THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:27

Thăm thẳm lời quê

 

Tôi là dân nửa Quảng Bình, nửa Quảng Trị. Mạ tôi người làng biển Thử Luật (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh), nên đọc cái lời quê ấy thật đã, nghe thăm thẳm chuyện đời. Người quê Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nói giống nhau, cũng những từ chân quê ấy, chỉ khác là Quảng Bình, Quảng Trị nói giọng nặng hơn, còn Thừa Thiên thì lại thêm cái đuôi ng sau các từ như ăng, mầng…Mạ tôi ngày xưa thuộc nhiều ca dao tục ngữ lắm. Mạ có thể ru cháu suốt ngày bằng ca dao mà không lặp lại: Rồi mùa toóc rạ rơm khô /Bậu về quê bậu biết nơi mô mà tìm…Ru em em théc cho muồi/ Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu…

Rồi tuần trước, bác Đoàn Duy Tăng, cũng người Thượng Phước (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong), đã vào lứa tuổi U80, không hiểu răng biết địa chỉ của tôi, mà gửi ra tập sách mỏng có tựa đề là Tiếng quê (tự làm vi tính), trong đó có bài thơ Tiếng quê, dài tới 127 khổ thơ (508 câu thơ). Bác Tăng là người từng dịch thơ Đường 3 tập(I, II, II), dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du ( 2 tập), nên chắc chắn bác là người rất am tường chữ nghĩa. Thế mà khi về già, lại nghĩ về tiếng quê. Bài thơ ấy bác Tăng làm để giải thích cho những người miền Bắc, miền Nam chưa từng về miền Trung những từ quê dân giã Quảng Trị: “Đòn triêng là đòn gánh/ Cái sân gọi là cươi/Quét nhà gọi là xuốc/ Xuốc cươi đi em ơi!”, hay: “Đã tra trôốc môốc trọ/Mà có vẻ dại khờ/ Người quê mình chân chất/ Nhưng nỏ hề ngu ngơ”. Tra trôốc mốốc trọ : Tra là già, trôốc là đầu, môốc là Mốc meo, bị mốc, trọ cũng là đầu, tức cái sọ. Câu ấy có nghĩa là già rồi, sọ mốc rồi mà vẫn dại, mà không chịu tử tế.

Một góc quê hương Quảng Trị

Đọc bài thơ Tiếng quê của bác Tăng tôi biết thêm nhiều từ quê mình đã quên mất: Nhớ trưa hè nóng nực /Xuống rào sương nác troong/ Hai đầu hai các đôộc/ Em sương chạy băng băng. Rào, nác, troong, sương…thì tôi biết rồi. Còn cái độộc tức là cái vò, cái lu để đựng nước thi tôi quên mất, giờ được học lại, sướng rơn.

 Có lần tôi ra Đông Hà chơi, ngồi uống với nhà thơ Nguyễn Văn Dùng (hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị), tôi bảo:” Mần cái gì sơ sơ, đỡ tốn tiền”. Anh Dùng bảo: “Lo chi, bạc nhiều thì uống nhiều, bạc ít thì uống bưa bưa thôi”. Ôi, mấy chục năm rồi tôi mới nghe nói từ bạc, tức là tiền. Tôi cứ nôn nao khi nghĩ cái âm bạc nó chính xác hơn âm tiền, khi nói về sự giàu nghèo ở đời. Bạc vần trắc cái trắc trở khó kiếm, còn tiền vần bằng không tương xứng với công lao sinh ra nó! Rồi chữ bưa bưa nữa, tôi nghe như nghe lần đầu, nhưng hiểu ngay và xúc động như tìm lại được chính mình.

Xa quê đã hơn 40 năm. Quê tôi ở làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy, Quảng Bình ( bây giờ là Ngư Thủy Trung) nên nói tiếng giống người Quảng Trị. Do là nhà văn, nhà báo nên tôi rất ý thức được giá trị của tiếng quê. Dù khi đi vô Nam ra Bắc, nói “tiếng phổ thông” để người khác hiểu mình, khi về làng là tôi đều nói tiếng quê cho thỏa thích. Có lần tôi ra Hà Nội họp cơ quan ( báo Thương Mại trước năm 2005), vì thấy anh em xung quanh toàn quen thân thiết cả, nên khi phát biểu ý kiến tôi xổ ra một lô một lốc toàn tiếng quê. Anh chị em ở miền Bắc ngẩn tò tè chẳng hiểu mô tê gì, bảo tôi: “ Anh nói bọn em chẳng hiểu gì cả!”. Tôi cười: “ Các em chịu khó học tiếng miền Trung mà nghe, anh nói hay lắm đấy!”.

 Mỗi lần về quê giỗ chạp, tôi nói rặt tiếng quê. Các bác già trong làng cứ mắng mấy đứa mới đi ra Hà Nội, vô Sài Gòn một vài năm đã nói giọng khác: “Tổ cha bay, bay thấy eng Khôi (tên khai sinh của tôi) đi khắp thiên hạ bốn chục năm chục năm ni, về làng là nói tiếng quê miếng. Còn bay mới đi ba bựa đã đổi giọng!”. Quả thực nói tiếng quê miềng nó sướng cái lưỡi hơn khi phải nói tiếng quê người. Tha hồ miềng chợn chắc / Cho thỏa nỗi dớ dung…; Lùm lùm đôi bồng đảo/ Ngực đầy bun gái quê…; vì ham chơi dác học/ Đành bấm rọt chịu đau…(Tiếng quê- Đoàn Duy Tăng)…

Tôi cũng có một kỷ niệm rất sâu sắc về tiếng quê, mà tôi đã viết trong bài hồi ức Đêm nói tiếng Quảng Trị ở Lộc Ninh. Đó là đầu năm 1973, ở mặt trận Lộc Ninh, chúng tôi gặp các chị người Quảng Trị, Thừa Thiên bị tù đày nay được trao trả theo Hiệp định Paris về Việt Nam. Xin trích lại đây một đoạn các chị hỏi các em có thiệt người Quảng Trị miềng không:

“… Chị Ngân, người lớn tuổi nhất bỗng nói một câu dài bằng “tiếng Quảng Trị”:

         - Mấy út nói mấy út người Quảng Trị miềng, mấy ả mờng hung lắm ! Răng mấy út nỏ nói tiếng Quảng Trị mô cả. Út mô nói một câu chi thiệt dài rặt tiếng Quảng Trị miềng coi?

       Như bấm đúng huyệt, căn phòng chú Sáu bỗng rôm rả hẳn lên. Đảm và Trung tranh nhau, hích vào vai nhau để giành nói. Chị Ngân thấy Trung trẻ nhất đám, chỉ vào nó: “Út ni”. Trung vốn là dân lém lỉnh, có tài kể chuyện, nên được chị Ngân chỉ định nói “tiếng” Quảng Trị, mắt nó long lanh rồi hấp háy, hai tay xoa xoa vào nhau làm bộ điệu :

           - Mấy ả ơi, mấy ả mần răng cho tui mạn cấy vá tui múc vá mói tui nêm tréc keng bù để tui bơng cho mệ tui một đọi , mệ tui húp cho mát rọt! ( Mấy chị ơi, mấy chị làm sao cho tôi mượn cái muôi tôi múc muôi muối tôi nêm nồi canh bầu để tôi bưng cho bà tôi một bát , bà tôi ăn cho mát ruột)

 - Rứa là thiệt người quê miềng đặc sệt rồi, chi nữa - chú Sáu cười ha hả, quờ tay xuống gầm tủ lôi ra chai rượu ...”

Chuyện “tiếng quê” bây giờ đã vào văn học nhiều. Như ngôn ngữ trong chuyện ngắn Nguyễn Đặng Mừng mà tôi đã kể trên. Xin trích thêm một đoạn trong bài Đêm nói tiếng Quảng Trị ở Lộc Ninh, đoạn nói về thơ Hồ Vi. “Tôi cũng nói tiếng Quảng Trị và đọc thơ Hồ Vi:            

                      Mấy bữa ni rồi trời thiếu nắng

Chừng chưa bưa lụt nước còn cao

Khi hôm bộ đội hành quân tới

Trấn thủ dầm phơi chật cả sào.  

Mạ mi đem dủi ra ngoài ruộng

 Kiếm ít đam cua chút của đồng

 Thêm đôi ba miếng anh em đõ

 Của nhà quê kiểng buổi thu đông

      Bài thơ “Lời quê” của Hồ Vi không ngờ lại làm cho không khí đêm vui trầm xuống, thâm nghiêm, xao xuyến. Chị Ngân bắt tôi đọc lại bài thơ một lần nữa, đọc rõ từng tiếng một .Vâng, “lời quê” đã vào thơ, đã vang lên trong tâm khảm, kéo con người về với cội nguồn. Nhiều chị rút khăn mùi xoa chấm, đôi mắt đỏ hoe. Tôi vừa đọc thơ vừa gìm giữ để không bật khóc !”

Nhà thơ Hồ Vi viết thơ bằng ngôn ngữ dân quê: bữa ni, chưa bưa, khi hôm, mạ mi, dủi, đam cua, quê kiểng…mà không cần chú thích gì, người đọc cả nước cũng hiểu.

Trong bài thơ Trường tương tư viết từ 75 năm trước, nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng dùng ngôn ngữ quê mùa: Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ/ Của hương hoa trong trăng lờn lợt bảy…Chữ bảy trong lờn lợt bảy là tiếng quê Quảng Bình, Quảng Trị. Bảy tức là bay. Nhưng trong bài thơ này, chữ bảy hay hơn, hình khối hơn hơn chữ bay nhiều. Với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý(quê Quảng Bình), từng là bộ đội ở Đông Hà(Quảng Trị) hơn chục năm liền, tình yêu quê hương đã hòa trong máu thịt của mình, nên anh làm thơ bằng tiếng quê hay như hát. Đây là một đoạn trích trong trường ca ƠI của nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý:

Về quê tôi thích nói tiếng quê 
cầm chủi (chổi) quét cươi (sân) 
lấy đao (dao) phát cỏ 
rót nác (nước) mời chắc (nhau) 
đọi (bát) cơm, chiếc vá (muôi) 
đi mô (đâu) đường ngái (xa) 
lấy cấy (vợ) chọn tôông (tông) 
lấy giôông (chồng) coi giôống (xem giống) 
côi trôốc (trên đầu) có Trời 
liệu đàng (đường) mà sôống (sống)...

Tôi luôn kính trọng và yêu mến những nhà thơ dùng tiếng quê của mình trong sáng tác văn học như thế. Vì nó vừa là thái độ yêu quý và gìn giữ tiếng mẹ đẻ của mình, vừa là một cách làm giàu cho ngôn ngữ văn học nước nhà. Viết đến đây tôi lại nhớ bài thơ Tiếng Nghệ của nhà thơ bạn vong niên của tôi Nguyễn Bùi Vợi. Đọc thơ anh Vợi, tôi thấy tiếng quê xứ Nghệ đa phần cũng chẳng khác chi tiếng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên: “Cái gầu thì bảo cái đài/ Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi/ Chộ tức là thấy mình ơi/ Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em/ Thích chi thì bảo là sèm/ Nghe ai bảo đọi thì mang bát vào/ Cá quả lại gọi cá tràu/ Vo troốc là bảo gội đầu đấy em…/ Nghe em giọng Bắc êm êm/ Bà con hàng xóm đến xem chật nhà/ Răng chưa sang nhởi nhà choa/ Bà o đã nhốt con ga trong truồng…

 Quả thực tiếng quê dân dã đã ngấm vào hồn những người con sinh ra từ đất mẹ và ngày càng trở thành một thứ ngôn ngữ văn chương khu biệt, kỳ thú. Nhà văn người miền Trung mà không biết dùng tiếng quê trong sáng tác của thì thật đáng tiếc, vì đã bỏ phí đi một nguồn chất liệu sinh động và thẳm thắm nhất.

Nhà thơ Ngô Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh