THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:52

Tháng Bảy, thành kính tri ân

* Thưa ông, trong thời gian qua, việc thực hiện các chính sách ưu đãi người có cônggia đình chính sách được triển khai như thế nào tại địa phương?

 - Ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo, đài tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người có công tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và đối tượng chính sách để thực hiện và giám sát việc thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng xã hội và tôn vinh người có công với đất nước.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình thăm gia đình chính sách tại huyện Gia Viễn (Ninh Bình).

Sau khi Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng sửa đổi bổ sung được ban hành, toàn ngành đã tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng từ nhiều năm trước về xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách người có công, đồng thời tập trung cao độ giải quyết cho các đối tượng mới được bổ sung hưởng chính sách ưu đãi với số lượng rất lớn, trên 35.000 lượt người được thụ hưởng chính sách ưu đãi. Đề nghị Chủ tịch nước tặng và truy tặng 842 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (gồm phong tặng 95 mẹ và truy tặng 747 mẹ), nâng tổng số 1.187 Bà mẹ của tỉnh được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập cho 197 gia đình có nhiều con là liệt sỹ. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công 9 thương binh từ trần do VT tái phát, cấp lại 1.073 Bằng Tổ quốc ghi công bị mất hoặc rách, hỏng. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thẩm định hồ sơ giải quyết chính sách cho trên 30.000 người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo Quyết định số 142/QĐ-TTg và người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và giúp nước bạn Lào sau ngày 30/4/1975 theo Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh rà soát 121 đối tượng hưởng trợ cấp theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg; tổ chức thực hiện chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với Người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh và đã xử lý giải quyết dứt điểm các sai sót sau rà soát.

Đồng thời, với việc giải quyết chính sách cho các đối tượng mới phát sinh, ngành đã duy trì thực hiện tốt chính sách và lo đủ nguồn kinh phí, tổ chức chi trả đúng, đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp cho trên 25.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, trên 35.000 người hưởng chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế do ngân sách Trung ương đài thọ và trên 35.000 đối tượng hưởng ưu đãi BHYT do ngân sách địa phương đài thọ; trên 52.500 lượt đối tượng hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo. Với tổng kinh phí chi trả hàng năm gần 600 tỷ đồng, đảm bảo an toàn không để xảy ra thất thoát, mất cắp, mất trộm. Thực hiện điều chỉnh kịp thời, chính xác mức trợ cấp cho đối tượng theo quy định tại các nghị định của Chính phủ cho từng giai đoạn. Thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho 34.200 lượt người có công (mỗi năm từ 7.000 - 11.000 người), trong đó hàng năm tổ chức đưa hàng nghìn người có công đi điều dưỡng tập trung ở các trung tâm tại Sầm Sơn, Thanh Hóa đảm bảo an toàn.

* Để thực hiện tốt cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công, ngành đã có hoạt động nào nhằm thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân?

- Ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình đã chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình chính sách. Trong đó đã tham mưu và tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách trong các dịp lễ, tết với gần với trên 61.000 lượt đối tượng được nhận quà, trị giá tiền trên 13 tỷ đồng/năm.

Vận động đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt 3.992 triệu đồng; đã xây mới và sửa chữa 494 nhà tình nghĩa, trị giá 10.696 triệu đồng. Đặc biệt là thực hiện Đề án số 02/ĐA-TTHĐ và Đề án 06/ĐA-TTHĐ của Thường trực HĐND tỉnh về hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ chính sách có khó khăn về nhà ở, toàn tỉnh đã xây mới trên 500 ngôi nhà; thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, ngành đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh có Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 21/1/2014 phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh với trên 2.400 hộ gia đình người có công thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở, kinh phí hỗ trợ trên 68 tỷ đồng; vận động tặng 287 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá 168 triệu đồng, vận động các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến hết đời 100% các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh; vận động các bệnh viện Trung ương và địa phương nhiều lần tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có công, trị giá hàng tỷ đồng. Đến nay đã có 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận là xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công, 98% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân nơi cư trú.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình Lâm Xuân Phương.

* Những ngày này, cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Thưa ông, tỉnh Ninh Bình  đã có những hoạt động gì cho ngày lễ tri ân này?

- Đảng bộ, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh Ninh Bình đã thành kính dành lời tri ân tháng bảy với nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa diễn ra trên địa bàn, với tinh thần chỉ đạo là các hoạt động phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Hoạt động tri ân phải thực sự tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho gia đình chính sách và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Lồng ghép những hoạt động của các tổ chức, địa phương, đơn vị với phong trào đền ơn đáp nghĩa, biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC. Chính quyền các cấp thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ chính sách, giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, đặc biệt đối với những người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội trên địa bàn cùng động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho các gia đình liệt sĩ, thương binh và NCC với cách mạng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa chăm sóc, tri ân NCC  trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện tốt các nội dung hoạt động như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách chế độ ưu đãi Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ, để các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, các đối tượng chính sách hiểu biết thực hiện và giám sát việc thực hiện đạt kết quả; tuyên truyền các gương người tốt việc tốt, các tập thể và cá nhân tích cực trong thực hiện chính sách và chăm sóc đời sống người có công với cách mạng, các gương người có công tiêu biểu trong các phong trào phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới và gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

 

Chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải quyết những phát sinh, tồn đọng sau Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; kịp thời hướng dẫn đối tượng lập hồ sơ, thẩm định xem xét xác nhận đối tượng và đề nghị giải quyết chính sách đối với người có công và thân nhân của họ còn tồn đọng chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chế độ chính sách ưu đãi theo đúng quy định, đảm bảo để họ sớm được xác nhận đối tượng và thụ hưởng chính sách chế độ ưu đãi. Tổ chức chi trả đúng đủ, kịp thời, chu đáo trợ cấp, phụ cấp và tiền quà của Chủ tịch nước tới đối tượng chính sách; trợ cấp thờ cúng liệt sỹ năm 2016. Tổ chức thăm hỏi động viên, tặng quà các đối tượng người có công tiêu biểu, các gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn trong đời sống; tổ chức chuyển và trao quà của Chủ tịch nước và quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ tỉnh tới đối tượng chính sách đảm bảo chu đáo, kịp thời; hoàn thành tốt kế hoạch đưa người có công đi điều dưỡng tập trung và tổ chức điều dưỡng tại gia đình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, cố ý làm trái quy định trong thực hiện chính sách chế độ ưu đãi người có công, đảm bảo công bằng xã hội, tôn vinh người có công với cách mạng. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc đời sống người có công và các gia đình chính sách bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hiệu quả. Trong đó cần tập trung vào các đối tượng người có công và thân nhân của họ gặp hoàn cảnh khó khăn trong đời sống, gia đình chính sách thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; vận động đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

Tổ chức sửa chữa, dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quang, thăm viếng dâng hương các nghĩa trang, đài, bia tưởng niệm liệt sỹ: Chỉ đạo Đoàn Thanh niên CSHCM tổ chức thắp nến tri ân tại tất cả các nghĩa trang trên địa bàn vào tối ngày 26/7/2016 theo Chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn Thanh niên CSHCM và Bộ LĐ-TB&XH; Kiểm tra rà soát rút kinh nghiệm việc giao và gắn biển công trình “Đền ơn đáp nghĩa” cho tổ chức đoàn thanh niên và đội thiếu niên các trường học đảm nhiệm việc chăm sóc, dọn vệ sinh môi trường các nghĩa trang liệt sỹ và các công trình tưởng niệm liệt sỹ theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, huy động sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân để chung tay chăm lo, chia sẻ, tri ân với NCC với cách mạng, để những NCC và thân nhân họ vơi đi nỗi đau thương, mất mát; đồng thời, tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

THU HƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh