất lên đầy tự hào dù ở trong hay ngoài nước.

Hơn 40 năm nước nhà thống nhất, Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đang từng bước thực hiện thành công niềm mong mỏi của Bác Hồ “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” nhưng những cảm xúc về ngày chiến thắng vẫn còn mãi. Những giai điệu tháng Tư vẫn mãi là những giai điệu đẹp, những bài ca đi cùng năm tháng.

ĐOÀN VĂN TOÀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh