Thành kính tri ân tháng bảy
- Tra cứu phẫu thuật
- 13:30 - 27/07/2015
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền (áo trắng) trong lễ an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Bá Thước, Thanh Hóa.
Thưa ông, có lẽ hiếm địa phương nào có số lượng NCC nhiều như ở Thanh Hóa ?
Thanh Hoá là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng hào hùng. Qua mọi giai đoạn, Thanh Hóa luôn là tỉnh có vị trí quan trọng và đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Thanh Hóa vừa là tiền phương, vừa là hậu phương lớn, đóng góp nhiều sức người, sức của, với trên 70 vạn thanh niên tham gia lực lượng quân đội, trên 8 vạn thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến.
Hiện, địa phương đang quản lý, thực hiện chế độ cho trên 1.200 cán bộ lão thành cách mạng; trên 500 cán bộ tiền khởi nghĩa; trên 300 người là ân nhân cách mạng; trên 1.500 đối tượng hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị địch bắt tù đày; gần 60.000 liệt sĩ, hơn 46.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; hơn 15.000 bệnh binh (trong đó có trên 1.400 thương, bệnh binh nặng có tỷ lệ mất sức lao động trên 81% do thương tật); có 3.040 bà mẹ được tặng và phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH (trong đó có 285 mẹ còn sống); trên 100 anh hùng Lực lượng vũ trang và ah hùng lao động; có 14.570 đối tượng HĐKC bị nhiễm chất độc hoá học (trong đó: trực tiếp là 8.695 người, gián tiếp là 5.875 người). Tỉnh Thanh Hóa có trên 400.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, tỷ lệ bình quân cứ 10 người dân thì có 1 người có công với cách mạng.
Đoàn Thanh Hóa dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. Cần Thơ
Việc thực hiện các chính sách ưu đãi người có công và gia đình chính sách được triển khai như thế nào tại địa phương, thưa ông?
Cùng với tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp ưu đãi đối với NCC với nước, trong nhũng năm qua, công tác chăm lo hỗ trợ, giúp đỡ NCC vươn lên trong cuộc sống được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả tích cực. Là địa phương có đông đối tượng chính sách, tuy điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng Thanh Hóa luôn dành một phần kinh phí thỏa đáng để thực hiện chính sách cho NCC, đặc biệt trong việc hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa; nâng cấp sửa chữa nhà ở cho NCC khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư xây dựng Đền thờ Bà mẹ VNAH và các anh hùng liệt sĩ; nâng cấp, sửa chữa các nghĩa trang liệt sĩ; tìm kiếm, cất bốc, quy tập các phần mộ liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào vào các nghĩa trang trên địa bàn.
Tỉnh cũng đã quan tâm, dành nguồn kinh phí bố trí đầu tư nâng cấp Trung tâm điều dưỡng NCC và các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn. Phát huy truyền thống nhân ái, thủy chung “uống nước nhớ nguồn”, địa phương xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, góp phần vào việc chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH, thương binh, bệnh binh nặng, NCC và gia đình NCC hoàn cảnh khó khăn. Bằng nhiều hình thức, tỉnh quan tâm và ưu tiên hỗ trợ các gia đình NCC có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách Xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Các chính sách hỗ trợ giáo dục cho con thương binh, con liệt sĩ; bảo hiểm y tế cho NCC... được địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời. Hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc và ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), tỉnh đều dành nguồn kinh phí để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và NCC với cách mạng. Dịp Tết Ất Mùi 2015, địa phương dành nguồn kinh phí hơn 12 tỷ đồng để tặng quà cho hơn 103.000 NCC với nước. Các doanh nghiệp và nhà hảo tâm cũng dành tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng để tặng quà cho các gia đình chính sách, NCC.
Vào dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, nguồn quỹ địa phương dành hơn 10 tỷ đồng để tặng quà cho 102.390 NCC, nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh với các gia đình chính sách và NCC công với cách mạng.
Đền thờ các Bà mẹ VNAH tại Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa.
Những ngày này, cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Thưa ông, tỉnh Thanh Hóa đã có những hoạt động gì cho ngày lễ tri ân này?
Đảng bộ, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa đã thành kính dành lời tri ân tháng bảy với nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa diễn ra trên địa bàn, với tinh thần chỉ đạo là các hoạt động phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Hoạt động tri ân phải thực sự tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho gia đình chính sách và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Lồng ghép những hoạt động của các tổ chức, địa phương, đơn vị với phong trào đền ơn đáp nghĩa, biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC. Chính quyền các cấp thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ chính sách, giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, đặc biệt đối với những người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội trên địa bàn cùng động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho các gia đình liệt sĩ, thương binh và NCC với cách mạng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa chăm sóc, tri ân NCC trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đến các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, các bà mẹ VNAH, NCC với cách mạng, các thương binh, bệnh binh đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh nặng ở các tỉnh. Tỉnh cũng đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức các đoàn đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương: Điện Biên, Quảng Bình; Cần Thơ…, đặc biệt là viếng các Nghĩa trang liệt sĩ: Vĩnh Linh, Đường 9, Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị) và các công trình ghi ơn liệt sĩ trong tỉnh.
Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, huy động sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân để chung tay chăm lo, chia sẻ, tri ân với NCC với cách mạng, để những NCC và thân nhân họ vơi đi nỗi đau thương, mất mát; đồng thời, tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trân trọng cảm ơn ông !
* Năm 2014, tổng thu Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh Thanh Hóa đạt trên 18 tỷ đồng. Nguồn Quỹ cấp tỉnh đã chi 1,82 tỷ đồng nhằm xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhà tình nghĩa cho 84 NCC và công trình nghĩa trang tại tỉnh Quảng Trị. 6 tháng đầu năm 2015, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thu được gần 600 triệu đồng. * Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, tỉnh Thanh Hóa đã tặng quà cho 102.390 đối tượng chính sách, NCC với tổng kinh phí trên 31.208 tỷ đồng từ nguồn của TƯ và địa phương. Ngoài ra, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các huyện, thị xã, thành phố đã dành nguồn tiền gần 9 tỷ đồng để thăm, tặng quà cho NCC. Ước toàn tỉnh có hơn 100.000 lượt NCC được thăm hỏi, tặng quà với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. * Qua tổng rà soát việc thực hiện chính sách với NCC trên toàn địa bàn, tỷ lệ đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chế độ đạt 99,8%, hưởng chưa đầy đủ 0,1%, hưởng sai chỉ 0,1% (do 2 người làm chứng không cùng đơn vị); tỷ lệ đối tượng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hưởng đúng chế độ đạt 99,9%. |