Tháng 9 sẽ trình Chính phủ về chuẩn nghèo mới phù hợp với thực tế
- Tây Y
- 20:26 - 16/04/2015
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa đã báo cáo về tình hình và đề xuất các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm-dạy nghề; Chương trình hành động phòng, chống mại dâm; Chương trình quốc gia về bình đẳng giới; Chương trình quốc gia an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết, hiện tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8-6% cuối năm 2014. Dự kiến đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra giai đoạn 2012-2015.
Trong báo cáo, Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định, kết quả giảm nghèo hiện nay chưa vững chắc. Mặc dù tỉ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%.
Về chương trình giảm nghèo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hiện nay vẫn còn sự trùng lắp giữa chương trình giảm nghèo của Bộ LĐ-TB&XH với chương trình xây dựng nông thông mới; trong đó, chủ yếu trùng lắp về địa bàn, đối tượng (phần lớn là người dân ở vùng nông thôn) và chủ trương, chính sách (về hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và truyền thông nâng cao năng lực).
Trong khi đó, đề xuất về giải pháp giảm nghèo bền vững, ĐBQH Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị, cần phải tập trung công tác giảm nghèo ở những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, không đầu tư dàn trải; đồng thời, thực hiện song song với công tác chống tái nghèo. "Nên có thêm khái niệm mới về “xã cận nghèo,” để có các chương trình hỗ trợ cần thiết cho người dân trong xã"- ông Châu hiến kế.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại phiên họp
Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, chỉ tiêu về giảm nghèo hiện vẫn do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện, vì chính sách này liên quan đến từng đối tượng cụ thể. Đối với nội dung trùng lắp của hai chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã thấy và giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Lao động và Bộ Tài chính ngồi lại rà soát, thống kê lại xem bao nhiêu phần trăm hộ nghèo không thể thoát nghèo (do bị bệnh, không có nguồn thu nhập, mất sức lao động…), từ đó tách các hộ nào ra để có những hỗ trợ cụ thể.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, mặc dù chúng ta đánh giá là thoát nghèo rồi nhưng chuẩn nghèo quá thấp. Chậm nhất đến tháng 9 năm nay, Bộ Lao động sẽ trình Chính phủ về chuẩn nghèo mới, trong đó có thêm chuẩn nghèo đa chiều có tính đến nhu cầu tối thiểu về hưởng thụ văn hóa – xã hội.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, nghèo không phải là do người dân mà do điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn… “Muốn giảm được nghèo ở những vùng khó khăn ấy cần rất nhiều biện pháp, nhưng trong đó có biện pháp tạo cơ hội, tạo động lực để người dân có đủ điều kiện, đủ trình độ để tiếp cận cơ hội sản xuất, người dân sẽ tự vươn lên. Còn hỗ trợ của Nhà nước chỉ là trước mắt. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tăng cường nguồn lực cho vay đối với những nơi người dân có đủ điều kiện, như những hộ gia đình tuy ở miền núi nhưng có đất, có trang trại thì phải hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất và mạnh dạn cho họ vay. Nếu đã hỗ trợ như thế mà vẫn không thoát nghèo được thì nên chuyển sang đối tượng là hỗ trợ xã hội để người ta đảm bảo cuộc sống ổn định”, Bộ trưởng Chuyền chia sẻ.
Tại phiên họp này, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều đại biểu cho rằng, cần xem xét lại chỉ tiêu đào tạo nghề và cách thống kê lao động qua đào tạo nghề cho đúng thực tế, không nên duy ý chí, đề ra chỉ tiêu quá cao mà không thể thực hiện được |
Mời bạn đọc xem báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 92011-2015), Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (2016-2020) về lĩnh vực LĐ-TB&XH